30 năm thành lập tỉnh Hà Giang: Làm sống lại những trang sử vẻ vang

21:48' - 04/12/2021
BNEWS Trong suốt chiều dài lịch sử thành lập, tái lập đến nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang luôn phát huy truyền thống đoàn kết, vượt khó khăn, đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Ngày 4/12, Tỉnh ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang phối hợp với Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học "Hà Giang - 130 năm thành lập tỉnh (20/8/1891 - 20/8/2021), 30 năm tái lập tỉnh (1/10/1991 - 1/10/2021) và 60 năm thực hiện Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang (26/3/1961 - 26/3/2021)".

Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Chủ trì Hội thảo ở điểm cầu Trung ương là Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quang Thuấn, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương.

Chủ trì tại điểm cầu Hà Giang có các đồng chí: Đặng Quốc Khánh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Hà Giang; Thào Hồng Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Mạnh Dũng, Phó Bí thư Tỉnh uỷ Hà Giang.

Tham dự hội thảo tại các điểm cầu có các đồng chí: Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; Vũ Mạnh Hà, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hà Giang; Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang; cùng các chuyên gia, nhà khoa học; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh Hà Giang qua các thời kỳ và các sở, ban, ngành, lực lượng vũ trang, các huyện, thành phố của Hà Giang.

Báo cáo đề dẫn hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh khái quát lại quá trình thành lập tỉnh, tái lập tỉnh, những lời căn dặn của Bác Hồ khi người lên thăm tỉnh Hà Giang vào ngày 26/3/1961.

Trong suốt tiến trình lịch sử từ khi tỉnh Hà Giang được thành lập, tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang luôn phát huy truyền thống đoàn kết, vượt qua khó khăn, đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Từ một tỉnh nghèo nhất nước, đời sống của nhân dân cực kỳ khó khăn, đến nay diện mạo của Hà Giang đã hoàn toàn đổi khác: lĩnh vực kinh tế - xã hội phát triển, cơ sở kết cấu hạ tầng được quan tâm chú trọng; giao thông phát triển; trình độ dân trí ngày càng được nâng cao; lĩnh vực quốc phòng - an ninh ngày càng được củng cố và giữ vững; quan hệ đối ngoại được mở rộng…

Chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc Hà Giang được cải thiện và ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4,22%/năm, từ 43,65% năm 2015 xuống còn 22,53% năm 2020.

Các huyện nghèo và hang vạn hộ nghèo của Hà Giang đã được Đảng, Chính phủ và tỉnh hỗ trợ đầu tư xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ xây dựng nhà ở. Đã xuất hiện ngày càng nhiều tổ chức đảng, đơn vị, doanh nghiệp, nhiều cán bộ, đảng viên, nông dân, nông dân, công nhân là những tấm gương tiêu biểu về thực hiện Tám lời Bác Hồ căn dặn và về tinh thần vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, giúp đỡ những người xung quanh cùng vươn lên.

Hội thảo khoa học là dịp để các đại biểu trao đổi, đánh giá những tiềm năng, thế mạnh, thành tựu trên các chặng đường bảo vệ Tổ quốc, phát triển kinh tế - xã hội  của Hà Giang trong tiến trình 130 năm hình thành và phát triển; đồng thời là dịp để nghiên cứu, khẳng định giá trị lý luận, thực tiễn của Tám lời Bác Hồ căn dặn Đảng bộ, nhân dân các dân tộc Hà Giang - Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Đặng Quốc Khánh chia sẻ.

Hội thảo đã nhận được 41 tham luận của các đại biểu, nhà khoa học, chuyên gia, các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Hội thảo cũng giành nhiều thời gian tập trung phân tích, làm rõ hơn truyền thống đoàn kết, chặng đường hình thành, phát triển của mảnh đất, con người Hà Giang, khẳng định vị thế, đóng góp của Hà Giang trong từng giai đoạn lịch sử.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang, nhấn mạnh: Với tinh thần thống nhất ý chí và quyết tâm chính trị cao, với thành tựu và bài học kinh nghiệm, trong những năm tới Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Hà Giang quyết tâm phát huy tiềm năng, lợi thế, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc; thực hiện giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; xây dựng Hà Giang là tỉnh phát triển về thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp.

Đến năm 2030 Hà Giang phấn đấu trở thành tỉnh khá trong khu vực trung du miền núi phía Bắc và đến năm 2045 phấn đấu trở thành tỉnh trung bình khá của cả nước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục