Thời điểm vàng để kích cầu nội địa

14:00' - 18/05/2025
BNEWS Kích cầu và thúc đẩy tiêu dùng nội địa được xác định là một trong ba động lực then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2025.
Mặc dù chính sách thuế đối ứng của Hoa Kỳ tạm hoãn 90 ngày nhưng diễn biến này vẫn tiềm ẩn những tác động tới kinh tế Việt Nam. Bên cạnh giải pháp tránh phụ thuộc vào một vài thị trường lớn hay thị trường truyền thống có rủi ro về thuế, việc làm mới các động lực kích cầu tiêu dùng là nhiệm vụ cấp thiết được đặt ra giúp doanh nghiệp có thêm kỳ vọng tăng trưởng và khơi dậy sức mua, tạo sức bật cho thị trường trong nước.

Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh cùng các doanh nghiệp, nhà bán lẻ tập trung vào các chương trình giảm giá, kích cầu tiêu dùng. Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Kích cầu và thúc đẩy tiêu dùng nội địa được xác định là một trong ba động lực then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2025. Ở thời điểm xuất khẩu gặp khó khăn, chú trọng thị trường trong nước đang là chiến lược được nhiều doanh nghiệp hướng tới. Nếu như trước đây, doanh nghiệp dành tỷ trọng 10 - 20% sản xuất cho xuất khẩu thì nay con số này đã lên đến 95% tỷ trọng sản xuất cho thị trường nội địa. Đồng thời, doanh nghiệp còn tìm những nguyên vật liệu phù hợp để có thể giảm giá thành, sản xuất nhiều sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng.
 

Đại diện Tổng Công ty May 10- CTCP cho hay: Trước đây hầu hết các dây chuyền sản xuất để phục vụ đơn hàng xuất khẩu nhưng hiện nay lại tập trung thiết kế mẫu mã mới, mở thêm cửa hàng để phục vụ người tiêu dùng Việt. Ngoài ra, công ty còn tiết kiệm định mức và hoạt động khác cũng như tăng cường đầu tư thiết bị, công nghệ để tăng năng suất lao động, tăng hiệu suất để có giá thành cạnh tranh. 

Theo ông Trần Anh Thắng, thành viên HĐQT Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), thuế quan Hoa Kỳ có thể tạo cơ hội cho hàng Việt thay thế, đưa tiêu dùng nội địa lên ngôi. Bởi khi hàng nhập khẩu đắt đỏ hơn, hàng Việt có thể được ưu tiên, từ đó thúc đẩy tiêu dùng nội địa nếu nguồn cung và chất lượng đảm bảo. Do đó, đây là thời điểm vàng để kích cầu nội địa, thông qua khuyến mãi tiêu dùng hàng Việt.

Ông Phan Văn Chinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) phân tích: Việc phát triển thị trường trong nước có những thuận lợi như tổng ngân sách quốc nội (GDP) quý I/2025 ước tính tăng 6,93% so với cùng kỳ năm 2024 sẽ hỗ trợ cho thu nhập và nhu cầu tiêu dùng trong năm nay. Đồng thời, đầu tư công được đẩy mạnh giúp tăng thu nhập của người lao động trong các ngành xây dựng, hạ tầng qua đó thúc đẩy tiêu dùng.

Cùng với đó, Chính phủ tiếp tục triển khai các chương trình hỗ trợ như giảm thuế giá trị gia tăng (VAT), hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp bán lẻ. Lương tối thiểu tăng, thu nhập khả dụng của người dân được cải thiện cũng giúp chi tiêu nội địa tăng. Ngoài ra, người tiêu dùng ngày càng quen với mua sắm trực tuyến khiến doanh nghiệp dễ tiếp cận khách hàng hơn thông qua các nền tảng số. Nhiều trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi được mở rộng, giúp hàng hóa nội địa dễ dàng tiếp cận người tiêu dùng hơn.

Tuy nhiên, thách thức từ kinh tế toàn cầu có dấu hiệu suy giảm; sự thay đổi hành vi mua sắm từ offline sang online của người tiêu dùng khiến nhiều doanh nghiệp chưa kịp chuyển đổi để đáp ứng xu hướng mới. Mặt khác, doanh nghiệp nhỏ, kinh doanh sản phẩm từ địa phương vẫn gặp khó khi đưa sản phẩm vào hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại bởi chi phí trưng bày cao và thủ tục phức tạp. Hơn nữa, thương mại điện tử xuyên biên giới phát triển mạnh, người tiêu dùng dễ dàng mua hàng trực tiếp từ nước ngoài, ảnh hưởng đến tiêu thụ hàng hóa tại thị trường trong nước.

Theo bà Trần Thị Phương Lan - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, bên cạnh tâm lý thắt chặt chi tiêu và chỉ chú trọng mua sắm mặt hàng thiết yếu phục vụ cho đời sống, tình hình lạm phát, biến động chính trị của thương mại thế giới cũng ảnh hưởng đến tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, hệ thống logistics, hạ tầng thương mại tại các tỉnh, thành phố cũng chưa phát triển được đồng đều làm tăng giá thành và chưa cạnh tranh được với các sản phẩm quốc tế. Điều này làm ảnh hưởng đến chi tiêu, tiêu dùng và tăng trưởng của tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ.

Mới đây, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BCT về việc thực hiện giải pháp tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng năm 2025. Đây cũng là lần đầu tiên Bộ Công Thương giao chỉ tiêu phấn đấu cho các đơn vị thuộc Bộ, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty, các Hiệp hội ngành hàng nhằm quyết tâm đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đạt khoảng 12% theo tinh thần Nghị quyết số 25/NQ-CP ngày của Chính phủ về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên.

Ông Trần Hữu Linh, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước nhấn mạnh đến 4 trọng tâm, then chốt để phát triển thị trường nội địa như hoàn thiện chính sách pháp luật; nâng cao năng lực cho doanh nghiệp; tăng cường giám sát thị trường và xúc tiến thương mại; phát triển hạ tầng thương mại.

Đặc biệt, Cục trưởng Trần Hữu Linh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của việc hoàn thiện chính sách - pháp luật. Đây là nhiệm vụ khó, đòi hỏi sự kiên trì, bài bản do khối lượng công việc lớn và yêu cầu cao về chuyên môn. Tuy nhiên, hiện nay là thời điểm thuận lợi để xây dựng hệ thống pháp lý đồng bộ, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định và dài hạn của thị trường nội địa.

Bên cạnh đó, hệ thống chính sách phát triển thị trường nội địa đã khá đầy đủ, tuy nhiên trong thời gian tới cần tập trung vào Chiến lược phát triển thị trường trong nước; hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; tiêu chuẩn phân loại chợ, siêu thị, trung tâm thương mại; tiêu chuẩn cho trung tâm logistics; quy định về ghi nhãn “Made in Vietnam”; cơ chế nhượng quyền thương mại; và báo cáo thị trường trong nước thường niên. Đặc biệt, các chính sách này cần được rà soát, cập nhật kịp thời để phù hợp với tình hình thực tiễn và yêu cầu mới của thị trường.

"Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm quy trình không cần thiết và ban hành chính sách mang tính đột phá; ưu tiên mở rộng mạng lưới bán lẻ, phát triển mô hình outlet (trực tuyến và trực tiếp), kho bãi và trung tâm logistics là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh, bảo đảm chuỗi cung ứng liền mạch và phục vụ tốt nhu cầu tiêu dùng", ông Trần Hữu Linh khẳng định.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục