25 năm quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ: Vượt qua khác biệt vì lợi ích chung

19:30' - 07/07/2020
BNEWS Trong 25 năm qua, từ những "cựu thù" trong chiến tranh, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chuyển sang bình thường hóa quan hệ và phát triển quan hệ lên một tầm cao mới - đối tác toàn diện.

Quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã trải qua những giai đoạn thăng trầm đầy khó khăn để trở thành hình mẫu cho mối quan hệ vượt qua thù hận trong quá khứ, hướng tới một tương lai hợp tác đầy triển vọng vì lợi ích của hai dân tộc.

Trong 25 năm qua, từ những "cựu thù" trong chiến tranh, Việt Nam và Hoa Kỳ đã chuyển sang bình thường hóa quan hệ và phát triển quan hệ lên một tầm cao mới - đối tác toàn diện.       

Từ khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/7/1995, đến nay, quan hệ giữa hai nước đã chuyển đổi thành công từ đối đầu sang đối thoại, trở thành đối tác toàn diện của nhau trong các lĩnh vực chính trị - ngoại giao, kinh tế, giáo dục, khoa học công nghệ, an ninh quốc phòng….với động lực hợp tác ngày càng được củng cố mạnh mẽ hơn, các lĩnh vực hợp tác ngày càng đa dạng, sâu rộng, thực chất và hiệu quả.

Trong thời gian qua, lãnh đạo cấp cao hai nước thường xuyên trao đổi các chuyến thăm và tiếp xúc, với các cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thể chế chính trị của nhau. Cả hai đảng trong Quốc hội Hoa Kỳ đều ủng hộ thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.

Đặc biệt, tháng 7/2013, trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tới Hoa Kỳ, hai bên xác lập khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện.

Đây là một dấu mốc quan trọng, khẳng định xu thế phát triển tất yếu của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của quan hệ hai nước trong tương lai.

Tiếp đó, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (tháng 7/2015) đánh một dấu mốc quan trọng mới trong quan hệ giữa hai nước với Tuyên bố chung về Tầm nhìn quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ.

Một năm sau đó, tháng 5/2016, chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama tới Việt Nam được đánh giá là đã “thể hiện một bước tiến dài trong tư duy của các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ với Việt Nam”. 

Tổng thống Barack Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam, xóa bỏ rào cản cuối cùng trong quan hệ song phương, đánh dấu sự bình thường hóa hoàn toàn quan hệ hai nước.

Đến nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trở thành nhà lãnh đạo nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đầu tiên thăm chính thức Hoa Kỳ, sau khi Tổng thống Trump nhậm chức.

Ông Donald Trump cũng là Tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên thăm Việt Nam hai lần trong một nhiệm kỳ.

Ở bình diện đa phương, hai nước chia sẻ lợi ích chiến lược trong việc duy trì hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và trật tự dựa trên luật lệ tại khu vực châu Á-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó có các vấn đề Biển Đông, Mekong, bán đảo Triều Tiên, hay phối hợp tại các diễn đàn ASEAN, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Hai nước cũng đạt những bước tiến ấn tượng trong hợp tác quốc phòng-an ninh 25 năm qua, đặc biệt là hợp tác khắc phục hậu quả chiến tranh, nâng cao năng lực chấp pháp trên biển…

Việt Nam tiếp tục phối hợp tìm kiếm quân nhân Hoa Kỳ mất tích trong chiến tranh. Hiện hai bên tiếp tục trao đổi đoàn các cấp, duy trì các cơ chế đối thoại song phương và tiếp xúc tại các diễn đàn khu vực.

Hai bên đã thông qua Kế hoạch hành động 3 năm về hợp tác quốc phòng giai đoạn 2018-2021.

Hai nước còn phối hợp trong hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tăng cường hợp tác đối phó hữu hiệu với các nguy cơ về an ninh khu vực và quốc tế.

Tại lễ khởi động kỷ niệm 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hoa Kỳ (ngày 30/1/2020), Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ David Stilwell cho biết, quan hệ đối tác và tình hữu nghị giữa hai nước được xây dựng thông qua những nỗ lực chung.

Ông lưu ý hai nước đã phải vượt qua những thời điểm khó khăn sau chiến tranh để trở thành những đối tác tin cậy dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau.

Trong những năm qua, các khuôn khổ đối thoại chính sách được mở rộng, góp phần xây lòng tin giữa hai nước.

Mới đây nhất, tại hội thảo quốc tế “Quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ: 25 năm hợp tác và phát triển” ngày 1/7 vừa qua tại Hà Nội, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam - ông Daniel J.Kritenbrink nhấn mạnh, 25 năm qua, thành tựu đạt được trong quan hệ đối tác toàn diện của hai nước là phi thường.

Đại sứ Daniel J.Kritenbrink khẳng định gác lại những khúc mắc trong quá khứ, hướng tới tương lai 25 năm tới, Hoa Kỳ tiếp tục các cam kết trong hoạt động gỡ bỏ số bom, mìn còn sót lại trong lòng đất, giúp đỡ người khuyết tật Việt Nam-những người bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin…

Hoa Kỳ cam kết hỗ trợ Việt Nam trong tương lai với các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội, hòa bình, ổn định trong khu vực; hợp tác mạnh mẽ với các nước khác trong khu vực để đảm bảo an ninh năng lượng chung.

Đánh giá về quan hệ hai nước trong hơn hai thập niên qua, ông Michael Miclausis, Giám đốc Nghiên cứu-Thông tin-Ấn phẩm của Đại học Quốc phòng quốc gia và là thành viên cấp cao Viện Nghiên cứu chiến lược quốc gia Hoa Kỳ, nhận định mối quan hệ ngày  càng phát triển và nồng ấm.

Chuyên gia Michael Miclausis coi đây là một trong những thành công rực rỡ trong quan hệ quốc tế gần đây và là minh chứng cho việc các nước có thể gác lại quá khứ đau thương và hướng tới tương lai tốt đẹp.

Chuyên gia Michael Miclausis cho rằng để đánh giá chính xác quá trình phát triển mối quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, cần phải nhìn lại khoảng thời gian từ trước khi hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao.

Đó là một sự chuyển biến phi thường khi hai nước từng là kẻ thù trong thời chiến giờ trở thành đối tác trong thời bình và mối quan hệ đối tác cùng có lợi đó ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Theo ông, trong các lĩnh vực hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, có thể nói quan trọng nhất là khía cạnh chiến lược.

Mặc dù hai nước khác nhau về hệ thống kinh tế và chính trị, nhưng cùng chia sẻ nhận thức chung về cân bằng chiến lược trong khu vực cũng như ý thức được rằng hợp tác cùng nhau, hai bên sẽ mạnh mẽ hơn khi phải đối mặt với những thách thức chiến lược chung.

Trong khi đó, ông Gregory Poling, Giám đốc Tổ chức Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) Hoa Kỳ, nhận định trong hơn hai thập niên qua, hai nước đã cố gắng xây dựng một mối quan hệ kinh tế chặt chẽ từ điểm khởi đầu hầu như không có gì, đồng thời đạt được những bước tiến lớn trong việc giải quyết các di sản chiến tranh và gỡ bỏ lệnh cấm vận buôn bán vũ khí của Hoa Kỳ đối với Việt Nam.

Đặc biệt, trong mối quan hệ tổng thể đó, hợp tác quốc phòng và an ninh, một trong những lĩnh vực nhạy cảm nhất trong quan hệ giữa hai nước, gần đây đã được thúc đẩy mạnh mẽ và là động lực chính của mối quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ vào thời điểm hiện tại.

Bất chấp vẫn còn bất đồng về một số lĩnh vực khác, Hoa Kỳ và Việt Nam có nhận thức  và chia sẻ tầm nhìn chiến lược tương đồng ở khu vực.

Đây là lực đẩy hai nước xích lại gần nhau và hy vọng điều này sẽ tiếp tục duy trì trong tương lai gần.

Như đánh giá của nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ Phạm Quang Vinh, sau một phần tư thế kỷ, mối quan hệ giữa hai nước tiếp tục được củng cố theo đúng Tuyên bố về Tầm nhìn chung là “gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai”.

Câu chuyện quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ vừa khác biệt vừa đặc biệt so với các mối quan hệ khác, trải qua đầy đủ các cung bậc thăng trầm, từ chiến tranh, thù địch, cấm vận, đến hòa giải, tin cậy và phát triển vượt trên kỳ vọng.

25 năm qua, Việt Nam và Hoa Kỳ đã đi một chặng đường đầy ý nghĩa khi từng bước vượt qua khác biệt để trở thành đối tác gắn kết với nhau vì lợi ích chung./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục