Agribank đạt lợi nhuận cao nhất từ trước đến nay

16:26' - 17/01/2019
BNEWS Agribank hoàn thành vượt mức 100% kế hoạch đề ra, tiếp tục tạo nền tảng quan trọng để Agribank thực hiện thành công phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016- 2020 tiến tới cổ phần hóa.

Lợi nhuận trước thuế của Agribank đạt mức kỷ lục. Ảnh: TTXVN
Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa cho biết, năm 2018, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 7.525 tỷ đồng, đây là mức cao nhất từ trước đến nay và là sự bứt phá kỷ lục của Agribank so với kế hoạch đề ra 5.700 tỷ đồng.

Ông Tiết Văn Thành, Tổng Giám đốc Agribank cho hay, kết thúc năm 2018, Agribank hoàn thành toàn diện vượt mức 100% kế hoạch đề ra, đạt kết quả đầy ấn tượng, tiếp tục tạo nền tảng quan trọng để Agribank thực hiện thành công phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016- 2020 tiến tới cổ phần hóa.

Cụ thể, tổng tài sản của Agribank đạt gần 1.300.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đạt gần 1.200.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,8%. Quy mô tín dụng và đầu tư đạt trên 1.200.000 tỷ đồng, tăng 14,6% so với năm trước; trong đó, tín dụng đầu tư cho tam nông chiếm 70,5% tổng dư nợ của Agribank.

Nợ xấu theo Thông tư 02/2013/TT-NHNN của Agribank là 1,51%, thấp hơn so với năm 2017; thu hồi nợ sau xử lý 11.936 tỷ đồng, đạt 104% mục tiêu do Hội đồng thành viên đề ra; trích lập dự phòng rủi ro đạt 25.590 tỷ đồng. Tổng nguồn dự phòng xử lý rủi ro còn lại gần 20.000 tỷ đồng, đủ khả năng mua trước hạn toàn bộ nợ đã bán cho VAMC và xử lý kịp thời các khoản nợ xấu phát sinh nếu có trong năm 2019.

Agribank đã cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ theo lộ trình, kế hoạch cơ cấu lại, mạng lưới tiếp tục được sắp xếp lại, hệ thống cơ chế, chính sách được rà soát, chỉnh sửa theo hướng đổi mới trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật hiện hành. Đặc biệt, là cơ chế về lao động, kế hoạch, tài chính, tín dụng đã góp phần nâng cao hiệu quả quản trị điều hành, tạo động lực cho người lao động và hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động kinh doanh.

Ngân hàng cũng chủ động triển khai chuẩn bị cổ phần hóa và sẵn sàng thực thi khi có quyết định phê duyệt; tăng trưởng tín dụng được kiểm soát phù hợp với mục tiêu đề ra. Nguồn vốn huy động tăng trưởng ổn định, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn và sẵn sàng cạnh tranh lành mạnh với các ngân hàng thương mại khác về lãi suất cho vay. Agribank tiếp tục về đích trước thời hạn kế hoạch tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016- 2020.

Trong số 1,7 triệu tỷ đồng toàn ngành ngân hàng đầu tư cho “tam nông”, nguồn vốn Agribank chiếm đến trên 50%. Agribank triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, Agribank đã triển khai đến 100% số xã trên cả nước.

Agribank đã thực hiện giảm lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên và thực hiện nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quan hệ tín dụng đối với khách hàng. Ngay từ đầu năm 2018, Agribank đã chủ động giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên và các chương trình tín dụng của Nhà nước. Ngoài việc giảm lãi suất cho vay, Agribank còn triển khai 5 gói tín dụng ưu đãi đối với khách hàng pháp nhân và cá nhân với lãi suất cho vay thấp hơn từ 1%- 1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường.

Ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch hội đồng thành viên Agribank cho biết, định hướng của Agribank đến năm 2025 là giữ vững vị trí ngân hàng thương mại hàng đầu Việt Nam, có nền tảng công nghệ, mô hình quản trị hiện đại, hoạt động kinh doanh đa năng, hiệu quả, phát triển ổn định và bền vững; giữ vai trò chủ lực về tín dụng, cung cấp các dịch vụ, tiện ích ngân hàng trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Toàn hệ thống Agribank phát huy tinh thần đoàn kết, tăng tốc và bứt phá sẵn sàng cho thời điểm lịch sử chuyển giao từ ngân hàng thương mại 100% vốn Nhà nước sang mô hình ngân hàng thương mại cổ phần, tăng năng lực cạnh tranh và hội nhập sâu rộng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục