5 năm thực thi EVFTA: Giữ vững nhịp tăng trưởng hợp tác kinh tế Việt Nam và EU
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây với phóng viên TTXVN tại Berlin, Tham tán Thương mại Việt Nam tại CHLB Đức, bà Đặng Thị Thanh Phương, đã tổng kết những thành tựu và triển vọng của Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA) sau 5 năm chính thức có hiệu lực từ tháng 8/2020.
Theo bà, đây là một bước tiến quan trọng giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và EU, đồng thời mở ra nhiều cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên cũng đặt ra không ít thách thức cần nỗ lực vượt qua.
Theo số liệu của Cục Hải quan Việt Nam, trong giai đoạn từ 2020 đến 2024, thương mại song phương Việt Nam – EU đã tăng trưởng 46,5%, đạt hơn 64,6 tỷ USD, so với 44,1 tỷ USD của 5 năm trước.
Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang EU đã tăng 56,4%, từ 31,1 tỷ USD lên gần 48,7 tỷ USD, còn nhập khẩu tăng 13%, từ 14 tỷ USD lên 15,9 tỷ USD. Tại thị trường Đức, thương mại song phương cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, đạt mức tăng 17%, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đức tăng 20% và nhập khẩu từ Đức tăng 13%.
Dù chưa có sự đột phá rõ rệt, nhưng EVFTA đã đóng vai trò quan trọng trong việc giữ vững nhịp tăng trưởng của thương mại Việt Nam – EU trong bối cảnh thế giới gặp nhiều biến động như đại dịch COVID-19, xung đột Nga- Ukraine hay đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo bà, EVFTA đã tạo cơ hội lớn cho các ngành hàng chủ lực của Việt Nam tận dụng lợi thế từ chính sách xóa bỏ thuế nhập khẩu. Ngay khi hiệp định có hiệu lực, EU xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 85,6% dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Sau 7 năm, tỷ lệ này sẽ nâng lên đến 99,2%, gần như toàn bộ kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan. Một số mặt hàng như gạo, cà phê, thuỷ sản, rau quả, dệt may, da giày đều có khả năng hưởng thuế suất 0% ngay từ thời điểm bắt đầu, giúp các doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường.
Lợi thế này đặc biệt rõ trong các mặt hàng nông thủy sản như cà phê, thuỷ sản, hạt điều, chè, đã có những bước tăng trưởng rõ rệt. Cụ thể, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang EU tăng 120%, từ 983 triệu USD của năm 2020 lên 2,2 tỷ USD năm 2024; rau quả tăng 65,6%, từ 146 triệu USD lên 242 triệu USD; xuất khẩu giày dép tăng 52,4%, từ 3,7 tỷ USD lên 5,65 tỷ USD. Đây là minh chứng rõ rệt cho việc tận dụng tốt các ưu đãi của EVFTA, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn tập trung nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn về quy tắc xuất xứ và xây dựng thương hiệu bền vững.
Tuy nhiên, bà Đặng Thị Thanh Phương cho biết, các ngành như dệt may, da giày, gỗ và dược phẩm vẫn còn nhiều điểm cần vượt qua để phát huy tối đa lợi thế EVFTA mang lại. Nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ các yếu tố nội tại như công nghệ sản xuất còn lạc hậu, thiếu đầu tư chiều sâu về thiết kế và thương hiệu, cùng với những khó khăn trong đáp ứng các quy tắc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc “từ vải trở đi” khiến nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn do nguyên liệu chủ yếu nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc và các nguồn khác ngoài EU, khiến họ không đủ điều kiện hưởng ưu đãi theo quy định về xuất xứ. Các rào cản kỹ thuật, tiêu chuẩn khắt khe về nguồn gốc, công nghệ và mẫu mã cũng làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Việt Nam.
Bên cạnh đó, theo bà, ngành dược phẩm còn chưa khởi sắc do doanh nghiệp nội lực còn yếu, thiếu tiêu chuẩn GMP của châu Âu, và chưa đủ khả năng cạnh tranh với thuốc gốc của châu Âu. Trong lĩnh vực gỗ, sự sụt giảm kim ngạch cũng cho thấy thách thức trong việc đáp ứng các yêu cầu về nguồn gốc hợp pháp và chuyển đổi công nghệ phù hợp với thị hiếu thị trường.
Chia sẻ đánh giá chung của nhiều chuyên gia thương mại rằng EVFTA là động lực để Việt Nam thực hiện cải cách thể chế, phát triển bền vững với các quy định tiêu chuẩn về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ…, Tham tán Đặng Thị Thanh Phương cũng cho rằng Việt Nam đã thực hiện những nỗ lực rõ rệt về cải thiện điều kiện lao động, môi trường để phù hợp EVFTA, như phê chuẩn một số công ước cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) như Công ước số 98 về quyền tổ chức và thương lượng tập thể, Công ước 105 về Xóa bỏ lao động cưỡng bức, thực thi Luật Lao động sửa đổi năm 2019 (có hiệu lực từ 2021) đã cho phép thành lập tổ chức đại diện người lao động tại doanh nghiệp ngoài hệ thống Công đoàn Việt Nam – phù hợp với yêu cầu của EVFTA.
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã thông qua Luật Bảo vệ Môi trường 2020, nhấn mạnh phát triển bền vững, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (EPR), đánh giá tác động môi trường, và tăng cường sự tham gia của cộng đồng; Thực hiện các cam kết trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), như mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050; Sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ vào năm 2022, trong đó tăng cường bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, quy định rõ hơn về bảo hộ chỉ dẫn địa lý, sáng chế, bản quyền, cải thiện cơ chế thực thi quyền sở hữu trí tuệ, tăng mức phạt và biện pháp xử lý vi phạm.
Có thể nói, Việt Nam đã có những bước tiến quan trọng trong cải cách thể chế nhằm thực thi EVFTA, đặc biệt trong lĩnh vực lao động, môi trường và sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên, việc triển khai thực tế vẫn còn nhiều hạn chế như hiệu quả của các tổ chức lao động, việc đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ, thực thi pháp luật về môi trường chưa đồng bộ… và cần nhiều nỗ lực để tăng cường thực thi hiệu quả các cam kết, thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp và người dân, nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về EVFTA và các tiêu chuẩn quốc tế liên quan, tiếp tục hoàn thiện thể chế minh bạch, công khai, tăng cường hợp tác quốc tế…
Tham tán Đặng Thị Thanh Phương cho rằng việc thực hiện EVFTA được kỳ vọng tiếp tục mang lại lợi ích cho doanh nghiệp khi nhiều mặt hàng sẽ tiếp tục được miễn giảm thuế khi đến năm 2027, EU sẽ xóa khoảng 99,2 % các dòng thuế, tương ứng 99,7 % doanh thu xuất khẩu. Đặc biệt, trong bối cảnh Mỹ tăng cường các biện pháp thuế quan với các nước, EU và Việt Nam đều cần đa dạng hoá thị trường và đối tác. Việt Nam đang có lợi thế rất lớn khi đã có FTA với EU, với những cam kết rất cao về thuế quan đối với nhiều nhóm hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Để phát huy hiệu quả lâu dài của EVFTA, bà Đặng Thị Thanh Phương cho rằng Việt Nam cần có những bước tiến mạnh hơn về nâng cấp năng lực sản xuất, chuyển đổi xanh, bền vững, phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh nội địa hoá. Đây không chỉ là cơ hội để mở rộng thị trường, mà còn là đòn bẩy để nâng cấp mô hình tăng trưởng, nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Đặc biệt trong bối cảnh EU đang đẩy mạnh các nỗ lực để đa dạng hoá thị trường khi đã ký kết FTA với khối MERCOSUR vào tháng 12/2024 và đang tích cực đàm phán các FTA với Thái Lan, Indonesia, Australia, New Zealand..., các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng nâng cao năng lực và đáp ứng được các tiêu chuẩn thị trường để không đánh mất lợi thế khi nhiều đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam cũng được hưởng lợi từ các FTA đã và đang đàm phán với EU.
Tin liên quan
-
Kinh tế Việt Nam
Hiệp định EVFTA - định hướng hợp tác chiến lược trong giai đoạn mới
22:29' - 07/06/2025
Cơ cấu kinh tế của Việt Nam và EU mang tính bổ trợ lẫn nhau thay vì cạnh tranh, giúp mở rộng dư địa hợp tác, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu đang cần đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
-
Kinh tế Việt Nam
Giải pháp nào nhằm tận dụng tối đa cơ hội từ Hiệp định EVFTA?
18:44' - 24/02/2025
Việc cải thiện cơ chế phối hợp giữa Trung ương và địa phương trong thực thi hiệp định là rất quan trọng để nâng cao năng lực thực thi của các cơ quan liên quan.
-
Kinh tế Việt Nam
Hiệp định EVFTA đã cũng cố vị thế của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn
11:20' - 07/08/2024
Hiệp định EVFTA sẽ chỉ thành công nếu Việt Nam cùng EU thiết lập được các chuỗi cung ứng mới và có sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp hai bên.
Tin cùng chuyên mục
-
Kinh tế Việt Nam
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng: Nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu
14:25'
Ngày 28/7, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng dự và phát biểu tại lễ khánh thành Nhà máy Coherent Việt Nam (Tập đoàn Coherent, Hoa Kỳ) tại Khu Công nghiệp Nhơn Trạch 1, tỉnh Đồng Nai.
-
Kinh tế Việt Nam
Tháo gỡ vướng mắc cho các dự án trọng điểm ven biển Lâm Đồng
13:26'
Khu vực ven biển tỉnh Lâm Đồng hiện nay có rất nhiều dự án trọng điểm đang triển khai; trong đó, có những dự án “khủng” với quy trên 1.000 ha với mức đầu tư hàng chục nghìn tỷ đồng.
-
Kinh tế Việt Nam
Cà Mau: Lốc xoáy gây thiệt hại nhiều tài sản của người dân ở xã Ninh Thạnh Lợi
12:37'
Ngay sau khi lốc xoáy xảy ra, lãnh đạo UBND xã Ninh Thạnh Lợi kịp thời có mặt huy động lực lượng tại chỗ nhanh chóng giúp dân khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra.
-
Kinh tế Việt Nam
Đồng Tháp: Cuối tháng 7 hoàn thành dự án cầu Rạch Miễu 2
12:36'
Giám đốc Ban điều hành dự án cầu Rạch Miễu 2, ông Nguyễn Nam Phong cho biết, đến nay, tiến độ tổng thể dự án đã hoàn thành được 99%.
-
Kinh tế Việt Nam
Chuyển dịch năng lượng vẫn đối mặt với thách thức thể chế và tài chính
11:30'
Diễn đàn Dầu khí và Năng lượng thường niên 2025 sáng 28/7 nhận định việc chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức, nhất là khoảng trống thể chế và rào cản tài chính.
-
Kinh tế Việt Nam
Cần Thơ hợp tác với Fukuoka (Nhật Bản) trong lĩnh vực thoát nước
11:25'
Sáng 28/7, tại thành phố Cần Thơ diễn ra Lễ ký kết Bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực thoát nước và giao lưu kinh tế giữa Ủy Ban nhân dân thành phố Cần Thơ và Chính quyền thành phố Fukuoka (Nhật Bản).
-
Kinh tế Việt Nam
Hơn 190 vị trí còn ách tắc giao thông do ảnh hưởng của bão số 3
08:47'
Hiện nay, trên các tuyến quốc lộ, cao tốc và đường địa phương hiện còn mưa rải rác, Bộ Xây dựng đang chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục cập nhật, rà soát, thống kê.
-
Kinh tế Việt Nam
Thực hiện chính quyền 2 cấp: Bộ Công Thương đơn giản hóa 223 thủ tục hành chính
21:12' - 27/07/2025
Bộ Công Thương vừa có báo cáo về việc rà soát, đánh giá việc thực hiện mô hình địa phương 2 cấp phân cấp thuộc nhiệm vụ quản lý nhà nước của Bộ Công Thương và nhiệm vụ thời gian tới.
-
Kinh tế Việt Nam
Thủ tướng yêu cầu tập trung khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất tại Sơn La và chủ động ứng phó mưa lũ
20:04' - 27/07/2025
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện về việc tập trung khắc phục hậu quả lũ quét, sạt lở đất tại tỉnh Sơn La và chủ động ứng phó mưa lũ trong thời gian tới.