5 năm, EVNNPT thực hiện khối lượng đầu tư gấp 1,26 lần

08:16' - 19/01/2021
BNEWS Trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đã hoàn thành đưa vào vận hành 232 công trình từ 220 – 500kV.

Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) cho biết, trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, Tổng công ty đã hoàn thành đưa vào vận hành 232 công trình từ 220 – 500kV; gồm 49 công trình 500kV, 183 công trình 220kV. Giá trị thực hiện đạt 93.820 tỷ đồng; trong đó đầu tư thuần đạt 63.117 tỷ đồng, gấp 1,26 lần so với khối lượng thực hiện giai đoạn 2011 - 2015.

Theo EVNNPT, nếu so sánh với nhiệm vụ đầu tư lưới điện truyền tải giai đoạn 2016 - 2020 (theo Quyết định số 155/QĐ-EVN), khối lượng lưới điện truyền tải 220 - 500kV hoàn thành đạt 88,9% về số công trình và đạt 89,4% về khối lượng đầu tư.

Như vậy khối lượng chưa đầu tư so với kế hoạch 5 năm ngoài một số dự án chưa hoàn thành trong năm 2020 theo kế hoạch đề ra, xuất phát từ các khó khăn vướng mắc do nguyên nhân khách quan và sẽ được Tổng công ty tập trung đưa vào vận hành trong đầu năm 2021, số còn lại chủ yếu do tiến độ một số dự án nguồn điện do các chủ đầu tư ngoài Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chậm tiến độ hoặc chưa triển khai.

Ngoài ra, do tốc độ tăng trưởng phụ tải thấp so với dự báo nên nhiều dự án chưa cần thiết phải đầu tư hoặc giãn tiến độ sau năm 2020. Trên thực tế hàng năm Tập đoàn đều xem xét điều chỉnh lại kế hoạch giao so với kế hoạch đã giao 5 năm.

Do đó, nếu theo kế hoạch đầu tư xây dựng EVN giao hàng năm, khối lượng đầu tư của EVNNPT trong 5 năm qua đạt 96,7% so với tổng khối lượng đầu tư Tập đoàn đã giao Tổng công ty trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2020.

Theo đó, trong 5 năm qua, với khối lượng đầu tư lớn này, lưới điện 500kV được phát triển mạnh, qua đó đã góp phần nâng cao độ ổn định, tin cậy cung cấp điện của hệ thống truyền tải điện như: các trạm biến áp (TBA) 500kV Phố Nối, Thường Tín, Đông Anh, Tây Hà Nội, Việt Trì, Pleiku 2, Tân Uyên, Mỹ Tho, Chơn Thành, nâng công suất và lắp máy 2 các TBA Dốc Sỏi, Cầu Bông, Tân Định; các đường dây 500kV Duyên Hải - Mỹ Tho, Hiệp Hòa - Đông Anh - Bắc Ninh 2, Sông Mây - Tân Uyên, Vĩnh Tân rẽ Sông Mây - Tân Uyên....

Như vậy, EVNNPT đã đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao trong việc đảm bảo cung cấp điện cho đất nước, đặc biệt là đảm bảo cấp điện cho Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh và các khu vực kinh tế trọng điểm của đất nước.

Lưới điện 220kV cũng được tập trung đầu tư và hoàn thành đưa vào vận hành các dự án phục vụ cung cấp điện cho Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh như các trạm biến áp 220kV: Sơn Tây, Long Biên, Đông Anh, Tây Hà Nội, Tân Uyên; các đường dây 220kV: Hòa Bình - Tây Hà Nội, nhánh rẽ 220kV sau TBA 220kV Tây Hà Nội, Hòa Bình - Hà Đông, Cầu Bông - Hóc Môn rẽ Bình Tân, đường dây 220kV nhánh rẽ sau TBA 500kV Tân Uyên.

Đồng thời, hoàn thành xây mới, nâng công suất các trạm biến áp và đường dây 220kV, đáp ứng kịp thời nhu cầu cung cấp điện cho phát triển phụ tải và giải quyết tình trạng quá tải tại các địa phương trên toàn quốc.

Tất cả các công trình lưới điện đấu nối với các nguồn điện đã đưa vào vận hành đồng bộ với tiến độ phát điện, từ đó phát huy tối đa hiệu quả vận hành của các nhà máy điện, như lưới điện đồng bộ các nhà máy điện Lai Châu, Vĩnh Tân, Duyên Hải, Nghi Sơn, Hải Dương, Sông Hậu, Long Phú cùng các dự án nhiệt điện và thủy điện trên địa bàn toàn quốc.

Đặc biệt đã hoàn thành đưa vào vận hành các dự án phục vụ giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo (NLTT) như nâng công suất các TBA 500kV Vĩnh Tân, Di Linh; các TBA 220kV Phan Rí, Ninh Phước, nâng công suất TBA 220kV Tháp Chàm...

Với kết quả đầu tư lưới điện truyền tải đã đạt được trong 5 năm 2016 - 2020 đã đáp ứng nhu cầu đấu nối các công trình nguồn điện, nâng cao năng lực truyền tải của hệ thống điện và đáp ứng được nhu cầu phát triển lưới điện truyền tải để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân trong những năm qua.

Riêng năm 2020, trong bối cảnh đầu tư xây dựng tiếp tục gặp nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác điều chỉnh, bổ sung quy hoạch; các trình tự thủ tục trong chuẩn bị đầu tư phức tạp và kéo dài, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ngày càng khó khăn, phức tạp..., nhưng nhờ có sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự hỗ trợ giúp đỡ của các Bộ ngành và các địa phương, sự chỉ đạo quyết liệt của Tập đoàn, cùng với sự nỗ lực của EVNNPT, của các đơn vị thành viên cùng các đơn vị tư vấn, đơn vị thi công..., công tác đầu tư xây dựng của Tổng công ty đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Trong năm, Tổng công ty đã hoàn thành giá trị đầu tư rất lớn với khối lượng đầu tư 19.579 tỷ đồng, đạt 105,6% kế hoạch Tập đoàn giao; giải ngân đạt 18.528 tỷ đồng, đạt 99,9% kế hoạch. Khối lượng đầu tư thuần 14.388 tỷ đồng, đạt 105% kế hoạch, giải ngân khối lượng đầu tư thuần 13.337 tỷ đồng, đạt 97,3% kế hoạch.

Trong bối cảnh các khó khăn vướng mắc đã ảnh hưởng rất lớn đến kết quả thực hiện đầu tư xây dựng của đất nước nói chung, của EVN nói riêng, đặc biệt với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 thì đây thực sự là kết quả rất đáng ghi nhận và thể hiện sự cố gắng, nỗ lực rất lớn của Tổng công ty và các đơn vị thành viên.

Với giá trị đầu tư trên, năm 2020, Tổng công ty đã khởi công được 39/kế hoạch điều chỉnh 32 dự án, gồm 7 dự án 500kV và 32 dự án 220kV. Trong đó có 30 dự án theo kế hoạch Tập đoàn giao và 9 dự án khởi công ngoài kế hoạch để đảm bảo cung cấp điện theo yêu cầu của Tập đoàn và các Tổng công ty Điện lực.

Trong số các dự án khởi công năm 2020 có nhiều dự án quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện và đảm bảo cung cấp điện như nâng công suất và lắp máy 2 các TBA 500kV Vĩnh Tân, Di Linh, Việt Trì; TBA 500kV Nghi Sơn; lắp máy 2 và nâng công suất các TBA 220kV: Vinh, Phủ Lý, Xuân Mai, Thanh Nghị, Cam Ranh, Phan Rí; TBA 220kV Bắc Quang và đường dây đấu nối, đường dây 500kV Chơn Thành - Đức Hòa, đường dây 220kV Lào Cai - Bảo Thắng…

Cùng với đó, trong năm, Tổng công ty đã đóng điện được 38/kế hoạch điều chỉnh 48 dự án, gồm 12 dự án 500kV và 26 dự án 220kV; Trong đó có 32 dự án theo kế hoạch Tập đoàn giao và 6 dự án đóng điện ngoài kế hoạch để đảm bảo cung cấp điện theo yêu cầu của Tập đoàn và các Tổng công ty Điện lực.

Trong số các dự án đóng điện năm 2020 có các dự án có vai trò hết sức quan trọng phục vụ giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, NLTT, thủy điện và các dự án phục vụ đảm bảo cung cấp điện như các dự án: nâng công suất các TBA 500kV Vĩnh Tân, Di Linh, Nho Quan; TBA 500kV Nghi Sơn, Chơn Thành; các đường dây nhánh rẽ 220kV sau các TBA 500kV Việt Trì, Tân Uyên; nhánh rẽ 220kV TBA 220kV Lưu Xá; các TBA 220kV Phan Rí, Ninh Phước, Tây Ninh 2; đường dây 220kV Hòa Bình - Hà Đông, Ô Môn - Sóc Trăng…

Đánh giá của EVNNPT cho thấy, mặc dù chưa hoàn thành đóng điện các dự án đúng theo kế hoạch đề ra, tuy nhiên trong bối cảnh thế giới và đất nước bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cũng như các khó khăn vướng mắc kéo dài trong chuẩn bị đầu tư và bồi thường giải phóng mặt bằng, với khối lượng đầu tư xây dựng thực hiện và các dự án trọng điểm đã được hoàn thành và đưa vào vận hành trong năm 2020 đã thể hiện sự cố gắng nỗ lực rất lớn của Tổng công ty và các đơn vị trong năm qua để góp phần cùng EVN đảm bảo cung cấp điện cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đặc biệt đối với nhiệm vụ đảm bảo giải tỏa công suất các nguồn điện BOT, các nguồn điện NLTT cũng như để đảm bảo cung ứng điện cho các vùng kinh tế trọng điểm, các trung tâm chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các phụ tải quan trọng đúng theo chỉ đạo của Tập đoàn.

Nguyên nhân chủ yếu số dự án đóng điện năm 2020 và giai đoạn 2016 - 2020 chưa đạt so với kế hoạch theo đánh giá của ông Phạm Lê Phú, Tổng Giám đốc EVNNPT tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Tổng Công ty là do khó khăn trong thỏa thuận với chính quyền địa phương về địa điểm trạm và tuyến đường dây dẫn đến thời gian lập dự án đầu tư bị kéo dài. Công tác điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch Điện VII điều chỉnh gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thủ tục trình tự và thời gian thực hiện chuẩn bị đầu tư bị kéo dài. Trong khi đó, chất lượng công tác tư vấn, từ khâu khảo sát đến khâu lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công chưa cao, vẫn còn hồ sơ phải chỉnh sửa nhiều lần.

Trên thực tế, vẫn còn một số đơn vị chưa thực sự quyết liệt trong kiểm tra, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị tư vấn và các nhà thầu thi công xây lắp, cung cấp vật tư thiết bị, chưa quyết liệt trong việc xử phạt các nhà thầu vi phạm hợp đồng.

Cùng đó là vướng mắc trong chuyển đổi đất rừng theo các quy định của nhà nước ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ của các dự án đi qua đất rừng; Khó khăn trong việc bố trí cắt điện phục vụ thi công gây ảnh hưởng đến tiến độ thi công nhiều dự án.

Ngoài ra, khó khăn, vướng mắc rất lớn trong giải phóng mặt bằng, gây ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án như: các đường dây 500kV mạch 3, Thường Tín - Tây Hà Nội, Nho Quan - Phủ Lý - Thường Tín, đường dây đấu nối nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2, Mỹ Tho - Đức Hòa; các đường dây 220kV: Hải Dương - Phố Nối, Quảng Ngãi - Quy Nhơn, Lao Bảo - Đông Hà...

Cùng với đó, trong năm qua, Tổng công ty đã phê duyệt được 87 Dự án đầu tư/Báo cáo nghiên cứu khả thi; trong đó có 6 dự án điều chỉnh, 53 thiết kế kỹ thuật; trong đó có  8 dự án điều chỉnh. Đồng thời lựa chọn nhà thầu cho 776 gói thầu các loại với tổng giá trị trúng thầu 9.213,30 tỷ đồng với tỷ lệ tiết kiệm 12,58%.

Tổng công ty còn tổ chức lựa chọn nhà thầu rộng rãi qua mạng cho 552 gói thầu với tổng giá trị trúng thầu là 5.569,54 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 82,63% về mặt số lượng gói thầu và chiếm tỷ lệ 60,69% về mặt giá trị trong tổng số gói thầu đấu thầu rộng rãi.

Các gói thầu không đấu thầu qua mạng chủ yếu là các gói mạng đấu thầu quốc gia chưa cho phép đấu thầu như: Gói thầu đấu thầu quốc tế, gói thầu qui mô lớn được chia thành nhiều lô thầu, gói thầu mua sắm hàng hóa sử dụng loại hợp đồng theo đơn giá cố định, gói thầu tư vấn sử dụng loại hợp đồng hỗn hợp.... /.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục