ADB phê duyệt khoản vay hơn 1 tỷ USD cho ba nước châu Á

22:18' - 11/12/2024
BNEWS Các khoản vay này tập trung vào quản lý tài chính hiệu quả, phát triển bền vững và nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ngày 11/12 đã phê duyệt các khoản vay tổng cộng 1,2 tỷ USD cho Philippines, Ấn Độ và Pakistan nhằm hỗ trợ cải thiện quản lý tài chính công, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững và hiện đại hóa lưới điện phân phối.

 

Khoản vay 500 triệu USD dành cho Philippines sẽ hỗ trợ chương trình cải cách quản lý tài chính công, bao gồm cải thiện khung ngân sách quốc gia, trao quyền cho chính quyền địa phương và thiết lập hệ thống quản lý tài chính công tại Khu tự trị Bangsamoro ở Mindanao.

Chương trình này cũng thúc đẩy việc phân cấp dịch vụ công một cách công bằng và thiết thực theo phán quyết Mandanas, đồng thời khuyến khích đầu tư địa phương vào khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai.

Cũng với số tiền 500 triệu USD, khoản vay dành cho Ấn Độ thông qua Công ty Tài chính Cơ sở hạ tầng Ấn Độ (IIFCL) sẽ thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng bền vững với môi trường, tập trung vào kết nối, chuyển đổi năng lượng và các lĩnh vực thiếu nguồn lực như dự án đô thị, giáo dục và y tế.

ADB nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giảm thiểu rủi ro do biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng gia tăng tại Ấn Độ.

Đối với Pakistan, ADB đã phê duyệt khoản vay 200 triệu USD để hiện đại hóa cơ sở hạ tầng phân phối điện, giúp các công ty phân phối điện cung cấp điện năng tin cậy hơn.

Dự án này sẽ nâng cấp hệ thống phân phối, giảm tổn thất năng lượng trong quá trình truyền tải và tăng cường khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng trước biến đổi khí hậu và thiên tai.

Dự án sẽ tài trợ cho việc lắp đặt ít nhất 332.000 hệ thống đo đếm thông minh, hệ thống quản lý dữ liệu, truyền thông và ít nhất 15.800 hệ thống giám sát hiệu suất máy biến áp trực tuyến tại ba công ty phân phối điện lớn của Pakistan.

Các khoản vay này thể hiện cam kết của ADB trong việc hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại các quốc gia thành viên, tập trung vào quản lý tài chính hiệu quả, phát triển bền vững và nâng cao chất lượng dịch vụ công cho người dân.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục