6 sàn thương mại điện tử chung tay hỗ trợ tiêu thụ vải thiều Bắc Giang

18:05' - 10/06/2021
BNEWS Chương trình “Chung tay ủng hộ vải Bắc Giang” đã thu hút sự tham gia của 6 sàn thương mại điện tử gồm: Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Voso và Postmart.

Chương trình “Chung tay ủng hộ vải Bắc Giang” do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) chủ trì phối hợp cùng Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Bắc Giang đã thu hút sự tham gia của 6 sàn thương mại điện tử gồm: Sendo, Tiki, Shopee, Lazada, Voso và Postmart.

Trong khuôn khổ chương trình này, sàn thương mại điện tử Tiki (Tiki Ngon) đã hợp tác với đối tác chiến lược BigC/Go (Tập đoàn Central Retail) hay sàn thương mại điện tử Lazada cùng 2 nhà bán lẻ VinMart và FoodMap (chuyên phân phối thực phẩm và trái cây) hướng đến mục tiêu nâng cao trải nghiệm mua sắm an toàn, tiện lợi cho khách hàng ngay tại nhà.

Theo Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, đây là năm đầu tiên có sự kết hợp như vậy trong phương thức phân phối sản phẩm vải thiểu của Bắc Giang.

Trước đây, các nhà nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử thường chủ động nguồn hàng tận gốc hoặc nhập qua doanh nghiệp đầu mối, nhưng cả hai phương thức đều phải chịu chi phí lớn về logistics hoặc lợi nhuận của doanh nghiệp đầu mối.

Trong khi đó, các siêu thị tập trung vào phương thức phân phối truyền thống với năng lực phân phối quy mô lớn của hệ thống siêu thị, nguồn hàng và logistics.

Trước bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, khách hàng đến mua sắm tại hệ thống siêu thị cũng gặp những khó khăn nhất định. Đó là chưa nói đến việc các siêu thị trực tiếp vận hành gian hàng online vốn không phải là lợi thế và có nhiều kinh nghiệm. Do vậy, sự kết hợp giữa siêu thị truyền thống và nhà bán hàng trực tuyến sẽ mang lại nhiều lợi ích cho các bên, nhất là người tiêu dùng.

Theo đó, hệ thống siêu thị có thể tận dụng năng lực vận hành thương mại điện tử cũng như số lượng lớn khách hàng của nhà bán hàng trực tuyến và các nhà bán hàng trực tuyến giảm được chi phí logistics, mở rộng được phạm vi các tỉnh, thành phố có khả năng phân phối và tăng được lượng hàng hóa bán ra.

"Với mô hình này, hai bên tận dụng được những lợi thế của nhau để cùng bắt tay tạo ra lợi thế trong phân phối”, ông Bùi Huy Hoàng, Phó Giám đốc Trung tâm Tin học và Công nghệ số, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết.

Việc kết nối tiêu thụ nông sản trên môi trường trực tuyến được đánh giá là một trong những giải pháp hiệu quả, là cánh tay nối dài bên cạnh phương thức phân phối truyền thống, qua đó giúp bà con nông dân mở rộng thị trường tiêu thụ, tận dụng lợi thế về công nghệ và kết hợp phát triển thị trường thương mại điện tử.

Từ ngày 8/6 đến hết tháng 7/2021, vải thiều Bắc Giang chính thức lên sàn Lazada thông qua 2 gian hàng chính hãng của VinMart, FoodMap cùng với nhiều ưu đãi về giá bán và phí vận chuyển. Toàn bộ nguồn hàng được thu mua, bảo quản, đóng gói theo quy trình nghiêm ngặt tại kho hàng của VinMart và FoodMap, đảm bảo hương vị tươi ngon của loại trái cây đặc sản này.

Đối với sàn thương mại điện tử Tiki, vải thiều Bắc Giang được bán với giá chỉ từ 29.900 đồng/kg cùng các ưu đãi miễn phí vận chuyển và mã giảm giá trực tiếp. Khách hàng tại 26 tỉnh, thành phố trong cả nước có thể dễ dàng mua sắm và ủng hộ vải thiều Bắc Giang trên Tiki thông qua gian hàng của BigC/Go và Central Retail trên Tiki Ngon.

Riêng Hà Nội và TP. HCM, các đơn hàng vải thiều sẽ được giao trong ngày, giúp người tiêu dùng có thể nhanh chóng thưởng thức đặc sản này.

Bên cạnh mục tiêu chính là tạo kênh tiêu thụ bền vững cho nông sản của các địa phương, nhất là những đặc sản vùng miền; khuyến khích tinh thần “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Tiki còn mong muốn chung tay vượt qua thời kỳ khó khăn do dịch bệnh.

Với mỗi đơn hàng Tiki Ngon thành công từ ngày 1 - 15/6, Tiki sẽ trích 5% giá trị mỗi đơn hàng để chung tay cùng đồng bào tỉnh Bắc Giang phòng, chống dịch COVID-19 tại https://tiki.vn/khuyen-mai/vai-bac-giang?tmsx=035c588c-bc0a-4781-8c7c-a52ba0dfcea1

Có thể thấy sự đồng hành của các bộ, ngành, địa phương, các sàn thương mại điện tử và hệ thống siêu thị trong chương trình đã giúp bà con nông dân, các hợp tác xã nhanh chóng tiếp cận với hoạt động chuyển đổi số, dần hoàn thiện phương thức kinh doanh, phân phối đa kênh; đồng thời, đảm bảo an toàn mua sắm trong bối cảnh dịch bệnh.

Đây là hướng đi mới góp phần chuyển giao công nghệ, phân phối hiện đại trong lĩnh vực nông nghiệp và là giải pháp bền vững tiêu thụ hàng hóa nói chung và nông sản nói riêng của các địa phương trong thời gian tới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục