12 địa phương có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới

19:59' - 31/12/2020
BNEWS Hết năm 2020, cả nước có 5.506 xã (chiếm 62% tổng số xã) đạt chuẩn nông thôn mới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết năm 2020, cả nước có 5.506 xã (chiếm 62% tổng số xã) đạt chuẩn nông thôn mới. Bình quân mỗi xã đạt 16,38 tiêu chí (tăng 0,72 tiêu chí so với năm 2019). Hiện, cả nước không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí.

Đặc biệt đã có 12 tỉnh, thành phố có 100% số xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới gồm: Hải Phòng, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ và Bạc Liêu.

Cả nước hiện có 173/664 đơn vị cấp huyện thuộc 50 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn nông thôn mới, tăng 61 đơn vị cấp huyện so với cuối năm 2019 và chiếm khoảng 26% tổng số đơn vị hành chính cấp huyện của cả nước.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, qua 10 năm thực hiện, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã hoàn thành 61% số xã, vượt chỉ tiêu ban đầu đề ra. Thu nhập của người dân vùng nông thôn đã tăng gấp 4 lần, từ 10 triệu đồng/người năm 2010 lên 43 triệu đồng/người năm 2020. Bộ mặt diện mạo nông thôn đã thay đổi nhanh chóng, đời sống của người dân được cải thiện căn bản.

"Có thể khẳng định đây là một chương trình đi vào cuộc sống một cách sinh động nhất và hiệu quả nhất. Trở thành phong trào được lòng dân, vì dân, được nhân dân tập trung làm trên mọi mặt, mọi khía cạnh" - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho rằng, kết quả đạt chuẩn nông thôn mới còn chênh lệch khá lớn giữa các vùng miền. Ở vùng tập trung đông dân cư, Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, khu vực trọng điểm kinh tế khác có tỷ lệ nông thôn mới cấp xã, cấp huyện rất cao. Nhưng những vùng khó khăn, miền núi, dân tộc… thì tỷ lệ kết quả đạt các tiêu chí nông thôn mới vẫn còn rất thấp.

Đến nay, vẫn còn 9 tỉnh có tỷ lệ đạt chuẩn nông thôn mới dưới 30%, 864 xã dưới 10 tiêu chí, tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi phía Bắc và Tây Nguyên; 40 huyện nghèo thuộc chương trình 30a của 18 tỉnh còn "trắng xã nông thôn mới".

Theo Bộ trưởng, các thiết chế hạ tầng cứng thì phát triển nhanh nhưng tốc độ liên kết, đổi mới trong sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn chưa đáp ứng tương xứng, dẫn đến thu nhập của người dân chưa cao. Đặc biệt vấn đề môi trường sản xuất, môi trường sống và tự nhiên ở vùng nông thôn vẫn chưa đáp ứng mong muốn của chúng ta và còn cố rất nhiều.

Sản xuất nông nghiệp của người dân còn hạn chế; mô hình sản xuất hiệu quả còn ít được nhân rộng; mô hình phát triển hợp tác xã làm cầu nối, kết nối cung cầu còn hạn chế; Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) còn chưa được phổ biến tại một số địa bàn vùng sâu vùng xa; du lịch cộng đồng chủ yếu mang tính tự phát và chưa thực sự bền vững…

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ tiếp tục thực hiện hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp; trong đó hỗ trợ nhân rộng các mô hình chuyển đổi kinh tế hiệu quả (trồng cây ăn trái, chăn nuôi đại gia súc...) để phát huy, khơi dậy tiềm năng, lợi thế của vùng; tăng kinh phí hỗ trợ cho các hộ nhận khoán khoanh nuôi, bảo vệ rừng để người dân có thu nhập ổn định, phát triển các sản phẩm từ rừng; thúc đẩy phát triển các mô hình liên kết trồng rừng gỗ lớn tập trung, gắn với cấp chứng chỉ rừng bền vững, các mô hình trồng dược liệu xen ghép, chăn nuôi đại gia súc.

Bộ chú trọng phát triển kinh tế biển như nuôi trồng hải sản vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; phát triển kinh tế mậu biên vùng biên giới; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, nhất là trong lĩnh vực chế biến, tiêu thụ sản phẩm, vào các địa bàn đặc biệt khó khăn...

Việc đào tạo nghề, phát triển các ngành nghề truyền thống sẽ được quan tâm, gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu tại địa phương, các sản phẩm đặc sản có lợi thế theo Chương trình OCOP, nhất là các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ nông thôn, góp phần nâng cao thu nhập, tạo việc làm.

Cả nước có 68 liên hiệp hợp tác xã và 16.479 hợp tác xã nông nghiệp, có 34.348 trang trại và 33.418 tổ hợp tác; có 165 nghề truyền thống, 1.951 làng nghề, làng truyền thống đã được công nhận.

Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ nâng cao hiệu quả hoạt động các hợp tác xã nông nghiệp; trong đó, ưu tiên các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển ngành nghề và sản phẩm OCOP, liên kết với các doanh nghiệp trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục