ADB tại Việt Nam: Kỳ vọng tăng trưởng giữa bối cảnh bất ổn toàn cầu

11:19' - 09/04/2025
BNEWS Theo ADB, Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách thể chế, tận dụng hiệu quả các FTA và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để củng cố sức chống chịu và duy trì đà tăng trưởng bền vững.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) dự báo kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm 2025 và 6,5% vào năm 2026, sau khi đạt mức tăng 7,1% trong năm 2024. Nhận định này được đưa ra trong báo cáo Triển vọng Phát triển châu Á (ADO) công bố ngày 9/4.

Tuy vậy, ADB cũng cảnh báo về những rủi ro tiềm ẩn khi các dự báo được hoàn tất trước thời điểm Mỹ công bố các biện pháp thuế quan mới. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, từ căng thẳng thương mại đến địa chính trị, các chuyên gia ADB cho rằng Việt Nam cần đẩy nhanh cải cách thể chế, tận dụng hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để củng cố sức chống chịu và duy trì đà tăng trưởng bền vững.

 
* Một số thách thức trong bối cảnh toàn cầu bất định

“Tăng trưởng thương mại mạnh mẽ, sản xuất xuất khẩu phục hồi và dòng vốn FDI dồi dào đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024”, ông Shantanu Chakraborty, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nhận định. “Tuy nhiên, căng thẳng thương mại mới từ Mỹ cùng với bất ổn toàn cầu có thể đặt ra thách thức đáng kể đối với tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay”.

Bối cảnh kinh tế thế giới đang biến động, chịu ảnh hưởng từ các chính sách thuế của Mỹ, căng thẳng địa chính trị, bao gồm xung đột Nga–Ukraine và bất ổn tại Trung Đông. Cùng với đó là sự tăng trưởng chậm lại tại Mỹ và Trung Quốc – hai đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Những yếu tố này có thể tác động bất lợi đến triển vọng kinh tế Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Chakraborty nhấn mạnh rằng mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ Việt Nam có thể giúp giảm thiểu các rủi ro bên ngoài. Việc triển khai nhanh chóng và hiệu quả các cải cách thể chế sẽ là yếu tố then chốt để thúc đẩy cầu nội địa, tăng hiệu quả quản lý nhà nước trong ngắn hạn và thúc đẩy khu vực tư nhân trong trung và dài hạn.

Báo cáo cũng cho rằng tăng cường vai trò của Việt Nam trong các chuỗi cung ứng toàn cầu là một ưu tiên chính sách cấp thiết. Trong bối cảnh các động lực kinh tế toàn cầu đang thay đổi, việc nâng cao giá trị gia tăng trong chuỗi cung ứng sẽ quyết định lộ trình phát triển kinh tế và tiềm năng tăng trưởng dài hạn của Việt Nam.

* Khả năng cạnh tranh tương đối của một quốc gia phụ thuộc nhiều yếu tố

Đánh giá về tác động của các biện pháp thuế quan mới do Mỹ công bố hôm 2/4 đối với Việt Nam, ông Shantanu Chakraborty – Giám đốc Quốc gia của ADB tại Việt Nam – lưu ý rằng các con số dự báo trong báo cáo ADO đã được hoàn tất trước thời điểm Mỹ công bố những biện pháp này. Vì sự kiện vẫn đang diễn biến và chưa rõ toàn bộ chi tiết, nên hiện còn quá sớm để ước tính chính xác mức độ ảnh hưởng về định lượng đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Chakraborty cho rằng khả năng cạnh tranh tương đối của một quốc gia không chỉ phụ thuộc vào thuế quan, mà còn chịu tác động từ nhiều yếu tố khác. Do đó, cần có cái nhìn toàn diện khi đánh giá ảnh hưởng của chính sách mới.

Với những nỗ lực mạnh mẽ trong việc mở rộng hợp tác thương mại, Việt Nam đã ký kết và thúc đẩy thực thi nhiều FTA với các đối tác chủ chốt. Điều này không chỉ giúp Việt Nam nâng cao vị thế trên thị trường quốc tế mà còn tận dụng hiệu quả dòng vốn FDI hiện có để mở rộng hoạt động xuất khẩu.

Trong bối cảnh châu Á đang nổi lên như đầu tàu kinh tế toàn cầu, sự hiện diện tích cực của Việt Nam là một yếu tố quan trọng. Việc triển khai hiệu quả các FTA cùng với nỗ lực đa dạng hóa thị trường xuất khẩu sẽ giúp Việt Nam tăng cường hội nhập kinh tế khu vực và giảm thiểu tác động từ các rủi ro bên ngoài. Theo quan điểm của ADB, đây là những công cụ mạnh mẽ mà Việt Nam có thể khai thác để giảm bớt tác động từ các biện pháp thuế quan mới của Mỹ, đồng thời duy trì đà tăng trưởng bền vững.

Đồng quan điểm với Giám đốc Chakraborty, Chuyên gia kinh tế trưởng của ADB tại Việt Nam, ông Nguyễn Bá Hùng, nhận định rằng xét về tác động định tính đối với dòng vốn FDI, đối với các nhà đầu tư, việc đưa ra quyết định mới lúc này là quá sớm ở thời điểm hiện tại.

Ông Hùng nhấn mạnh rằng, một lợi thế của các nhà đầu tư nước ngoài là họ thường lập kế hoạch và đưa ra quyết định dựa trên triển vọng đầu tư dài hạn. Trong bối cảnh còn nhiều bất định, phản ứng đầu tiên của họ thường là tạm thời "án binh bất động" để theo dõi và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi hành động.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục