16 ngân hàng thương mại cam kết giảm lãi suất

15:22' - 15/12/2022
BNEWS Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, các ngân hàng thương mại giảm lãi suất nhưng không được tăng các loại phí, không để tình trạng giảm “tay trái” nhưng lại tăng “tay phải”.
Ngày 15/12, tại Hội nghị bàn thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, đã có 16 ngân hàng thương mại cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5 - 3%/năm.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước đã có chỉ đạo yêu cầu các ngân hàng đều phải giảm lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay theo quy mô và tiềm lực để hỗ trợ doanh nghiệp và nền  kinh tế.

Theo Phó Thống đốc, các ngân hàng thương mại giảm lãi suất nhưng không được tăng các loại phí, không để tình trạng giảm “tay trái” nhưng lại  tăng “tay phải”.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh, giảm lãi suất nhưng không thể để các ngân hàng rơi vào tình trạng suy yếu về mặt năng lực tài chính, ngân hàng lỗ và tạo ra bất cập về cơ chế điều hành chung. Nhưng cũng không thể để lãi suất tăng đến mức gây ra những khó khăn cho doanh nghiệp và người dân… Giảm lãi suất quan trọng nhất là cắt giảm chi phí hoạt động và lợi nhuận, và cổ đông phải chia sẻ.

“Đặc biệt, các ngân hàng thương mại tránh việc ngân hàng báo lãi cao trong khi nền kinh tế gặp khó khăn”, Phó Thống đốc nói.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, mặt bằng lãi suất huy động ở thị trường 1 vẫn rất cao. Tính đến ngày 14/12, lãi suất huy động kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng đa số dao động ở mức từ 6,1% - 8,3%/năm, có ngân hàng huy động lãi suất lên đến 11% (số tiền từ 1 tỷ đồng trở lên)…

Như vậy, so với cuối năm 2021, nhìn chung, lãi suất huy động của hệ thống ngân hàng hiện nay đã tăng khoảng 3% – 4% ở các kỳ hạn trên 6 tháng và trên 12 tháng.

Theo các ngân hàng, có nhiều nguyên nhân khiến lãi suất huy động hiện nay chưa có xu hướng giảm, bởi một số ngân hàng quy mô vừa và nhỏ vẫn buộc phải tăng lãi suất lên mức cao hơn mặt bằng chung của thị trường để giữ chân khách hàng (do người dân có hiện tượng thiếu niềm tin vào ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ nên có xu hướng gửi tiền đến các ngân hàng có vốn nhà nước chứ không phải gặp vấn đề thanh khoản.

Bên cạnh đó, giao dịch tín chấp trên thị trường liên ngân hàng bị hạn chế, các giao dịch hầu như đều bị yêu cầu có tài sản đảm bảo và bị áp tỷ lệ phòng vệ rủi ro quá cao so với thời điểm trước đó.

Áp lực thực hiện quy định về tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn, cho vay trung dài hạn (tỷ lệ này đã bị giảm từ 37% xuống 34% vào tháng 10/2022, theo lộ trình thì tháng 10/2023 sẽ giảm tiếp tục xuống 30%) - dẫn đến các ngân hàng thương mại đẩy lãi suất huy động vốn trung dài hạn lên cao hơn nhằm đảm bảo tuân thủ quy định.

Ngoài ra, các ngân hàng thương mại tham gia thị trường liên ngân hàng không nắm bắt được thông tin của ngân hàng thương mại tham gia. Do vậy, không có thông tin đánh giá ngân hàng đối tác, để cân nhắc, ra quyết định cho vay, gửi tiền tại ngân hàng thương mại khác. Từ đó dẫn đến có thời điểm một số ngân hàng thương mại gặp khó khăn về thanh khoản và phải nâng lãi suất huy động để đảm bảo thanh khoản.

Ông Nguyễn Quốc Hùng dự đoán, trong những ngày năm, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp tăng cao, trong khi nguồn tiền của doanh nghiệp rất hạn hẹp vì khó có thể huy động được vốn từ phát hành trái phiếu, thậm chí còn phải mua trái phiếu trước hạn. Do đó, các doanh nghiệp sẽ phải phụ thuộc vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng.

Nhu cầu tín dụng ở mức cao trong khi hạn mức tín dụng vẫn bị kiểm soát sẽ tiếp tục gây áp lực lên lãi suất cho vay. Để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, ngày 6/12/2022, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống lên 1,5 đến 2%. Theo đó, ngân hàng có thanh khoản tốt hơn, lãi suất thấp hơn sẽ được tăng trưởng tín dụng cao hơn. Các ngân hàng cân đối vốn phù hợp để cấp tín dụng, tập trung vốn vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, nhất là lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp phụ trợ…, theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Để hỗ trợ nền kinh tế, sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng và có các giải pháp hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng, đã có 16 ngân hàng đã cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5% - 3%/năm.

Cụ thể, BIDV giảm lãi suất giảm 0,5- 2,5%/năm cho khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên; khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19; khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu; khách hàng doanh nghiệp nước ngoài, khách hàng cá nhân…

Agribank giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng VND tại thời điểm 30/11. Với dư nợ phát sinh từ 1- 31/12/2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực.

Vietcombank giảm lãi suất tới 1% một năm đối với các khoản vay VND cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu, từ 1/11 đến hết 31/12/2022. Tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 175.000 khách hàng với quy mô tín dụng hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu.

Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp vẫn phản ánh, lãi suất cho vay của các tổ chức tín dụng hiện nay vẫn còn ở mức tương đối cao. Cụ thể, lãi suất cho vay trung bình tại các ngân hàng thường dao động từ 10 - 16%/năm (cho vay tín chấp), còn đối với vay thế chấp thì lãi suất dao động từ 10 - 14%/năm.

Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, việc một số ngân hàng thương mại điều chỉnh tăng mạnh lãi suất huy động gây nên tình trạng cạnh tranh huy động gay gắt, tạo tâm lý bất ổn đối với cả người gửi tiền và người đi vay. Hơn nữa, việc tăng lãi suất huy động khiến chi phí huy động vốn (đầu vào) của tất cả các ngân hàng thương mại đến nay đều bị ảnh hưởng và tăng lên rất nhiều so với giai đoạn 9 tháng năm 2022, làm thu hẹp chênh lệch lãi suất đầu vào, đầu ra khi lãi suất cho vay khó tăng tương ứng với lãi suất huy động, ảnh hưởng đến việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay theo chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Đồng thời, dẫn đến rủi ro gia tăng nợ xấu, lãi treo từ phía khách hàng.

Vì vậy, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại hội viên thực hiện nghiêm túc kêu gọi đồng thuận lãi suất huy động tại mọi kỳ hạn không quá 9,5%/năm đã bao gồm các khoản khuyến mại.

Cùng với đó, các tổ chức tín dụng, đặc biệt là 30 tổ chức tín dụng đã được phân bổ chỉ tiêu tín dụng bổ sung căn cứ khả năng, năng lực tài chính của mỗi tổ chức tín dụng; tiếp tục tiết giảm chi phí nhằm hỗ trợ khách hàng giảm lãi suất cho vay theo nội dung đã cam kết với Ngân hàng Nhà nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục