250 doanh nghiệp tham gia Vietfood & Beverage – Propack 2018

11:52' - 07/11/2018
BNEWS Năm 2017 Vietfood & Beverage – Propack thu hút gần 250 doanh nghiệp tham gia thì năm 2018 quy mô tăng 30% với khoảng 250 doanh nghiệp trưng bày sản phẩm đa dạng đến từ 12 quốc gia
Khách hàng tham quan các gian hàng tại triển lãm. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Triển lãm quốc tế chuyên ngành Thực phẩm và Đồ uống (Vietfood & Beverage – Propack), được tổ chức song song với Triển lãm Thiết bị Công nghệ chế biến, bao bì thực phẩm và đồ uống và giới thiệu hệ sinh thái của dự án quốc tế GCA qua việc công bố ra mắt sàn Thương mại điện tử Nông nghiệp thực phẩm sạch www.gcaeco.vn đã diễn ra ngày 7/11 tại Trung tâm triển lãm ICE – Cung văn hóa, Hà Nội.

Ông Trịnh Xuân Tuấn, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quảng cáo và Hội chợ thương mại (Vinexad) cho biết, đây là triển lãm duy nhất trong ngành thực phẩm và đồ uống tại Tp Hà Nội được nhà tổ chức Vinexad tập trung xây dựng mô hình kết nối thương mại B2B (Business to Business) giữa các nhãn hàng quốc tế với các nhà nhập khẩu, phân phối; kết nối các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam tới khách hàng mua nước ngoài; hỗ trợ quảng bá sản phẩm nông sản hữu cơ tới công chúng tham quan.

Theo ông Trịnh Xuân Tuấn, các hình thức kết nối tại triển lãm đã trở nên rõ ràng, mạch lạc hơn khi được phân theo từng khu vực ngành hàng Thực phẩm – Đồ uống – Máy móc, thiết bị.

Vì thế, nếu như năm 2017 Vietfood & Beverage – Propack thu hút gần 250 doanh nghiệp tham gia từ 10 quốc gia và vùng lãnh thổ thì năm 2018 quy mô tăng 30% với khoảng 250 doanh nghiệp trưng bày sản phẩm đa dạng đến từ 12 quốc gia như Hàn Quốc, Thái Lan, Romania, Malaysia, Tây Ban Nha, Nam Phi...

Đáng lưu ý, trong số này chiếm 67% là nhóm hàng thực phẩm chế biến sẵn, nông sản, phụ gia thực phẩm; đồ uống, các sản phẩm bánh kẹo đóng gói sẵn.

Ngoài ra, 30% doanh nghiệp trưng bày trong nhóm máy móc chế biến, máy đóng gói, bao bì vỏ hộp, dây chuyền làm bánh…

Khách hàng tham quan các gian hàng tại triển lãm. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Báo cáo của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor cho thấy, Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư vào ngành thực phẩm và đồ uống, điều này cũng dễ nhìn nhận với một quốc gia với tốc độ tăng trưởng kinh tế dự báo đạt mức 6,5% (theo WB); trong đó có nhiều lợi thế tương xứng để phát triển vượt bậc như chính sách ưu đãi dành cho nhà đầu tư, hệ thống chính trị ổn định, dân số trẻ, nguồn nguyên liệu thô dồi dào, thị trường tiêu thụ “năng động”.

Những quan điểm khác nhau khi các thương hiệu ngoại ngày càng lấn át và thâu tóm doanh nghiệp nội địa trên mặt trận đồ uống và thực phẩm, đứng ở góc nhìn tích cực thì đó là một lời giải đúng khi nhu cầu của thị trường ngày càng đòi hỏi chất lượng cao và sản lượng đủ đáp ứng.

“Thu hút đầu tư cũng đồng nghĩa Việt Nam sẵn sàng đón nhận mô hình vận hành chuyên nghiệp và chuyển giao công nghệ hiện đại từ các nước tiên tiến”, ông Trịnh Xuân Tuấn nhấn mạnh.

Ban tổ chức chia sẻ, năm nay, khu gian hàng quốc gia Hàn Quốc tiếp tục là điểm nhấn với các sản phẩm thế mạnh gồm thực phẩm, đồ uống đóng gói sẵn, đặc sản truyền thống Hàn Quốc như hồng sâm, rong biển, linh chi, bánh gạo…

Ngoài ra, các doanh nghiệp Nhật Bản cũng không bỏ lỡ cơ hội để gia tăng lượng xuất khẩu vào thị trường Việt Nam. Hiện Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đang tiếp tục hỗ trợ các hệ thống Minishop, Aeon, Family Mart đầu tư mở rộng phân phối tại thị trường Việt Nam.

Đặc biệt, là chủ nhà, các doanh nghiệp Việt Nam cũng tỏ ra không kém cạnh tranh, khi không chỉ tung ra các sản phẩm nòng cốt như sữa, cà phê, hạt tiêu, yến sào mà còn giới thiệu thêm nhiều nguyên liệu dược, gia vị, truyền thống và hải sản đông lạnh xuất khẩu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục