9 tháng, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tăng hơn 16%

11:16' - 06/10/2024
BNEWS Lũy kế 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt hơn 578 tỷ USD, tăng trưởng trên 16% so với cùng kỳ năm trước.
Tại cuộc họp báo công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý III và 9 tháng năm 2024, sáng 6/10, tại Hà Nội, lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết, nhiều tín hiệu đáng mừng trong quá trình phục hồi, phát triển kinh tế của nước ta sau bão Yagi. Lũy kế 9 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt hơn 578 tỷ USD, tăng trưởng trên 16% so với cùng kỳ năm trước.

Tính riêng tháng 9, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt 65,8 tỷ USD, giảm 8% so với tháng trước và tăng 10,9% so với cùng kỳ năm trước. Việt Nam vẫn duy trì cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu gần 20,8 tỷ USD sau quý 3, cụ thể xuất khẩu tăng hơn 15 %; nhập khẩu tăng hơn 17%.

 
Đối với hoạt động xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu trong tháng 9/2024 sơ bộ đạt trên 34 tỷ USD, giảm gần 10% so với tháng trước; trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 9,4 tỷ USD, giảm 14,4%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 24,6 tỷ USD, giảm 8%.

So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9 sơ bộ tăng 10,7%; ,trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 16 %; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 8,8%.

Chỉ trong quý 3/2024, kim ngạch xuất khẩu sơ bộ đạt 108,6 tỷ USD, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm trước và tăng 10,6% so với quý 2.

Lũy kế 9 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sơ bộ đạt gần 299,63 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt hơn 83 tỷ USD, tăng gần 21%, chiếm 28% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 216 tỷ USD, tăng 13,4%, chiếm 72%.

Trong 9 tháng năm 2024 có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 92% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm trên 66%).

Đối với hoạt động nhập khẩu, kim ngạch tháng 9/2024 sơ bộ đạt trên 32 tỷ USD, giảm gần 6% so với tháng trước. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt gần 11 tỷ USD, giảm 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt trên 21 tỷ USD, giảm 3,6%. So với cùng kỳ năm trước, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 9 sơ bộ tăng 11%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng trên 8%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 12,5%.

Trong quý 3/2024, kim ngạch nhập khẩu sơ bộ đạt gần 100 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước và tăng 6% so với quý 2/2024.

Tính chung, chín tháng năm 2024, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa sơ bộ đạt gần 279 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt trên 100 tỷ USD, tăng gần 19%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt gần 178 tỷ USD, tăng 16,5%.

Trong 9 tháng năm 2024 có 40 mặt hàng nhập khẩu đạt giá trị trên 1 tỷ USD, chiếm tỷ trọng 91,5% tổng kim ngạch nhập khẩu (có 3 mặt hàng nhập khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 45%).

Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt gần 90 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 105 tỷ USD.

 

Trong 9 tháng năm 2024, xuất siêu sang Hoa Kỳ ước đạt 78,5 tỷ USD tăng 31% so với cùng kỳ năm trước; xuất siêu sang EU ước đạt gần 26 tỷ USD, tăng gần 21%; xuất siêu sang Nhật Bản 2 tỷ USD, tăng gần 29%; nhập siêu từ Trung Quốc hơn 61 tỷ USD, tăng 70%; nhập siêu từ Hàn Quốc trên 22 tỷ USD, tăng 9,2%; nhập siêu từ ASEAN 6,2 tỷ USD, tăng 9,3%.

Cán cân thương mại hàng hóa tháng 9 sơ bộ xuất siêu 2,3 tỷ USD. Tính chung 9 tháng năm 2024, cán cân thương mại hàng hóa sơ bộ xuất siêu 20,79 tỷ USD (cùng kỳ năm trước xuất siêu 22,1 tỷ USD); trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,3 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 38 tỷ USD.

Bà Đinh Thị Thúy Phương, Vụ trưởng Vụ Thống kê Thương mại và Dịch vụ, Tổng cục Thống kê cho biết, có được kết quả như trên, nhờ sự nỗ lực của Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt các bộ ngành, địa phương và sự quyết tâm của doanh nghiệp đã tận dụng các cơ hội của các hiệp định thương mại tự do, tăng cường việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm của Việt Nam ra thị trường quốc tế, đồng thời khẳng định chất lượng hàng hóa của Việt Nam được thế giới tin dùng. Bên cạnh đó phản ánh xu hướng cầu thế giới về một số mặt hàng của Việt Nam tăng, hoạt động sản xuất trong nước phục hồi, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu trong thời gian tới.

Để nâng cao hơn nữa kim ngạch xuất khẩu hàng hóa Việt Nam, Tổng cục Thống kê đề xuất, thời gian tới, các bộ, ngành cần thực hiện đồng bộ và hiệu quả một số nhóm giải pháp như : nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt chú trọng việc truy suất nguồn gốc sản phẩm, giảm giá thành sản phẩm hàng hóa xuất khẩu, nâng cao tính cạnh tranh về giá và chất lượng sản phẩm trên thị trường thế giới, đặc biệt đối với các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương tiếp tục đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền rộng rãi về các ưu đãi tại các Hiệp định FTA, đẩy mạnh xuất khẩu, nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA.

Cùng với đó, tiếp tục đổi mới hoạt động xúc tiến thương mại, trong đó tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình chuyển đổi số trong các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu trong và ngoài nước…/.

Thúy Hiền

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục