100% trẻ em vùng ven biển dưới 5 tuổi sẽ được dùng sữa học đường

09:40' - 11/01/2019
BNEWS Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định, năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có 42.268 trẻ mẫu giáo được phụ huynh đăng ký tham gia chương trình Sữa học đường.
Sữa học đường là một chương trình hết sức ý nghĩa, giúp tăng cường thể chất cho trẻ em các vùng khó khăn. Ảnh: Quốc Dũng/BNEWS/TTXVN

Trong đó, 3 huyện miền núi có 4.842 trẻ, các xã bãi ngang có 5.312 trẻ, xã đảo có 66 trẻ; mỗi em được uống 3 hộp sữa/tuần, mỗi hộp sữa có thể tích 180 ml.

Chương trình đã nhận được sự tin tưởng và ủng hộ của phần lớn phụ huynh thuộc diện hộ nghèo, vùng khó khăn, bãi ngang ven biển.

Huyện Hoài Nhơn có 23 trường mầm non, mẫu giáo và 31 nhóm trẻ mầm non tư thục với hơn 10.000 trẻ. Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện, hiện trên địa bàn Hoài Nhơn có 70% phụ huynh trường mầm non đồng thuận cho con tham gia chương trình Sữa học đường; trong đó, có 5 trường mầm non có 100% phụ huynh ủng hộ. Một trong 5 trường đó là Trường Mầm non Hoài Xuân, xã Hoài Xuân.

Bà Võ Thị Thanh Giang, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoài Xuân cho biết: Từ 2013 đến nay, trường đã tổ chức học bán trú cho 10 lớp với tổng cộng 342 trẻ.

Sau một thời gian tuyên truyền, giải thích về các lợi ích của sữa học đường, hiện nay, tất cả các phụ huynh trong trường đều đã đăng ký cho con tham gia chương trình ý nghĩa này.

Đặc điểm của phụ huynh vùng ven biển là nhiều gia đình theo nghề chài lưới truyền thống, công việc khá vất vả, không có nhiều thời gian chăm sóc cho trẻ, phụ huynh rất vui mừng và yên tâm khi con mình được hỗ trợ uống sữa ở trường.

Chị Nguyễn Thị Phương Lan, phụ huynh của một cháu đang học tại Trường Mầm non Hoài Xuân rất yên tâm khi cho con gái 4 tuổi tham gia chương trình Sữa học đường.

Chị Lan chia sẻ: Lúc đầu, một số phụ huynh đặt câu hỏi về chất lượng cũng như chủng loại sữa. Tôi thấy đây là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, chắc chắn về khâu kiểm định chất lượng sẽ yên tâm hơn so với sữa phụ huynh tự mua tại các cửa hàng.

Mặt khác, đằng nào cũng phải mua sữa cho con tăng cường thể chất, chi phí được hỗ trợ giảm 50% nên vừa có lợi cho trẻ, vừa có lợi cho phụ huynh.

Tại Hoài Nhơn hiện nay, khoảng 10,24% trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng và 16,46% trẻ em bị suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Về kinh phí thực hiện, chương trình Sữa học đường, ngân sách nhà nước sẽ chi trả 25%, vận động xã hội hóa 25% và các phụ huynh chi trả 50%.

Tuy nhiên, đối với đối với học sinh các xã bãi ngang và các hộ nghèo, phụ huynh không phải trả tiền. Năm 2019, kinh phí thực hiện chương trình này tại huyện Hoài Nhơn là 818 triệu đồng.

Ông Trương Đề, Phó Chủ tịch huyện Hoài Nhơn. Ảnh: Quốc Dũng/BNEWS/TTXVN

Ông Trương Đề, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn khẳng định Sữa học đường là một chương trình hết sức ý nghĩa, giúp tăng cường thể chất cho trẻ em các vùng khó khăn.

“Mục tiêu của UBND huyện là hàng năm hạ thấp 0,6% trẻ em suy dinh dưỡng thể cân nặng và hạ 0,7% trẻ em suy dinh dưỡng thể thấp còi. Chúng tôi phấn đầu 100% trẻ em dưới 5 tuổi vùng bãi ngang, ven biển, khó khăn sẽ được dùng sữa học đường. Sau khi triển khai, thấy chương trình hiệu quả, tôi nghĩ các năm sau, số lượng phụ huynh đăng ký cho trẻ sẽ tiếp tục tăng dần”, ông Đề cho biết.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Bình Định Nguyễn Đình Hùng thông tin, UBND tỉnh Bình Định đã giao Sở Y tế Bình Định thực hiện công tác kiểm tra, giám sát về chất lượng sản phẩm sữa, các điều kiện bảo quản sữa nhằm bảo đảm chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng thời, hướng dẫn nhân viên các điểm tiếp nhận và cấp phát sữa của chương trình cách kiểm tra giám sát chất lượng sữa, bảo quản sữa bằng phương pháp thông thường; chỉ đạo xử lý các sự cố về an toàn thực phẩm nếu có xảy ra.

Sở Y tế cũng phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chương trình.

Sau khi Sở Tài chính Bình Định hoàn thành chuẩn bị về ngân sách, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tổ chức đấu thầu tập trung trong thời gian sớm nhất.

Sau đó, các huyện, thị xã, thành phố sẽ tiến hành ký hợp đồng cụ thể về nguồn cung với đơn vị cung cấp sữa.

“Các trường đã được lưu ý, vận động phụ huynh tham gia trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc, nhất là số mà cha mẹ học sinh đóng góp 50% kinh phí mua phần sữa của con mình; tuyệt đối không được ép buộc chỉ tiêu và phải đồng ý cho phụ huynh rút khỏi danh sách đã đăng ký nếu họ đổi ý”, ông Hùng cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục