Hiệp định EVFTA đã cũng cố vị thế của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn

11:20' - 07/08/2024
BNEWS Hiệp định EVFTA sẽ chỉ thành công nếu Việt Nam cùng EU thiết lập được các chuỗi cung ứng mới và có sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp hai bên.

Sau 4 năm thực thi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang châu Âu, tăng vọt từ 35 tỷ Euro vào năm 2019, lên tới hơn 48 tỷ Euro vào năm 2023. Một trong những điểm nhấn được đánh giá cao chính là quá trình Việt Nam đã chủ động cải cách thể chế nhằm tạo được môi trường kinh doanh mang tính minh bạch, thuận lợi hơn và từ đó tăng thu hút vốn đầu tư của nước ngoài; trong đó, có vốn đầu tư từ các nước EU.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã phỏng vấn ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương) về hiệu quả đã đạt được cũng như những thách thức khi bước vào năm thứ 5 thực thi Hiệp định EVFTA .

Phóng viên: Là một trong những Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đầu tiên của Việt Nam và cũng là FTA thế hệ mới đầu tiên mà EU ký với một nước đang phát triển trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, xin ông cho biết Hiệp định EVFTA đã giúp Việt Nam có những thay đổi như thế nào?

Vụ trưởng Lương Hoàng Thái: Hiệp định EVFTA đã có hiệu lực từ ngày 1/8/2020, là Hiệp định FTA đầu tiên của EU với một nước đang phát triển ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Điều này một mặt là cơ hội để hai bên thúc đẩy các không gian tăng trưởng mới cho quan hệ giữa hai bên, nhưng mặt khác cũng là thách thức do nhiều vấn đề đặt ra nằm ngoài khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do truyền thống trước đây.

 

Vấn đề hết sức quan trọng trong các FTA thế hệ mới là đổi mới thể chế để vừa đáp ứng các điều kiện cao của hiệp định, vừa tạo đà để tận dụng tốt các ưu đãi có được. Ở khía cạnh này, Quốc hội cũng như Chính phủ đã có những bước chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể sửa đổi, bổ sung cũng như ban hành mới hàng loạt các văn bản như Luật Kinh doanh Bảo hiểm, Luật Sở hữu trí tuệ, các văn bản thực thi Luật Đấu thầu, Luật Thương mại, Luật Đầu tư…

Bên cạnh đó cũng đã tạo được môi trường kinh doanh ngày càng mang tính thuận lợi hơn cho doanh nghiệp trong nước cũng như nhà đầu tư nước ngoài. Không chỉ dừng ở văn bản liên quan đến thương mại và đầu tư, Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản thực thi Bộ luật Lao động, Luật Thủy sản… để bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động, bảo vệ môi trường trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Hơn nữa, Hiệp định EVFTA đã đem đến các kết quả tích cực về thương mại, mặc dù giai đoạn thực thi hiệp định cũng là giai đoạn thị trường quốc tế chịu tác động của dịch COVID-19 và xung đột ở châu Âu dẫn đến đứt đoạn chuỗi cung ứng và tổng cầu giảm.

So với năm 2019 khi Hiệp định EVFTA chưa được thực thi, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng từ 35,7 tỷ USD lên 43,6 tỷ USD vào năm 2023. Các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam như điện tử, giày dép, nông nghiệp và thủy sản đều có mức tăng trưởng mạnh mẽ. Điều này giúp Việt Nam trở thành đối tác thương mại quan trọng nhất của EU trong khu vực ASEAN.

Tuy nhiên, Việt Nam kỳ vọng Hiệp định EVFTA đem lại lợi ích nhiều hơn là tăng cường xuất khẩu với những mặt hàng Việt Nam đang có lợi thế. Đặc biệt, Hiệp định EVFTA được trông đợi là sẽ góp phần thu hút vốn đầu tư nước ngoài, giúp thiết lập chuỗi cung ứng mới hiện đại và bền vững, tạo ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế.

Trong giai đoạn 4 năm qua, Hiệp định EVFTA đã cũng cố vị thế của Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư EU, thu hút FDI vào Việt Nam. Hơn nữa, EVFTA góp phần đưa EU lên vị trí thứ 6 trong số các nhà đầu tư FDI nhiều nhất vào Việt Nam với 2.450 dự án, tổng số vốn đầu tư hơn 28 tỷ Euro. Tuy nhiên, quan hệ về đầu tư giữa Việt Nam và EU sẽ chỉ phát triển đầy đủ nếu Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam – EU (EVIPA) được tất cả các nước thành viên EU phê chuẩn. Cho đến nay Việt Nam cùng khoảng 2/3 số thành viên EU đã phê chuẩn Hiệp định này nhưng cần các nước EU còn lại phê chuẩn để có thể đưa vào thực thi.

Một khía cạnh ít được chú ý hơn là Hiệp định EVFTA giúp tiếp cận công nghệ cũng như sản phẩm chất lượng từ EU. Bởi EU là nơi có công nghệ nguồn, có thế mạnh với các sản phẩm cơ khí, máy móc thiết bị, dược phẩm... Hiệp định EVFTA là cơ hội để có thể mua được hàng từ EU với chi phí hợp lý hơn, từ đó đem lại lợi ích cho người tiêu dùng và doanh nghiệp. Thế nhưng, do lộ trình cắt giảm thuế của Việt Nam dài hơn EU nên tác động này này cũng đến chậm so với tác động về xuất khẩu.

Cuối cùng, Hiệp định EVFTA là cơ sở để tăng cường hợp tác với các nước thành viên EU cũng như với Vương quốc Anh sau khi Anh rời EU thông qua các cơ chế song phương, khu vực và đa phương. Đơn cử, Italy khi làm chủ nhà, Hội nghị Bộ trưởng Thương mại các nước G7 đã mời Việt Nam tham gia và có bài phát biểu với tư cách nước đã hợp tác chặt chẽ với EU để thúc đẩy phát triển thương mại và đầu tư trên bình diện toàn cầu.

Phóng viên: Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) giữ vai trò như chìa khoá vàng giúp doanh nghiệp mở rộng xuất khẩu, nhất là giúp hàng hoá tận dụng được các ưu đãi thuế quan theo các thoả thuận thương mại từ EVFTA. Vậy hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có những bước tiến như thế nào, thưa ông?

Vụ trưởng Lương Hoàng Thái: Hiệp định EVFTA đưa ra tiêu chuẩn tương đối cao về quy tắc xuất xứ để tránh bên thứ 3 có thể hưởng lợi mà không đầu tư phát triển chuỗi cung ứng Việt Nam – EU. Tuy nhiên với quy mô thị trường EU khá lớn và sự chuẩn bị kỹ lưỡng của doanh nghiệp Việt Nam, khả năng tận dụng ưu đãi trong Hiệp định EVFTA khá tốt so với các FTA khác ở giai đoạn đầu thực thi.

Cụ thể, năm 2023, tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) vào EU là 35,2% kim ngạch xuất khẩu, với giá trị là 15,4 tỷ USD, tăng 26,1% so với năm 2022. Với thị trường phát triển có hàng rào kỹ thuật cao và thuế suất thấp đây được coi là mức tận dụng ưu đãi khá cao.

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp hiểu về EVFTA cao hơn so với các FTA khác, gần 50% doanh nghiệp từng hưởng những lợi ích cụ thể từ EVFTA, kim ngạch xuất khẩu từ Việt Nam sang EU tăng 16,7% vào năm 2022 và gần 20% vào năm 2023.

Phóng viên: Hiệp định EVFTA đã đạt được tiến triển nhưng vẫn còn nhiều thách thức khi bước vào năm thứ 5 của thỏa thuận. Vậy theo ông, thách thức trong năm tới ra sao và Việt Nam cần làm gì để vừa tiếp tục mở rộng thị trường đồng thời tạo ra sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư châu Âu? 

Vụ trưởng Lương Hoàng Thái: Khi Hiệp định đi vào thực thi, ngoài những thuận lợi mà EVFTA mang lại, thách thức cũng không nhỏ. Đối với thị trường EU, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận thị trường này bởi đây là một thị trường với nhiều tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến chất lượng hàng hóa. Những tiêu chuẩn này dù được áp dụng với tất cả các nước nhưng Việt Nam gặp thách thức lớn hơn do trình độ phát triển thuộc loại thấp nhất so với những đối tác đã có FTA với EU trong khu vực.

Cùng đó, ngoài doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu riêng, chưa có chiến lược phù hợp để nâng cao độ nhận diện tại thị trường EU. Một số doanh nghiệp còn chưa nhận thức được đầy đủ, rõ ràng về cơ hội, lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại. Những hạn chế này, ảnh hưởng đến khả năng doanh nghiệp Việt tận dụng ưu đãi của EVFTA để phát triển và mở rộng thị trường tại châu Âu.

Mặt khác, EU đang xây dựng rất nhiều quy định mới về lao động và môi trường để đáp ứng đòi hỏi ngày càng cao của người tiêu dùng. Quá trình này sẽ không tránh được tác động nhất định đến hàng hóa nhập khẩu vào EU.

Cuối cùng, Hiệp định EVFTA sẽ chỉ thành công nếu Việt Nam cùng EU thiết lập được các chuỗi cung ứng mới và có sự gắn kết chặt chẽ hơn giữa doanh nghiệp hai bên. Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVIPA) khi đàm phán là một cấu phần của EVFTA, sau đó được tách ra phê chuẩn riêng nhưng đến nay một số nước EU vẫn đang trong quá trình hoàn tất thủ tục trong nước và chưa thể đưa vào thực thi.

Để vượt qua các thách thức này, một số giải pháp đã được các bộ, ngành thúc đẩy trong Kế hoạch chung được Chính phủ phê duyệt. Trước tiên, Việt Nam quyết tâm tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh thông qua thực hiện những sửa đổi, bổ sung về các quy định pháp luật trong nước, hoàn thiện thể chế nhằm xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, duy trì và mở rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến về EVFTA thông qua các hình thức như tổ chức hội thảo, tọa đàm, tuyên truyền qua sách báo, tạp chí, các ấn phẩm và các trang thông tin điện tử nhằm nâng cao hiểu biết, nhận thức của doanh nghiệp về EVFTA.

Đặc biệt, Việt Nam cũng đang phối hợp với EU để giúp doanh nghiệp có thể đáp ứng được các quy định mới về lao động và môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm do EU ban hành. Cuối cùng, điểm mấu chốt là cần hỗ trợ doanh nghiệp; trong đó có doanh nghiệp vừa và nhỏ cải tiến công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục