An Giang: Xuất hiện nhiều điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông

12:40' - 31/10/2017
BNEWS An Giang đang xuất hiện nhiều điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài trên 3.220 mét, ảnh hưởng đến nhiều nhà dân.
An Giang: Xuất hiện nhiều điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, từ đầu năm đến cuối tháng 10/2017, trên địa bàn tỉnh xuất hiện nhiều điểm sụt lún, sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài trên 3.220 mét, ảnh hưởng đến 235 căn nhà; trong đó có 20 căn nhà bị sụt hoàn toàn xuống sông, 10 căn bị sụt một phần, cùng với nhiều tài sản và các công trình hạ tầng khác, ước thiệt hại khoảng 94,43 tỷ đồng.

Đặc biệt, toàn tỉnh có 28 điểm sạt lở đặc biệt nghiêm trọng (tại huyện An Phú có 12 điểm, huyện Chợ Mới có 7 điểm, tại Tân Châu có 9 điểm). Tỉnh An Giang đã di dời khẩn cấp đối với 175 hộ dân vùng sạt lở, đang vận động di dời nhiều hộ dân vùng lân cận có nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn.

Ông Nguyễn Trung Giang, Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong, thị xã Tân Châu (tỉnh An Giang) cho biết: Xã Châu Phong là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng của sạt lở nhiều năm nay, nhất là vào mùa lũ; trong đó 4 ấp gồm Vĩnh Lợi 1, Vĩnh Lợi 2, Vĩnh Tường 1, Vĩnh Tường 2 có nguy cơ sạt lở cao; mỗi năm sạt lở ăn sâu vào tuyến đường liên xã Long An - Châu Phong gần 5 mét.

Hiện nay địa phương đã di dời 454 hộ dân sống dọc khu vực sạt lở vào những nơi ở an toàn hơn. Trước diễn biến phức tạp của sạt lở đất bờ sông, xã Châu Phong cần tiếp tục di dời thêm khoảng 428 hộ dân để tránh thiệt hại về người cũng như tài sản của người dân.

Theo ông Trần Anh Thư, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, sạt lở thường xảy ra ở những khu vực cù lao và nơi dòng sông phân nhánh, khu vực nhập lưu của các nhánh sông, đoạn sông có luồng lạch không ổn định. Nguyên nhân các vụ sạt lở chủ yếu là do động lực dòng chảy.

Bên cạnh đó, do tập quán, dân cư sinh sống ở ven sông, kênh rạch, việc xây dựng mới nhà ở, cải tạo nâng cấp kiên cố hơn đã làm tăng tải trọng lên bờ sông so với trước kia, một số nơi đã làm thay đổi chế độ dòng chảy trên làm gia tăng nguy cơ gây sạt lở bờ sông.

Vào mùa mưa lũ, kết cấu địa chất rất yếu của lòng dẫn, những cồn cát nổi lên ở lòng sông cũng làm thay đổi dòng chảy, khiến nước áp sát vào bờ với lưu lượng lớn và độ dốc cao nên dễ dẫn đến hiện tượng sạt lở.

Ông Trần Anh Thư cho biết, thời gian tới sạt lở sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp. Đặc biệt là về cuối mùa lũ, tình trạng này sẽ có xu hướng kéo dần xuống hạ lưu, khi mực nước lũ rút nhanh.

Trước thực trạng này, để tránh thiệt hại về người và tài sản do sạt lở, UBND tỉnh An Giang yêu cầu các địa phương phải tổ chức theo dõi sát tình hình sạt lở, cắm biển báo, ứng phó kịp thời khi có sạt lở xảy ra; thường xuyên tuyên truyền, cảnh báo sạt lở trên phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân chủ động phòng tránh; tuyệt đối không cho xây dựng các công trình nhà cửa và cơ sở hạ tầng lấn chiếm bờ sông; không khai thác đất, cát ven sông; vận động, hỗ trợ các hộ dân nằm trong khu vực cảnh báo sạt lở di dời nhà cửa, cơ sở sản xuất, kinh doanh đến nơi an toàn.

Ngoài ra, tỉnh An Giang còn ban hành quy định về vận tốc, tải trọng và hướng tuyến của tàu, thuyền phù hợp với hệ thống sông, kênh, rạch; quy định về quy hoạch phát triển hệ thống giao thông đường bộ phải cách xa bờ sông, kênh, rạch tránh tác động gây gia tăng sạt lở./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục