10 sự kiện thế giới nổi bật tuần qua

09:31' - 29/09/2024
BNEWS Trung Quốc tung ra các biện pháp kích thích tiền tệ và hỗ trợ thị trường bất động sản, Mỹ tránh được nguy cơ đóng cửa chính phủ, giá vàng tăng 28%... là những sự kiện thế giới nổi bật trong tuần qua.

1. Trung Quốc tung ra một loạt biện pháp kích thích tiền tệ và hỗ trợ thị trường bất động sản (giảm 0,5 điểm phần trăm lãi suất vay thế chấp; giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc 0,5 điểm phần trăm;...) nhằm hồi sinh nền kinh tế đang đối mặt với nguy cơ không đạt mục tiêu tăng trưởng "khoảng 5%" trong năm nay.

 

2. Mỹ tránh được nguy cơ đóng cửa chính phủ, khi ngày 22/9, các nhà lãnh đạo Quốc hội Mỹ đã công bố thỏa thuận gia hạn tài trợ cho chính phủ liên bang đến giữa tháng 12/2024. Lần gần đây nhất, Chính phủ Mỹ phải đóng cửa một phần là vào cuối năm 2018, khi ông Donald Trump làm Tổng thống.

3. Giá vàng đã tăng khoảng 28% kể từ đầu năm tới nay - mức tăng mạnh nhất trong 14 năm, giữa bối cảnh Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã khởi động lộ trình nới lỏng chính sách tiền tệ - nhân tố làm gia tăng sức hấp dẫn của vàng. Một số ngân hàng dự báo giá vàng có thể tăng lên tới 3.000 USD/ounce.

4. Chính phủ Ấn Độ giảm thuế xuất khẩu gạo đồ từ 20% xuống 10%, giữa bối cảnh nông dân chuẩn bị thu hoạch vụ mùa mới.

Tính đến ngày 1/9/2024, lượng gạo dự trữ tại Tổng công ty lương thực Ấn Độ (thuộc Chính phủ Ấn Độ) đạt 32,3 triệu tấn, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp chính phủ có dư địa để nới lỏng các hạn chế xuất khẩu gạo.

5. Giá gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm trong tuần này, do áp lực từ nhu cầu yếu và sự cạnh tranh từ các nước xuất khẩu gạo khác. Gạo 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 560 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 20/7/2023.

6. Mức thuế 100% của Mỹ đối với xe điện Trung Quốc chính thức có hiệu lực vào ngày 27/9/2024.

Thuế quan đánh vào các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc cũng được nâng từ mức 0-7,5% lên 25%, trong khi thuế đối với pin năng lượng Mặt trời và chất bán dẫn đã tăng gấp đôi lên 50%. Trung Quốc cho đến nay chỉ mới ám chỉ về khả năng sẽ có các biện pháp đáp trả.

7. Chứng khoán Mỹ tăng điểm tuần thứ ba liên tiếp. Số liệu lạm phát của Mỹ làm tăng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay hạ lãi suất tại cuộc họp vào tháng 11 tới. Xác suất Fed tiếp tục hạ lãi suất ở mức 50 điểm cơ bản hiện lên tới 56,7%.

8. Các công cụ phòng vệ thương mại đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ gần nửa triệu việc làm tại Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2023. Tổng cộng 182 biện pháp phòng vệ thương mại đã được áp dụng tại EU vào cuối năm 2023, tăng gần 40% so với năm 2018.

9. Các nhà máy thép Trung Quốc đối mặt với làn sóng phá sản. Gần ba phần tư các nhà sản xuất thép của Trung Quốc đã thua lỗ trong nửa đầu năm nay. Cuộc khủng hoảng bất động sản dai dẳng và sức tăng trưởng kinh tế yếu của Trung Quốc đang định hình lại ngành công nghiệp thép khổng lồ của nước này.

10. Các viện nghiên cứu kinh tế hàng đầu của Đức đồng loạt dự báo kinh tế Đức suy thoái trong năm 2024. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Đức dự kiến sẽ giảm 0,1% trong năm nay, năm giảm thứ hai liên tiếp. Khử carbon, số hóa, thay đổi nhân khẩu học và có lẽ cả sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn từ các công ty Trung Quốc đã kích hoạt quá trình điều chỉnh cơ cấu đang làm giảm triển vọng tăng trưởng của kinh tế Đức.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục