6 tháng đầu năm lực lượng quản lý thị trường đã xử lý 26.537 vụ vi phạm

21:26' - 30/06/2020
BNEWS Trong tháng 6 lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 7.928 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 12.4 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Quản lý thị trường, trong tháng 6 lực lượng quản lý thị trường đã phát hiện, xử lý 7.928 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 12.4 tỷ đồng.

Lũy kế từ ngày 1/1 đến ngày 15/6/2020, lực lượng quản lý thị trường phát hiện, xử lý trên 26.537 vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 173 tỷ đồng, giá trị hàng tịch thu chưa bán hơn 218 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy gần 79 tỷ đồng.

Trong đó, riêng về mặt hàng trang thiết bị y tế dùng để phòng, chống dịch COVID-19 tính từ ngày 31/1 đến thời điểm này, lực lượng quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, giám sát 9.088 cơ sở với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính 4,72 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2020, lực lượng quản lý thị trường đã chuyển cơ quan điều tra 60 vụ, đã khởi tố hình sự 4 vụ, không khởi tố hình sự 13 vụ và đang tiếp tục điều tra 43 vụ; trong đó buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu 22 vụ, gian lận thương mại 8 vụ, hàng giả 22 vụ và vi phạm khác 8 vụ.

Ngoài ra, việc triển khai phòng, chống dịch bệnh mặc dù đại dịch COVID-19 đã cơ bản được kiểm soát, Việt Nam đã bước sang trạng thái “bình thường mới”.

Tuy nhiên, việc phòng chống dịch bệnh vẫn đã và đang được lượng quản lý thị trường cả nước quan tâm, duy trì thực hiện tốt theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và Tổng cục Quản lý thị trường.

Thời gian qua, Tổng cục Quản lý thị trường tiếp tục phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và các đơn vị liên quan để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Qua đó, kịp thời phát hiện, thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm pháp luật của các đối tượng lợi dụng các website, ứng dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đáng lưu ý, đường đây nóng của Tổng cục cũng thu thập được những kết quả hết sức tích cực, trong 6 tháng đầu năm 2020, Tổng cục đã tiếp nhận, chuyển xử lý hơn 700 phản ánh, kiến nghị của người dân.

Chính vì vậy, đa số các cuộc gọi là phản ánh, tố giác tình trạng buôn bán các sản phẩm kém chất lượng qua mạng, hoặc có dấu hiệu lừa đảo khi thực hiện việc giao dịch online; tình trạng gian lận xăng dầu, buôn bán xăng dầu không có giấy phép, bán sai giá quy định; buôn bán thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc.

Cùng đó là các thông tin tố giác của người dân là một nguồn tin quan trọng giúp lực lượng quản lý thị trường nắm bắt tình hình tại địa bàn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những hành vi vi phạm pháp luật; kịp thời chấn chỉnh những tồn tại trong kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm khắc phục, loại bỏ những hạn chế, hoàn chỉnh bộ máy lực lượng quản lý thị trường chính quy, hiện đại, trong sạch, vững mạnh.

Để triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm đạt kết quả cao, ông Trần Hữu Linh- Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường đề nghị toàn lực lượng cần định hướng trọng tâm tập trung tổ chức thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Bộ Công Thương về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Ngoài ra, cần tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội (Facebook, Zalo ...).

Mặt khác, chủ động nắm vững diễn biến tình hình hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách để kịp thời phát hiện, nhận diện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực mặt hàng vi phạm mới nổi để kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý.

Hơn nữa, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân hoạt động thương mại trên thị trường tham gia đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực.

Bên cạnh đó, thực hiện ký cam kết không kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng và kiểm tra đối với những cơ sở kinh doanh đã ký cam kết và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; tăng cường phối hợp với các lực lượng chức năng như Hải quan, Biên phòng, Công an, Thanh tra chuyên ngành...

Đặc biệt, tập trung chỉ đạo, phối hợp triển khai kịp thời các nhiệm vụ do Ban Chỉ đạo 389 quốc gia giao nhằm bảo đảm sự đồng bộ, tạo được sức mạnh tổng hợp từ Trung ương đến địa phương./.

   

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục