2017: Năm điểm tập trung vào an toàn vệ sinh thực phẩm

12:47' - 10/02/2017
BNEWS Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, năm 2017 tiếp tục được xác định là năm điểm tập trung vào an toàn vệ sinh thực phẩm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Ngày 10/2, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Triển khai kế hoạch năm cao điểm hành động vệ sinh an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp 2017, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết đây là vấn đề nóng hiện nay, ảnh hưởng đến đời sống xã hội. Chính vì thế, an toàn thực phẩm là vấn đề quan trọng cần phải thực hiện triệt để.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ sẽ tập trung vào các nhóm giải pháp như: chuyển được nhận thức chung của toàn xã hội, đây là giải pháp then chốt đầu tiên. Bởi chỉ có chuyển được nhận thức của người sản xuất và kể cả của người tiêu dùng thì mới góp phần đạt được vấn đề này.

Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, chấn chỉnh công tác của ngành; trong đó đặc biệt kiểm soát chặt vật tư nông nghiệp đầu vào. Đối với thuốc trừ sâu, Bộ sẽ tập trung cao vào nhóm vật tư này, bởi đây là khu vực gây ra ô nhiễm môi trường. Năm 2016, Bộ đã loại ra 300 sản phẩm thuốc trừ sâu, năm nay, tiếp tục loại ra các sản phẩm có gốc độc hại cho môi trường, đời sống. Ngoài ra, kiểm soát dư lượng kháng sinh trong chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản, đảm bảo đúng quy trình, quy định cho phép.

Đối với lĩnh vực phân bón, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng: "Cần tuyên truyền mạnh hơn nữa để chuyển dần sang sử dụng phân hữu cơ. Thay thế dần một bộ phận sử dụng phân vô cơ. Hàng năm chúng ta sử dụng tới 12 triệu tấn phân vô cơ, đây là cơ sở làm cho nông sản chưa tốt, chưa ngon và ô nhiễm môi trường".

Năm 2017, Bộ chủ trương sẽ thanh tra đột xuất, kể cả các đối tượng sản xuất. Do đó, tất cả các địa phương đều vào cuộc đồng bộ. Đồng thời, hoàn thiện thể chế, rà soát các văn bản, đặc biệt là các bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn... phục vụ cho công tác quản lý tốt hơn.

Lực lượng QLTT kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm tại siêu thị Coopmart Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề nghị các địa phương tăng cường quản lý tại địa bàn, xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu. Kinh nghiệm cho thấy, nếu địa phương nào làm tốt thì sẽ ngăn chặn, hạn chế rất tích cực đến yếu tố gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đồng thời, tập trung thúc đẩy nhanh nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi; khuyến khích nhiều doanh nghiệp có tiềm lực đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Đây là giải pháp lâu dài để tiến tới nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa, sạch, xuất khẩu... Bộ trưởng Cường nói.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh Thanh tra Bộ cho biết, trong thời gian tới, công tác thanh tra sẽ tập trung vào vấn nạn bơm nước vào lợn, trâu, bò và hóa chất trong tôm. Thanh tra, kiểm tra chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, vật tư nông nghiệp... "Phải đẩy mạnh thanh tra đột xuất. Việc thanh tra theo kế hoạch chỉ để nhắc nhở, có phát hiện nhưng không xử lý..." ông Việt khẳng định.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thủy sản cho biết, năm 2017 ngành sẽ hướng tới mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm sinh học và tồn dư hóa chất, kháng sinh trong sản xuất kinh doanh nông sản thực phẩm, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm cho tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng nông lâm thuỷ sản, phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Phấn đấu, đến cuối năm 2017, tỷ lệ mẫu giám sát vi phạm quy định về tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong rau, củ, quả; tồn dư hóa chất, kháng sinh trong các loại sản phẩm thịt, thủy sản; ô nhiễm vi sinh trong thịt giảm 10% so với năm 2016.

Bên cạnh đó, 100% các tỉnh, thành phố phát triển, nhân rộng chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thủy sản an toàn và tổ chức kiểm tra, giám sát, xác nhận sản phẩm an toàn và công khai bày bán cho người tiêu dùng.

Năm 2016, các cơ quan trung ương và địa phương đã tăng cường thanh tra, kiểm tra đột xuất với 21.364 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản. Qua đó, phát hiện xử lý 1.923 cơ sở vi phạm quy định an toàn thực phẩm, xử phạt hành chính gần 6,7 tỷ đồng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục