3 trang trại chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường bị phạt gần 1 tỷ đồng

10:16' - 08/06/2023
BNEWS UBND tỉnh Gia Lai vừa ra 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính gần 1 tỷ đồng đối với 3 công ty chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường.

UBND tỉnh Gia Lai vừa ra 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính gần 1 tỷ đồng trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đối với 3 công ty chăn nuôi lợn gây ô nhiễm môi trường khiến người dân trên địa bàn bức xúc, kiến nghị.

 

Ba công ty bị xử phạt gồm: Công ty TNHH Chăn nuôi Thuận Duyên (phường Thống Nhất, thành phố Pleiku); Công ty TNHH Một thành viên Ia Piơr Tân (thôn Yên Hưng, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông); Công ty TNHH chăn nuôi Nguyên Bảo (làng Phung, xã Ia Piơr, huyện Chư Prông).
Tại quyết định xử phạt hành chính của UBND tỉnh Gia Lai nêu rõ, từ ngày 15/3/2023 đến nay, Công ty TNHH Chăn nuôi Thuận Duyên đã tổ chức hoạt động chăn nuôi 1.200 con lợn nái tại trang trại chăn nuôi lợn nái Thuận Duyên 2 ở thôn Đoàn Kết, xã Ia Piơr nhưng không có giấy phép môi trường theo quy định.

Công ty TNHH Một thành viên Ia Piơr Tân đã tổ chức hoạt động chăn nuôi 1.300 con lợn nái và 50 con lợn nọc tại trang trại chăn nuôi lợn nái từ ngày 15/1/2023 ở xã Ia Piơr nhưng không có giấy phép môi trường theo quy định.

Công ty TNHH chăn nuôi Nguyên Bảo, từ tháng 2/2023 đã tổ chức hoạt động chăn nuôi 19.000 con lợn thịt tại trang trại chăn nuôi lợn thịt ở xã Ia Piơr nhưng không có giấy phép môi trường theo quy định.
Mỗi Công ty bị phạt với số tiền 320.000.000 đồng. Ngoài ra, 3 công ty còn bị xử phạt bổ sung bằng việc đình chỉ hoạt động nguồn phát sinh chất thải mà không có giấy phép môi trường của trang trại chăn nuôi lợn trong thời hạn 4,5 tháng.
Trước đó, TTXVN đã có bài viết "Thận trọng trong việc kêu gọi đầu tư các dự án chăn nuôi quy mô nhỏ" phản ánh thực trạng tại tỉnh Gia Lai hiện có 46 dự án chăn nuôi đã được UBND tỉnh phê duyệt Quyết định chủ trương đầu tư.

Đã có 16 dự án đã đi vào hoạt động; trong đó có đến 13 dự án chưa được cấp phép môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường 2020, 4 dự án chưa thực hiện ký quỹ đảm bảo thực hiện dựa theo quy định của Luật Đầu tư.
Tại huyện Chư Prông, địa phương có nhiều dự án chăn nuôi nhất tỉnh Gia Lai, chỉ tính riêng xã Ia Piơr của địa phương này đã có 14 trang trại chăn nuôi đăng ký xây dựng. Trong số đó, có 3 trang trại đã đi vào hoạt động từ 2-4 tháng gồm: Trang trại Nguyên Bảo, quy mô 24.000 con lợn thịt; trang trại Thuận Duyên 2, quy mô 1.200 con lợn nái; trang trại Ia Piơr Tân, quy mô hơn 2.200 con lợn nái; các dự án khác đang trong quá xây dựng hoàn thiện hoặc chờ phê duyệt chủ trương đầu tư. Xã giáp ranh là Ia Lâu cũng đã có 19 trang trại đăng ký xây dựng, một số đã đi vào hoạt động.
Từ đầu năm 2023, phóng viên TTXVN nhiều lần nhận được phản ánh của người dân xã Ia Piơr, huyện Chư Prông (Gia Lai) về việc các trang trại chăn nuôi lợn trên địa bàn phát ra mùi hôi nồng nặc, làm đảo lộn cuộc sống người dân, ô nhiễm không khí, nguy cơ làm ô nhiễm nguồn nước ở khu vực biên giới.
Nhận thông tin từ người dân, đầu tháng 4/2023, UBND xã Ia Piơr đã có buổi làm việc với đại diện 3 dự án chăn nuôi lợn nói trên. Biên bản làm việc nêu rõ, hệ thống xử lý chất thải chưa hoàn thiện, nhưng có trang trại đã hoạt động 3 tháng, nuôi hàng chục ngàn con lợn thịt.

Theo ông Bùi Văn Phụng, Bí thư Đảng ủy xã Ia Piơr, địa phương gặp rất nhiều khó khăn khi kiểm tra các trang trại. Ông Phụng cũng nhiều lần kiến nghị cấp trên thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá cụ thể khi các trang trại hoàn thiện phải đảm bảo mới cho hoạt động. Như hiện nay, cấp uỷ chính quyền địa phương rất khó vì xã không có chuyên môn nghiệp vụ về lĩnh vực này và xã cũng không đủ thẩm quyền xử lý.
Ngoài 46 dự án chăn nuôi được phê duyệt chủ trương đầu tư; trong đó có 16 dự án đã đi vào hoạt động. Tính đến cuối năm 2022, tỉnh Gia Lai còn có 53 dự án được UBND tỉnh đồng ý chủ trương khảo sát, nghiên cứu, hiện đang hoàn thiện các thủ tục về pháp lý để lập hồ sơ đề xuất, trình phê duyệt chủ trương đầu tư. Nếu các dự án này đều đi vào hoạt động và cũng không được cấp phép môi trường thì người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai và các vùng lân cận sẽ phải chịu những hệ lụy về môi trường.
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Trương Hải Long cũng đã có ý kiến chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương tăng cường theo dõi, giám sát hoạt động đầu tư, đặc biệt là các dự án trang trại chăn nuôi, đảm bảo thực hiện nghiêm túc nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư; hướng dẫn các chủ đầu tư hoàn thiện thủ tục theo quy định; thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường; truy thu thuế đối với một số dự án; trường hợp phát hiện có sai phạm thì kịp thời xử lý nghiêm, kể cả việc ngừng hoạt động và chấm dứt hoạt động dự án theo đúng quy định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục