11 ngân hàng Mỹ ra tay cứu giúp First Republic Bank

07:51' - 17/03/2023
BNEWS Một nhóm bao gồm 11 ngân hàng tư nhân của Mỹ cho biết sẽ gửi 30 tỷ USD vào First Republic. 

Các ngân hàng lớn nhất của Mỹ ngày 16/3 đã hành đông để hỗ trợ First Republic, qua đó xoa dịu những lo ngại rằng đây có thể là ngân hàng tiếp theo trong chuỗi “domino” phá sản sau Ngân hàng Silicon Valley (SVB) và Signature Bank.

Một nhóm bao gồm 11 ngân hàng tư nhân của Mỹ cho biết sẽ gửi 30 tỷ USD vào First Republic. Trong đó, mỗi “ông lớn” Bank of America, Citigroup, JPMorgan Chase và Wells Fargo sẽ gửi 5 tỷ USD vào First Republic, trong khi Goldman và Morgan Stanley sẽ gửi 2,5 tỷ USD mỗi ngân hàng. Ngoài ra, một nhóm năm ngân hàng khác, trong đó có PNC Bank và US Bank, sẽ gửi 1 tỷ USD mỗi bên.

 

Trong một tuyên bố, nhà sáng lập First Republic Jim Herbert và Giám đốc điều hành Mike Roffler cho biết “sự hỗ trợ tập thể này đã tăng cường khả năng thanh khoản của chúng tôi… và thể hiện niềm tin đối với First Republic và toàn bộ hệ thống ngân hàng Mỹ”.

Động thái này là một sáng kiến lớn của các ngân hàng nhằm vực dậy hệ thống ngân hàng của Mỹ sau các phụ phá sản liên tiếp xảy ra hồi tuần trước. Trong một thông báo chung, nhóm này cho hay quyết định trên của các ngân hàng lớn nhất nước Mỹ thể hiện niềm tin vào First Republic và các ngân hàng khác.

Lãnh đạo của Bộ Tài chính, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Cơ quan Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) và Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ Mỹ (OCC) hoan nghênh quyết định trên của các ngân hàng, cho rằng biện pháp này thể hiện sự ổn định của hệ thống tài chính.

Sau động thái trên, cổ phiếu của First Republic đã đảo ngược đà giảm trước đó và tăng 10% khi khép phiên giao dịch 16/3.

Quyết định cứu trợ này được đưa ra sau khi Fed và các cơ quan quản lý của Mỹ đã thực hiện một loạt biện pháp khẩn cấp hồi cuối tuần trước để trấn an người gửi tiền của hai ngân hàng SVB và Signature Bank.

Ngày 16/3, Fed cho biết đã cho các ngân hàng Mỹ vay gần 12 tỷ USD theo chương trình cho vay kỳ hạn một năm có tên gọi Bank Term Funding Program (BTFP) nhằm xoa dịu căng thẳng trong hệ thống tài chính. Theo Fed, chương trình này đã cung cấp thêm nguồn vốn để góp phần trấn an dư luận rằng các ngân hàng có khả năng đáp ứng nhu cầu của tất cả người gửi tiền.

Sự sụp đổ của SVB hồi tuần trước đã làm dấy lên những lo ngại về khả năng xảy ra hiệu ứng dây chuyền. Cuộc khủng hoảng này cũng đã lan đến châu Âu, khi Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB, tức ngân hàng trung ương) đã vào cuộc để hỗ trợ Credit Suisse khi ngân hàng này gặp rắc rối./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục