Agribank chiếm 50% tỷ trọng cho vay nông nghiệp, nông thôn

14:47' - 30/12/2018
BNEWS Đến cuối năm 2018, tổng dư nợ của Agribank đạt gần 1 triệu tỷ đồng với 4 triệu khách hàng.
Khách hàng giao dịch tại Agribank. Ảnh: Hương Phạm/BNEWS/TTXVN
Theo số liệu từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đến cuối năm 2018, tổng dư nợ của Agribank đạt gần 1 triệu tỷ đồng với 4 triệu khách hàng, trong đó 70% dư nợ của Agribank dành cho nông nghiệp, nông thôn, chiếm 50% dư nợ toàn ngành ngân hàng trong lĩnh vực này.

Phó Tổng giám đốc Agribank Nguyễn Toàn Vượng cho biết, Agribank hiện đang triển khai hiệu quả nhiều chương trình tín dụng chính sách và 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững tại các địa bàn trọng điểm, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, xóa đói giảm nghèo, góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an ninh quốc phòng.

Với mong muốn góp phần đẩy lùi tín dụng đen, bên cạnh những công việc đã triển khai như không ngừng nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi để người dân, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa tiếp cận nguồn vốn, trong năm 2019, Agribank sẽ xem xét bố trí nguồn vốn khoảng 10 ngàn tỷ đồng để cho vay mục đích tiêu dùng hợp pháp, trong đó có các nhu cầu vốn cấp bách trong thời gian ngắn với thủ tục nhanh gọn hướng tới rộng rãi đối tượng khách hàng là bà con tại khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Theo Ngân hàng Nhà nước, dư nợ tín dụng nông nghiệp nông thôn đến cuối tháng 11/2018 ước đạt khoảng 1,69 triệu tỷ đồng, tăng 14,5% so với cuối năm 2017 (cao hơn so với mức tăng trưởng tín dụng chung của nền kinh tế) với hơn 14 triệu lượt khách hàng còn dư nợ; chiếm tỷ trọng gần 24% tổng dư nợ đối với nền kinh tế.

Để tiếp tục đẩy mạnh đầu tư tín dụng đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 55/2015/NĐ-CP với nhiều ưu đãi như: nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên gấp 02 lần so với mức cho vay hiện hành đối với một số đối tượng khách hàng cá nhân, hộ gia đình, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, chính sách xử lý rủi ro đối với khách hàng gặp khó khăn do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng…

Nghị định 116/2018/NĐ-CP ra đời song hành cùng các giải pháp về tín dụng ngân hàng đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn phục vụ sản xuất - kinh doanh và nhu cầu tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp, đặc biệt nâng cao tiếp cận vốn của người nghèo, người có thu nhập thấp ở khu vực nông thôn, góp phần hạn chế việc người dân tìm đến các nguồn vốn không chính thức khác./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục