ADB: Big Data có thể hỗ trợ hơn 100 tỷ USD cho Đông Nam Á

16:32' - 17/08/2022
BNEWS Theo ADB, big data (dữ liệu lớn) có thể hỗ trợ hơn 100 tỷ USD cho những cơ hội phát triển ở Đông Nam Á, đặc biệt là 5 quốc gia Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines và Thái Lan.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 17/8 cho biết, Big data (Dữ liệu lớn) có thể hỗ trợ hơn 100 tỷ USD cho những cơ hội phát triển ở Đông Nam Á, đặc biệt là 5 quốc gia Campuchia, Indonesia, Myanmar, Philippines và Thái Lan.

 

Trong báo cáo mới ra mắt có tiêu đề “Khai thác tiềm năng dữ liệu lớn ở Đông Nam Á hậu đại dịch”, ADB cho biết việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số để cung cấp phương pháp học tập từ xa và cá nhân hóa, cũng như kết hợp công việc trực tuyến có thể đóng góp 77,1 tỷ USD hàng năm vào Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của các nước Đông Nam Á này vào năm 2030.

Báo cáo cũng cho biết, việc sử dụng phân tích để có những can thiệp về mặt sức khỏe cho các nhóm dân số có nguy cơ có thể dẫn đến mức tăng 15,5 tỷ USD trong GDP của các quốc gia này vào năm 2030.

Báo cáo nhấn mạnh: “Việc áp dụng các hệ thống giám sát từ xa có thể tiết kiệm 9,4 tỷ USD chi phí hàng năm cho hệ thống chăm sóc sức khỏe của các quốc gia Đông Nam Á vào năm 2030 thông qua việc giảm số lần đến bệnh viện, thời gian nằm viện của bệnh nhân và các thủ tục y tế”.

Theo báo cáo, dữ liệu lớn đề cập đến các tập dữ liệu có kích thước vượt quá khả năng thu thập, lưu trữ, quản lý và phân tích của các công cụ phần mềm cơ sở dữ liệu điển hình.

Báo cáo này là báo cáo cuối cùng trong số bốn báo cáo từ một nghiên cứu khu vực được hoàn thành vào năm 2021 và được tài trợ bởi sự hỗ trợ kỹ thuật của ADB về tư vấn chính sách phục hồi kinh tế COVID-19 ở Đông Nam Á.

Trong khi đó, cố vấn ADB kiêm trưởng bộ phận nghiên cứu kinh tế và hợp tác khu vực và đổi mới dữ liệu, Elaine Tan cho biết, để đảm bảo rằng các chính phủ có thể đưa ra các chính sách kịp thời, đặc biệt trong bối cảnh môi trường đầy thách thức hiện nay, họ có thể tận dụng dữ liệu được thu thập từ các cơ quan của họ.

Phát biểu tại một hội thảo trực tuyến cùng với lễ công bố báo cáo, bà khẳng định:  “Nếu họ có thể tích hợp chúng vào một cơ sở dữ liệu chung, điều đó sẽ tạo ra một tiềm năng lớn để xác định nhu cầu của người dân một cách nhanh chóng cũng như trong việc xây dựng các chính sách (phù hợp hơn)”.

Bà Tan cũng lưu ý rằng để xác định một chính sách hoặc chương trình, chính phủ nên đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu tổng hợp thu được từ nhiều hành vi của từng cá nhân, thay vì chỉ tập trung vào một hành vi riêng lẻ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục