44 hộ dân ở Tìa Dình C, Điện Biên Đông cần được di dời khẩn cấp

18:46' - 22/09/2018
BNEWS Đầu tháng 9/2018, sau những trận mưa lớn, vết nứt trên núi tiếp tục xảy ra tình trạng rạn nứt, sụt lún, mở rộng thêm tạo thành một cung trượt dài hơn 1.000m.
 Nhiều vết nứt gãy xuất hiện ngay trước cổng UBND xã Tìa Dình. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN 

Tìa Dình của huyện Điện Biên Đông là xã nghèo, thuộc vùng cao, vùng sâu của tỉnh Điện Biên, nằm cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 100km.

Tại bản Tìa Dình C là khu vực trung tâm hành chính của xã, từ tháng 9/2014 đã xuất hiện vết nứt dài hàng trăm mét trên núi dẫn đến tình trạng rạn nứt, đứt gãy nền nhà dân, làm hư hỏng nhà cửa và các công trình phụ trợ khác, uy hiếp trực tiếp cuộc sống của hơn 20 hộ dân với 80 nhân khẩu và trạm y tế xã.

Đặc biệt, vào đầu tháng 9/2018, sau những trận mưa lớn, vết nứt trên núi tiếp tục xảy ra tình trạng rạn nứt, sụt lún, mở rộng thêm tạo thành một cung trượt dài hơn 1.000m. Tình trạng nứt gãy nền đất tiếp tục xảy ra tại khu vực trung tâm xã, Trường Tiểu học, Trụ sở UBND xã, điểm Bưu điện văn hóa xã.

Nhiều vết nứt gãy xuất hiện trong nhà chị Thào Thị Pà, bản Tìa Dình C. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN 

Hiện tình trạng này đã ảnh hưởng trực tiếp và có nguy cơ đe dọa sự an toàn của trên 450 học sinh và giáo viên Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tìa Dình; Trụ sở UBND xã Tìa Dình và 44 hộ với hàng trăm nhân khẩu trong bản ở mức nguy cấp.

Theo chính quyền địa phương, vào năm 2014, khi sự nứt gãy nền đất xuất hiện thì công trình Trạm Y tế xã bị ảnh hưởng đầu tiên. Sau mỗi năm, qua một mùa mưa thì các vết nứt, sụt lún xuất hiện trong khu vực nhiều hơn. Bất ngờ trước tình trạng sụt lún này, năm 2016 chính quyền cơ sở đã chỉ đạo rà soát, kiểm tra thì phát hiện trên dãy núi chạy dọc bản Tìa Dình C, ở độ cao khoảng 20 đến 30m có xuất hiện vết nứt dài hàng trăm mét.

Cuộc sống mưu sinh của nhiều hộ dân trong bản bị ảnh ảnh hưởng nặng nề do hiện tượng lún sụt đất. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN 

Vết nứt này đã có chiều dài hơn 1.000m, điểm cuối của vết nứt vắt qua đường liên bản, đi xuống khu vực dân cư và có chiều hướng phát triển thêm về phía Đông. Chính quyền địa phương cho rằng, vết nứt trên núi này đã tạo nên sự biến động kết cấu địa chất khu vực phía dưới, là nguyên nhân tạo nên hiện tượng xuất hiện vô số những vết nứt, gãy dưới bản.

Ông Giàng A Sinh, Phó Chủ tịch UBND xã Tìa Dình cho biết: "Khảo sát hiện trạng xảy ra sụt, lún, nứt gãy trong khu vực, chúng tôi vẫn thấy xuất hiện nhiều vết nứt dài với chiều rộng khoảng 20 đến 30cm, có chỗ rộng 50cm, sâu từ 1,5 đến 2m. Nhiều ngôi nhà nằm gần, dưới vết nứt trên núi đã bị nghiêng ra phía ngoài 1,5 độ. Khả năng sạt lở từ vết nứt trên núi là rất cao. Về lâu dài trong tổng số 44 hộ dân của bản Tìa Dình C thì có từ 90 đến 95% số hộ dân không thể sinh sống trên khu vực, cần di chuyển khẩn cấp".

Vết nứt gãy lún sụt tạo thành các hố sâu khoảng 1 - 2m dưới nền nhà của anh Giàng A Sinh, bản Tìa Dình C. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN

Từ vài năm trở lại đây, khi các vết nứt chạy dọc ngang trong bản mở rộng, cuộc sống sinh hoạt của người dân tại khu vực này bị đảo lộn. Ðặc biệt là sau những trận mưa lớn vào đầu tháng 9/2018 vừa qua, khi các vết nứt rộng thêm, nền nhà nhiều hộ dân bị nứt, gãy, nhiều ngôi nhà bị xiêu vẹo, nghiêng thì tâm lý người dân càng lo lắng, hoang mang.

Chị Thào Thị Pà, bản Tìa Dình C lo lắng nói: "Nền nhà mình đã nứt vỡ, phía hiên nhà đã sụt lún làm hỏng cả nhà rồi, trời nắng thì còn ở tạm chứ trời mưa thì không dám ở. Đêm cả nhà phải đi sang bên trụ sở UBND xã để ngủ. Mong muốn của gia đình là được cấp chính quyền giúp chuyển nhà đi chỗ khác an toàn".

Một vết nứt rộng trên nền nhà của một hộ dân trong bản. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN 

Ông Giàng Giả Lềnh, bản Tìa Dình C cũng cho biết: Nhà của ông và nhiều nhà trong bản đã có vết nứt, vỡ nền, vết nứt chạy khắp trong nhà. Mấy năm trước đã đổ vôi vữa vào để khỏi chuột, rắn chui vào làm tổ, nhưng nay vết nứt lại to hơn, rộng hơn.

Bây giờ, cứ xảy ra mưa to là ông phải thức, dùng đèn pin để trực, luôn phải chạy ra khỏi nhà để nghe ngóng tiếng động lỡ có chuyện gì xảy ra còn hô hào mọi người cùng chạy. Ban ngày sáng sủa thì không sao chứ ban đêm thì thật sự là lo lắng cho gia đình và người dân trong bản. Ông mong chính quyền các cấp sớm có chủ trương giúp nhân dân di chuyển đến nơi an toàn.

Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Tìa Dình, các vết nứt trên tường và sụt lún nền lớp học có chỗ rộng đến 20cm khiến phần khung của một số lớp học bị biến dạng, xô lệch, ảnh hưởng trực tiếp đến việc học hành, sinh hoạt của học sinh và các thầy cô nơi đây.

Thầy Ngô Văn Vinh, Hiệu trưởng lo lắng: Các vết nứt gãy, sụt lún xuất hiện từ nhiều năm trước, nhưng từ sau những đợt mưa xảy ra vào đầu tháng 9 vừa qua đã làm nền nhà của 8 phòng học bị sụt lún, có chỗ sâu từ 15 - 20cm; khung sắt của một số phòng học bị gãy, biến dạng, có nguy cơ sụp đổ bất cứ lúc nào. Toàn trường có gần 460 học sinh thì có 254 học sinh bán trú, nên rất lo lắng cho các cháu.

Trước mắt, để đảm bảo việc học tập, trường đã phải dồn các lớp lại, cho các cháu học tạm ở các nhà ăn, nhà kho. Nhà trường mong muốn được chọn địa điểm mới để chuyển trường đến vị trí an toàn hơn để đảm bảo công việc học tập, ăn nghỉ tại trường cho học sinh và giáo viên.

 Do nền bị lún, nhiều lớp học bị nghiêng, ảnh hưởng đến học tập của học sinh. Ảnh: Phan Tuấn Anh - TTXVN 

Trụ sở làm việc của UBND xã Tìa Dình, nơi làm việc hàng ngày của hơn 20 cán bộ, viên chức và hàng trăm lượt người dân đến liên hệ, giải quyết công việc cũng xảy ra rạn, nứt nền sân và trụ sở có hiện tượng bị nghiêng ra phía sau. Tình trạng nứt, lún trong khu vực trung tâm của xã Tìa Dình đang ở mức báo động, mất an toàn đối với con người và tài sản của nhân dân.

Để an toàn đến tính mạng nhiều người dân đã bỏ lại nhà di chuyển đến chỗ khác ở tạm. Chính quyền xã đã tuyên truyền để đồng bào đề cao tinh thần cảnh giác trước nguy cơ sụt lún, yêu cầu di chuyển người dân, các cháu học sinh đến nơi an toàn khi có mưa lớn xảy ra. UBND xã đã có văn bản và lập danh sách các hộ bị ảnh hưởng gửi lên UBND huyện Điện Biên Đông đề nghị các ngành chức năng kiểm tra, đánh giá nguyên nhân và sớm có phương án xử lý.

Trong phương án di dời trụ sở xã, trường học và các hộ dân sống trong khu vực xảy ra nứt gãy, sụt lún, chính quyền cũng đã lựa chọn được hai địa điểm. Một là khu đất ở vị trí “yên ngựa” đối diện với Trạm y tế mới, thuộc tiểu khu 785, 787 thuộc các khoảnh 8 và 5 với tổng diện tích hơn 14ha, cách trung tâm xã khoảng 1km. Địa điểm thứ 2 là khu đất nằm cạnh cầu Chua Ta A và Chua Tua B trong tiểu khu 795 thuộc khoảnh 2 với tổng diện tích hơn 10ha, cách trung tâm xã 3km.

Tuy vậy, các phương án di chuyển này cũng như giải pháp xử lý có tính chất an toàn, lâu dài vẫn còn chờ quyết định của cấp chính quyền huyện, tỉnh kiểm tra, xem xét. Đến hiện tại, vẫn chưa có một kết luận chính thức nào từ phía cơ quan chức năng, chuyên môn về nguyên nhân xuất hiện vết nứt dài hơn 1.000m trên núi và hiện tượng nứt, gãy, sụt lún nền nhà của người dân khu vực bản Tà Dình C.

Theo ông Vừ A Bằng, Bí thư Huyện ủy huyện Điện Biên Đông: Khu vực Tìa Dình C nằm trên tổng diện tích một cung trượt tương đối lớn, bao gồm liên quan cả một khối và một đường cung trượt có quy mô rộng, trong đó có ảnh hưởng đến các hộ dân, nhiều phòng lớp học và cả trụ sở UBND xã Tìa Dình. Trụ sở này có dấu hiệu nghiêng từ cách đây 2 năm rồi.

Lãnh đạo UBND huyện Điện Biên Đông và đại diện các phòng, ban cũng đã vào đó kiểm tra thực tế và chỉ đạo chính quyền xã Tìa Dình thực hiện phương án di chuyển tạm thời. Huyện đã đề nghị các Sở, ban, ngành liên quan nhanh chóng vào địa bàn cơ sở kiểm tra thực tế, đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng để thống nhất tham mưu, đề xuất UBND tỉnh Điện Biên có phương án xử lý./.

>>> Quảng Ninh: Sụt lún đất ở thành phố Cẩm Phả

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục