20 năm thị trường chứng khoán Việt Nam: "Vốn” cho giai đoạn phát triển tiếp theo

16:34' - 17/07/2020
BNEWS Dù thị trường có lúc thăng, lúc trầm, nhưng 20 năm hoạt động của thị trường chứng khoán sẽ là “vốn” quý cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Thị trường chứng khoán Việt Nam dù non trẻ so với khu vực và thế giới nhưng đã có những bước đi đầy “chững chạc”. Sự hiện đại hóa, phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán trong 20 năm qua (20/7/2000-20/7/2020) cũng phản ánh nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập và tăng trưởng. Dù thị trường có lúc thăng, lúc trầm, có cả những thành công và những tồn tại hạn chế cần khắc phục, nhưng 20 năm hoạt động của thị trường chứng khoán sẽ là “vốn”quý cho giai đoạn phát triển tiếp theo. 

Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí, ông Lê Đức Khánh cho biết, kể từ ngày chỉ có 2 cổ phiếu đầu tiên niêm yết là SAM và REE, cho đến nay đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp đang có cổ phiếu giao dịch trên sàn Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE), sàn Giao  dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và thị trường UPCOM.

Vốn hóa thị trường đã tăng rất mạnh trong 5 năm trở lại đây. Tính đến hết tháng 6/2020, vốn hóa thị trường chứng khoán Việt Nam đã vượt qua con số 5 triệu tỷ đồng, chiếm 84,36% GDP; trong đó, giá trị thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ chiếm hơn 1,1 triệu tỷ đồng.

Một trong những thành tựu mang tính đột phá đó là việc đưa vào vận hành thị trường chứng khoán phái sinh với 3 sản phẩm cơ bản ban đầu đó là Hợp đồng tương lai chỉ số VN30, Chứng quyền có đảm bảo và Hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ 5 năm thu hút sự quan tâm lớn từ phía các nhà đầu tư cá nhân.

Thành công bước đầu tạo nền tảng cho sự phát triển các sản phẩm phái sinh bậc cao hơn như Hợp đồng quyền chọn, bán khống, trong tương lai đó là các sản phẩm phái sinh trên lãi suất, tiền tệ…

Ông Lê Hoàng Lân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, thị trường chứng khoán đã đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nền tài chính, tiền tệ lành mạnh, an toàn và ổn định. Nhờ vào sự phát triển của thị trường chứng khoán, các ngân hàng thương mại huy động được lượng vốn lớn qua phát hành cổ phiếu. Từ đó, đáp ứng yêu cầu tăng vốn điều lệ theo quy định của ngân hàng thương mại trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống các ngân hàng thương mại.

Từ năm 2005 đến nay, thông qua thị trường chứng khoán, các ngân hàng thương mại đại chúng đã huy động được hơn 252 nghìn tỷ đồng qua phát hành cổ phiếu, giúp các ngân hàng thương mại tăng tổng vốn điều lệ từ 20,6 nghìn tỷ đồng lên khoảng 272 nghìn tỷ đồng. Thậm chí, trong giai đoạn khó khăn nhất của hệ thống này từ năm 2009 - 2014, thị trường chứng khoán đã giúp các ngân hàng thương mại huy động được 74 nghìn tỷ đồng.

Không chỉ trực tiếp hỗ trợ, làm tăng vốn khả dụng của các ngân hàng thương mại, thị trường chứng khoán còn gián tiếp hỗ trợ cung vốn cho nền kinh tế trong giai đoạn nguồn vốn từ các ngân hàng thương mại bị hạn chế do quá trình tái cấu trúc các tổ chức này.

Ông Lê Đức Khánh, Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí là chuyên gia có nhiều năm gắn bó với lĩnh vực chứng khoán tâm sự, ông cảm thấy vui và tự hào khi thị trường chứng khoán Việt Nam non trẻ nhưng đã có những bước đi đầy “chững chạc”. Sự hiện đại hóa và phát triển nhanh chóng của thị trường chứng khoán phản ánh thực tế nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập và tăng trưởng.

Theo ông Lê Đức Khánh, không phải ngẫu nhiên mà cộng đồng quốc tế đang đánh giá cao về sự tiến bộ, hấp dẫn của môi trường kinh tế vĩ mô, khả năng kiểm soát dịch COVID-19 hiệu quả. Có thể nói, Việt Nam sẽ còn thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng mạnh mẽ. Thị trường chứng khoán sẽ sớm được nâng hạng trong tương lai gần để đón nhận nhiều dòng vốn đầu tư trị giá hàng chục, hàng trăm tỷ USD.

“Đã có lúc tôi suy nghĩ đến việc “giải nghệ” ra làm riêng nhưng khi nhìn vào thị trường chứng khoán có tốc độ phát triển nhanh chóng cũng như cơ hội đầu tư mang lại từ thị trường đã khiến tôi gắn bó hơn với nghề”, ông Khánh bộc bạch.

Ông Khánh cho biết, ông rất vui vì vẫn đang được hành nghề theo đúng nghĩa đích thực (phân tích và dự báo kinh tế vĩ mô cũng như phân tích tư vấn đầu tư) và vẫn còn đóng góp công sức trong việc đào tạo các lứa sinh viên có mong ước làm việc trong ngành tài chính ngân hàng và chứng khoán.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui thì vẫn còn đó những nỗi buồn, ông Khánh buồn vì có lẽ chưa nhiều người hiểu rõ hoặc đang hiểu sai về ngành nghề chứng khoán cũng như ủng hộ những hướng đi đúng của thị trường.

“Chỉ có hiểu rõ về thị trường chứng khoán với mối quan hệ mật thiết với nền kinh tế thì chúng ta mới có thể chung sức vào sự phát triển của thị trường chứng khoán với tuổi đời 20 năm này”, ông Khánh chia sẻ.

Là nhà đầu tư theo sát thị trường chứng khoán ngay từ khi thành lập, nhà đầu tư Trần Tiến Dũng tâm sự, suốt 20 năm đầu tư chứng khoán là cả quá trình ông trải qua đủ các cung bậc cảm xúc vui, buồn. Thị trường chứng khoán mang đến sự nghiệt ngã, nhưng cũng đem lại những phút thăng hoa.

“Đây là lĩnh vực tôi cho là tuyệt vời nhất. Thị trường chứng khoán đã mang lại cho tôi tất cả mọi thứ, từ tiền bạc đến cảm xúc vui buồn và đặc biệt là kiến thức”, ông Dũng nói.

Ông Dũng tự hào vì là một trong những nhà đầu tư hiếm hoi còn “sót” lại từ lớp nhà đầu tư đầu tiên. Theo ông, thành công ở trên thị trường chứng khoán không hề khó nếu có bước đi đúng.

“Để thành công thì cần dành toàn bộ thời gian để nghiên cứu, tìm hiểu, thậm chí khi ngủ cũng phải nghĩ đến chứng khoán. Nhà đầu tư phải đọc liên tục, đọc tất cả những tin tức, tất cả mọi góc cạnh của cuộc sống, kể cả những thứ không liên quan đến công ty đang đầu tư. Nhưng điều mấu chốt là đọc đến đâu thì phải biết được thông tin đấy là thật hay giả”, ông Dũng chia sẻ.

Ông Dũng cho biết, chỉ cần cố gắng tìm ra từ 10-20 công ty tốt và đầu tư xoay quanh các công ty tốt đó, mỗi lần giải ngân chỉ tối đa vào 5 cổ phiếu. Sau đó, cần dành tất cả thời gian vào việc học và đọc. Nhà đầu tư nên học đọc báo cáo tài chính, học phân tích kỹ thuật...

Các nhà đầu tư này cho rằng, trong 20 năm qua, dù thị trường phát triển nhanh nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng của ông. Quy mô thị trường tăng nhanh nhưng vẫn còn nhỏ bé, hiện nay mới chỉ có khoảng 2,5 triệu tài khoản chứng khoán, nhưng số tài khoản thực sự tham gia giao dịch còn ít hơn nhiều.

Việc kiểm soát các doanh nghiệp niêm yết của cơ quan quản lý theo ông Dũng là chưa thật sự chặt chẽ, chưa giám sát được hoạt động của tất cả các bên tham gia thị trường từ nhà đầu tư, quỹ đầu tư, doanh nghiệp niêm yết...

“Tôi cho rằng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần tăng cường bảo vệ công chúng đầu tư để họ có niềm tin, từ đó kéo thêm nhà đầu tư mới cũng như là nhà đầu tư cũ sẽ quay trở lại với thị trường. Đây là điều tôi trăn trở nhất”, ông Dũng nói.

Ngoài ra, nhà đầu tư này còn băn khoăn về việc các “đội lái” và thao túng thị trường vẫn hiển hiện, tạo ra những bất ổn và tiêu cực. Việc này Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cần có những biện pháp để kiểm soát, siết lại, ông Dũng kiến nghị.

“Luật Chứng khoán mới và khung khổ pháp lý đã khá hoàn chỉnh, nghiêm minh nhưng ở khâu thực thi luật thì cần phải chờ xem cơ quan quản lý thực thi thế nào. Qua theo dõi, tôi thấy các vụ xử phạt vi phạm thời gian vừa qua là quá nhẹ dù số vụ xử phạt có tăng lên”, ông Dũng e ngại.

Theo Kinh tế trưởng kiêm Giám đốc chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán Dầu khí, ngành chứng khoán đã đạt được nhiều thành tựu trong 20 năm qua. Tuy nhiên, để có thể trở thành sàn giao dịch chứng khoán giống như tại HongKong (Trung Quốc), Thượng Hải (Trung Quốc) hay Singapore thì vẫn còn nhiều việc phải làm. Đó là sáp nhập 2 sở giao dịch chứng khoán, nâng cấp cơ sở hạ tầng, công nghệ, đổi mới thể chế tự do hóa thị trường vốn, thị trường tiền tệ; mở rộng room đầu tư đối với các quỹ và các nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc minh bạch hóa thông tin cũng như đưa vào triển khai các đơn vị định hạng tín nhiệm doanh nghiệp, định hạng trái phiếu doanh nghiệp là rất quan trọng. Một môi trường cạnh tranh với hành lang pháp lý chặt sẽ giúp thị trường chứng khoán phát triển hơn. Số lượng doanh nghiệp niêm yết lớn hơn cũng như niềm tin các nhà đầu tư được cải thiện sẽ giúp số lượng các nhà đầu tư trong và ngoài nước gia tăng.

Dưới góc độ nhà quản lý, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng chia sẻ, 20 năm qua, thị trường chứng khoán cũng có những lúc thăng, lúc trầm, có cả những thành công và những bài học mà cơ quan quản lý thị trường coi là “vốn” cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Trải qua 20 năm, nhận thức của xã hội đối với chứng khoán và thị trường chứng khoán đã tiến bộ rất nhiều. Người đứng đầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới là đưa hệ thống công nghệ thông tin mới vào vận hành trong năm 2021, trên cơ sở đó mở đường cho triển khai một loạt sản phẩm, dịch vụ mới như bán chứng khoán chờ về, mua bán chứng khoán trong ngày, triển khai mô hình Đối tác thanh toán bù trừ trung tâm (CCP)…

Để cải thiện khả năng hút vốn ngoại cho thị trường chứng khoán Việt Nam, Chính phủ yêu cầu ngành chứng khoán phải thành công trong các bước cải cách nhằm nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trước năm 2023.

Cùng với sự cộng hưởng của hệ thống công nghệ mới được đưa vào vận hành trong năm tới, với bộ 3 luật gồm: Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư cùng có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 sẽ tháo gỡ nhiều rào cản cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường chứng khoán Việt Nam. Cộng với uy tín của Việt Nam đang gia tăng trên trường quốc tế, ngành chứng khoán đặt mục tiêu hoàn thành nâng hạng thị trường trước thời điểm Chính phủ yêu cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục