30 năm thu hút FDI: "Thỏi nam châm" thu hút đầu tư

08:35' - 07/09/2018
BNEWS Bắc Ninh đang xếp thứ sáu trên cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ðây là tiền đề quan trọng giúp Bắc Ninh tiến tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.
Bắc Ninh thành lập Trung tâm hành chính công từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp đến giao dịch, làm việc. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Sau 30 năm thu hút đầu tư nước ngoài (1987-2017) và 20 năm tái lập tỉnh Bắc Ninh (1997-2017), thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã phát triển mạnh mẽ, trở thành khu vực kinh tế năng động, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Đồng thời, tạo giá trị gia tăng đáng kể cho nền kinh tế trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây cũng là tỉnh được ví như "Thỏi nam châm" thu hút các dự án FDI.

Bứt phá phát triển kinh tế

Tại thời điểm tái lập tỉnh năm 1997, Bắc Ninh “khởi động” vẫn còn gặp nhiều khó khăn, khởi điểm vỏn vẹn 4 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký gần 178 triệu USD. Đến nay, vốn FDI vào tỉnh Bắc Ninh liên tục tăng qua các năm, đặc biệt kể từ khi thống nhất Luật Đầu tư năm 2005 đã tăng cao vào năm 2008 với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,3 tỷ USD và đạt đỉnh điểm vào năm 2017 với tổng vốn đầu tư đăng ký 3,5 tỷ USD.

Lũy kế đến hết năm 2017, toàn tỉnh có gần 1.140 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký hơn 16 tỷ USD, đứng thứ 6 cả nước về quy mô vốn đầu tư. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 13/21 ngành lĩnh vực; trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo chiếm vị trí chủ đạo với 902 dự án và tổng vốn đầu tư hơn 15 tỷ USD, chiếm 93,5% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Đứng vị trí thứ 2 và thứ 3 lần lượt là lĩnh vực kinh doanh bất động sản và xây dựng, vận tải kho bãi.

Trong tổng số 32 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia đầu tư tại tỉnh, Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất với 725 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 11,8 tỷ USD, chiếm 73,3% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh. Nhật Bản đứng vị trí thứ 2 với 88 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,1 tỷ USD.

Các dự án FDI trên địa bàn tỉnh chủ yếu đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài với gần 1.100 dự án và tổng vốn đầu tư đăng ký 15,3 tỷ USD, chiếm 95% tổng vốn FDI toàn tỉnh. Có thể kể đến một số tập đoàn lớn và thương hiệu toàn cầu tham gia đầu tư như Samsung (Hàn Quốc), Canon (Nhật Bản), Foxconn (Đài Loan, Trung Quốc), Pepsico (Hoa Kỳ), ABB (Thụy Điển)...

Để đạt được những “con số biết nói” trên, tỉnh Bắc Ninh đã huy động toàn bộ nguồn lực, tận dụng các tiềm năng và lợi thế để thu hút vốn FDI.Trong hơn 20 năm qua, nguồn vốn FDI đã có những đóng góp to lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh, thúc đẩy tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP). Theo giá so sánh năm 2010, GRDP 2017 đạt gần 142.000 tỷ đồng, gấp gần 26 lần so với năm 1997.

Bên cạnh đó, nguồn vốn FDI giúp chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, đóng góp lớn vào chuyển dịch cơ cấu ngành theo hướng công nghiệp tại tỉnh Bắc Ninh. Đồng thời, tăng kim ngạch xuất khẩu, tăng thu ngân sách và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh.

Chị Đỗ Thị Duyên, quê ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang cho biết, trong 5 năm làm công nhân tại Công ty TNHH Canon Việt Nam, thu nhập bình quân mỗi tháng của chị đạt khoảng 7 triệu đồng, vào những tháng cao điểm, mức lương có thể lên tới 10 triệu đồng/tháng.

“Không chỉ có nguồn thu nhập ổn định để nuôi con ăn học, tôi còn được hưởng các chế độ khác của công nhân lao động, có xe bus đưa đón hàng ngày, được tham gia các khóa đào tạo ngắn và dài hạn, được ưu tiên mua hàng giá ưu đãi, được đăng ký chế độ nhà ở của công ty...”, chị Duyên chia sẻ.

Đồng quan điểm với chị Duyên, anh Nguyễn Viết Hùng, quê ở thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh cho biết, ngay sau khi tốt nghiệp đại học, anh Hùng đăng ký thi tuyển và làm việc tại Tập đoàn Samsung Việt Nam đến nay đã được 4 năm.

“Đây là cơ hội tốt để tôi được rèn luyện, làm việc trong môi trường nước ngoài tại Việt Nam, được rèn luyện trình độ tay nghề kỹ sư, tính kỷ luật cũng như cập nhật các ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời, tôi còn được hưởng mức lương và chế độ tốt”, anh Hùng nói.

“Thỏi nam châm” hút vốn FDI

Sự xuất hiện của các doanh nghiệp, dự án FDI đã trở thành nhân tố thúc đẩy sự hình thành và phát triển nhanh chóng của hệ thống kết cấu hạ tầng xã hội như giao thông, điện, nước, viễn thông.... đặc biệt là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp; góp phần phát triển nhanh các khu đô thị, bệnh viện, trường học, trung tâm thương mại…

Các doanh nghiệp FDI cũng đã đóng góp, ủng hộ, tài trợ tích cực cho nhiều dự án đầu tư các công trình phúc lợi công cộng, các hoạt động văn hóa xã hội của địa phương, đặc biệt là ủng hộ quỹ “nối vòng tay nhân ái”, xóa nhà cấp 4 dột nát và các đợt phát động ủng hộ người nghèo, ủng hộ đồng bào bị thiên tai…

Các chương trình ủng hộ của các doanh nghiệp FDI lớn như trao tặng học bổng, quỹ khuyến học của Tập đoàn Samsung, chương trình tặng xe đạp “Canon - Nâng bước chân em đến trường”...

Thêm vào đó, nguồn vốn FDI đã đóng góp vào quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và tăng cường quan hệ đối ngoại với các nước, các tập đoàn lớn và các tổ chức trên thế giới của tỉnh Bắc Ninh; tác động lan tỏa đến các thành phần kinh tế khác trong nền kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và tạo nên các giá trị phi vật chất (văn hóa, con người, ý thức và kỷ luật lao động...).

Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Đình Xuân, Bắc Ninh đang xếp thứ sáu trên cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ðây là tiền đề quan trọng giúp Bắc Ninh phát triển hơn nữa về kinh tế - xã hội, tiến tới mục tiêu phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2022.

Bên cạnh thế mạnh về yếu tố tự nhiên, tỉnh Bắc Ninh tập trung thực hiện cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; chú trọng, nâng cao chất lượng quy hoạch, phát triển đô thị, coi quy hoạch là nhân tố tạo đà cho phát triển và thu hút đầu tư ở địa phương, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Bên cạnh đó, chú trọng đào tạo, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, có cơ chế chính sách thu hút các cơ sở đào tạo, trường đại học có uy tín; chú trọng phát triển hạ tầng khu nghiên cứu, ứng dụng và đào tạo.

Hiện tại tỉnh Bắc Ninh đang hoàn thiện Đề án bổ sung Khu công nghệ cao của tỉnh vào quy hoạch tổng thể phát triển khu công nghệ cao của cả nước.

“Bắc Ninh luôn chú trọng hướng đến các tập đoàn đa ngành, đa quốc gia để chủ động tiếp cận giới thiệu, mời gọi và thu hút đầu tư. Mỗi khu công nghiệp tập trung đều có một vài tập đoàn đầu tư có quy mô lớn, công nghệ tiên tiến, có thương hiệu đã kéo theo chuỗi các nhà đầu tư vệ tinh, tạo giá trị gia tăng cao, tạo lập khu công nghiệp chuyên ngành và cụm công nghiệp phụ trợ. Sau một thời gian hoạt động, nhiều nhà đầu tư đã quyết định tăng vốn, mở rộng sản xuất. Do đó, Bắc Ninh được coi là "thỏi nam châm" thu hút nhiều dự án đầu tư của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn”, ông Nguyễn Đình Xuân nói./.

>>> Cơ cấu FDI đầu tư tại Việt Nam 30 năm qua

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục