ADB gióng hồi chuông cảnh báo về triển vọng tăng trưởng của châu Á

15:14' - 09/04/2025
BNEWS Trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng và đà giảm tốc của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, triển vọng tăng trưởng của châu Á đang đối mặt nhiều thách thức.

Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cảnh báo thuế quan của Mỹ có thể giảm đáng kể tăng trưởng của khu vực. ADB cũng khuyến nghị các quốc gia châu Á tăng cường hợp tác nội khối và đối thoại với Mỹ để giảm thiểu tác động tiêu cực.

ADB cảnh báo thuế quan của Mỹ có thể giảm đáng kể tăng trưởng của khu vực. Ảnh: tribune.com.pk

* Tăng trưởng giảm tốc do thuế quan

ADB cho biết, thuế quan của Mỹ sẽ làm giảm tăng trưởng của khu vực khoảng 0,3 điểm phần trăm vào năm 2025 và 1 điểm phần trăm vào năm 2026.

Trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á được công bố ngày 9/4, với các số liệu được tính toán trước khi Tổng thống Donald Trump công bố về thuế quan vào ngày 2/4, ADB dự báo tăng trưởng ở khu vực châu Á đang phát triển sẽ giảm nhẹ từ mức 5,0% trong năm 2024 xuống 4,9% trong năm 2025 - tốc độ chậm nhất kể từ năm 2022 - và tiếp tục giảm xuống 4,7% vào năm 2026.

Theo định nghĩa của ADB, khu vực châu Á đang phát triển bao gồm 46 quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, trải dài từ Georgia đến Samoa, không bao gồm các quốc gia như Nhật Bản, Australia và New Zealand.

Theo dự báo của ADB, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 4,7% trong năm nay, giảm từ mức 5,0% trong năm 2024 và tiếp tục giảm xuống 4,3% vào năm 2026.

Đông Nam Á, khu vực được hưởng lợi từ xu hướng chuyển dịch thương mại trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung năm 2018, được dự đoán sẽ chứng kiến đà tăng trưởng giảm tốc, với mức tăng 4,7% trong năm nay và năm tới, giảm nhẹ so với mức 4,8% trong năm 2024.

Điểm sáng lại thuộc về Nam Á, nơi mà theo ADB, nhu cầu nội địa mạnh mẽ được dự báo sẽ thúc đẩy tăng trưởng đạt 6,0% trong năm 2025 và 6,2% trong năm 2026, tăng so với mức 5,8% của năm ngoái.

ADB nhận định nhu cầu bán dẫn toàn cầu bền vững sẽ giúp củng cố tăng trưởng ở khu vực châu Á đang phát triển. Lạm phát khu vực này được dự báo sẽ giảm từ mức 2,6% trong năm 2024 xuống 2,3% trong năm nay và 2,2% vào năm tới, do giá dầu toàn cầu và các mặt hàng khác giảm.

ADB cho biết, điều này sẽ cho phép các ngân hàng trung ương tiếp tục nới lỏng tiền tệ, mặc dù với tốc độ chậm hơn, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) được dự đoán sẽ giữ lãi suất ở mức cao trong thời gian dài hơn.

 

* Châu Á chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

Ông Albert Park, chuyên gia kinh tế trưởng của ADB, phát biểu trong một cuộc họp báo trực tuyến rằng các con số dự báo tăng trưởng nói trên có thể sẽ tiếp tục được điều chỉnh giảm trong báo cáo tháng Bảy, khi châu Á được cho là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ thuế quan của Mỹ.

Châu Á chịu ảnh hưởng lớn nhất từ thuế quan của Mỹ do khu vực này tập trung nhiều quốc gia có thặng dư thương mại với Mỹ. Ông Park nhận định rằng nếu Mỹ áp dụng toàn bộ thuế quan, tăng trưởng kinh tế của toàn bộ khu vực châu Á sẽ bị ảnh hưởng đáng kể. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều yếu tố bất định, và một số loại thuế quan có thể được Mỹ xem xét lại.

Ông Park cho biết, ảnh hưởng cuối cùng của thuế quan Mỹ vẫn chưa rõ ràng, vì phạm vi và thời gian áp dụng có thể còn thay đổi do các cuộc đàm phán, khả năng trì hoãn hoặc miễn trừ thuế. Mặt khác, nếu các nước trả đũa mạnh mẽ hơn và căng thẳng thương mại leo thang, tác động tiêu cực sẽ càng lớn. Ngoài ra, quy mô và tốc độ thay đổi chính sách dưới thời chính quyền Mỹ mới có thể làm giảm đầu tư trên toàn cầu và trong khu vực, trong khi tình hình căng thẳng thương mại gia tăng và sự phân mảnh sẽ làm tăng chi phí thương mại và phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Mặc dù Trung Quốc, nền kinh tế lớn nhất châu Á, sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thuế quan, nhưng nước này đã giảm dần sự phụ thuộc vào việc xuất khẩu sang Mỹ. Tuy nhiên, các quốc gia khác trong khu vực đã tăng cường xuất khẩu sang Mỹ để thay thế hàng hóa Trung Quốc, và vì vậy, ADB cảnh báo chính sách thuế quan sẽ ảnh hưởng nặng nề đến các nước này. Theo ADB, khoảng 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực châu Á phụ thuộc vào nhu cầu tiêu dùng cuối cùng tại Mỹ.

Quang cảnh cảng hàng hóa ở California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
* Không nên “ăn miếng trả miếng”

Mặc dù Trung Quốc đã trả đũa các mức thuế của Mỹ, nhưng ADB không kỳ vọng các quốc gia khác sẽ thực hiện các biện pháp tương tự vì điều đó sẽ làm trầm trọng thêm tác động tiêu cực. Chuyên gia kinh tế chính John Beirne cảnh báo rằng các quốc gia cố gắng phá giá tiền tệ một cách cạnh tranh có thể sẽ bị Mỹ áp thuế bổ sung.

Trước tình hình đó, tổ chức đa phương này khuyến nghị các nước trong khu vực nên hợp tác và tăng cường giao thương với nhau, một xu hướng vốn đã đang diễn ra tại châu Á. Ông Park cũng cho rằng các nước này nên chủ động đàm phán và làm việc với Mỹ.

Các quan chức ADB cho rằng chính phủ các nước sẽ cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong nước vượt qua giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của thuế quan, đặc biệt là hỗ trợ những người bị mất việc làm. Tuy nhiên, nếu mức thuế cao được duy trì lâu dài, những nỗ lực hỗ trợ này sẽ không thể kéo dài mãi được.

Các quan chức ADB cũng cảnh báo Ấn Độ không nên coi mức thuế tương đối thấp hơn mà Mỹ áp với nước này là một cơ hội, vì không có gì chắc chắn rằng các mức thuế này sẽ được duy trì. Ông Park cảnh báo cần thận trọng khi cho rằng mức thuế 26% là một điều đáng mừng. Mức thuế này với Ấn Độ thấp hơn mức 54% Mỹ áp với Trung Quốc và 46% với Việt Nam – một đối thủ cạnh tranh sản xuất của Ấn Độ trong khu vực.

Ông Abdul Abiad, Giám đốc Nghiên cứu Kinh tế vĩ mô tại ADB, cho biết các nhà đầu tư có xu hướng thu hẹp đầu tư trong thời kỳ bất ổn và bất kỳ quyết định nào cũng phụ thuộc vào các vấn đề khác như cơ sở hạ tầng, năng lượng, hậu cần và khả năng tiếp cận chuỗi cung ứng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục