Bầu cử Mỹ: Kịch bản nào tốt hơn cho kinh tế thế giới?

06:00' - 07/09/2024
BNEWS Các chính sách thương mại của Chính phủ Mỹ tiếp theo, dù do Phó Tổng thống Kamala Harris hay cựu Tổng thống Donald Trump lãnh đạo, chắc chắn sẽ có tác động lan tỏa đáng kể.

Tờ Freemalaysiatoday mới đây đăng bài bình luận của ông Shang-Jin Wei, cựu chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Giáo sư tài chính và kinh tế tại Trường Kinh doanh Columbia và Trường Quan hệ Quốc tế và Công chúng thuộc Đại học Columbia. Bài viết nhận định rằng Mỹ đóng vai trò quan trọng trong việc định hình kinh tế thế giới. Do vậy, các chính sách thương mại của chính quyền tiếp theo sẽ có tác động lớn.

Theo bài viết, nguy cơ bất ổn lớn đang bao trùm kinh tế toàn cầu, liên quan đến việc ai sẽ trở thành Tổng thống Mỹ tiếp theo. Mặc dù Mỹ chỉ là nơi sinh sống của 5% dân số thế giới và đóng góp 15% giá trị gia tăng toàn cầu, nhưng vai trò của nước này trong việc định hình kinh tế thế giới là rất lớn. Các chính sách thương mại của chính quyền tiếp theo, dù do Phó Tổng thống Kamala Harris hay cựu Tổng thống Donald Trump lãnh đạo, chắc chắn sẽ có tác động lan tỏa đáng kể.

Những gì ông Trump có thể làm bao gồm tăng thuế quan của Mỹ đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc lên 60% và áp thuế 10% đối với hàng nhập khẩu từ tất cả các quốc gia khác. Những chính sách này sẽ gây tổn hại nhiều nhất đến xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ. Tuy nhiên, xuất khẩu của nhiều quốc gia khác sang Mỹ cũng sẽ giảm, mặc dù một số ít những quốc gia cung cấp hàng thay thế cho hàng hóa Trung Quốc có thể được hưởng lợi.

Các nền kinh tế phụ thuộc vào chuỗi cung ứng cũng sẽ chịu thiệt hại. Nhiều công ty Hàn Quốc và Nhật Bản xuất khẩu phụ tùng và linh kiện sang Trung Quốc, nơi chúng được kết hợp với các phụ tùng và linh kiện do Trung Quốc sản xuất và có thể lắp ráp thành sản phẩm cuối cùng để xuất khẩu sang Mỹ và các nơi khác. Điều này ngụ ý rằng, bất kỳ sự sụt giảm nào trong xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ cũng sẽ dẫn đến sự sụt giảm trong xuất khẩu từ Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác tương tự.

 
Tác động của cú sốc thương mại nếu ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ sẽ không dừng lại ở đó. Nếu thuế quan cản trở tăng trưởng ở Trung Quốc, nhu cầu nhập khẩu của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể giảm, từ đó giáng thêm một đòn nữa vào các nền kinh tế mà Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước Đông Nam Á.

Thuế quan do ông Trump đề xuất cũng sẽ có hai tác động ít rõ ràng mà chính Mỹ cũng không hề mong muốn. Đầu tiên, chúng sẽ cản trở xuất khẩu của Mỹ sang nhiều quốc gia, vì thâm hụt thương mại chung của Mỹ không phụ thuộc nhiều vào chính sách thương mại của Mỹ, mà phụ thuộc vào tình trạng thiếu hụt tiền tiết kiệm quốc gia của Mỹ so với đầu tư.

Do mức thuế mà ông Trump đề xuất khó có thể làm tăng đáng kể tiền tiết kiệm của Mỹ, nên việc giảm nhập khẩu sẽ tương ứng với việc giảm xuất khẩu. Với điều đó, tầm quan trọng của Mỹ với tư cách là đối tác thương mại đối với nhiều quốc gia sẽ giảm.

Thứ hai, mức thuế của ông Trump sẽ làm suy yếu trật tự kinh tế thế giới vốn do Mỹ dẫn đầu trong việc tạo ra nó. Các biện pháp của ông được cho là sẽ vi phạm nghĩa vụ pháp lý của Mỹ theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Điều này sẽ khuyến khích các quốc gia khác, đặc biệt là những quốc gia đang phải vật lộn với mức độ bất bình đẳng cao, thực hiện các mức thuế trả đũa hoặc các chính sách bảo hộ khác.

Trong khi đó, những đường nét chính trong chính sách thương mại có khả năng diễn ra của bà Harris là không rõ ràng. Bà có thể sẽ ủng hộ cách tiếp cận thương mại của Tổng thống Joe Biden. Trên thực tế, việc tiếp tục các chính sách của ông Biden vẫn sẽ thúc đẩy sự suy giảm tương đối của Mỹ với tư cách là một quốc gia thương mại, chỉ là không nhanh bằng các chính sách thuế quan của ông Trump.

Nhưng vẫn còn một khả năng khác. Lấy cảm hứng từ hai Tổng thống của đảng Dân chủ gần đây là Barack Obama và Bill Clinton, bà Harris có thể tìm cách khôi phục vị thế lãnh đạo của Mỹ trong thương mại toàn cầu, không chỉ bằng cách tái gia nhập Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

CPTPP phát triển từ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một thỏa thuận mà cựu Tổng thống Obama đi đầu nhưng chưa bao giờ được phê chuẩn, do quyết định rút lui của ông Trump vào năm 2017. Nhờ có sự lãnh đạo của Nhật Bản mà CPTPP đã được phê chuẩn vào năm 2018.

Ngoài việc mở rộng quyền tiếp cận thị trường giữa các quốc gia thành viên, CPTPP còn áp đặt các yêu cầu về thể chế ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước (SOE), mua sắm của chính phủ và các quy tắc trợ cấp. Với khả năng thúc đẩy cải cách thể chế trong các quốc gia thành viên, CPTPP có thể được coi là WTO + (WTO plus). CPTPP thậm chí có thể thúc đẩy cải cách trong số các thành viên tiềm năng. Trung Quốc đã nộp đơn xin gia nhập, thể hiện thiện chí cải cách các SOE và quyền tiếp cận thị trường. Một CPTPP bao gồm Trung Quốc nhưng không có Mỹ khó có thể là lợi ích của Mỹ.

Một chính quyền của bà Harris cũng có thể đảo ngược quyết định thuế quan của các chính quyền trước đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, tương đương với thuế đánh vào người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt là các hộ gia đình trung lưu và thu nhập thấp. Tuy nhiên, bà Harris phải có khả năng giải thích với công chúng Mỹ rằng thuế quan là tự gây hại, vì chúng làm tăng chi phí sinh hoạt mà không tạo ra việc làm mới cho người lao động Mỹ.

Không có gì đảm bảo rằng bà Harris sẽ chọn đúng cố vấn thương mại hoặc vượt qua được áp lực bảo hộ trong đảng của bà. Tuy nhiên, nếu bà kết hợp được chính sách thương mại tương đối cởi mở với việc phân phối lại trong nước thì có thể mở ra sự phục hồi thương mại toàn cầu, thúc đẩy nền kinh tế Mỹ và tăng cường vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.

Ngược lại, với ông Trump, có rất ít lý do để mong đợi bất cứ điều gì hơn là một cú sốc đối với thương mại toàn cầu, dẫn đến nhiều người thua cuộc hơn là người chiến thắng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục