Agribank đổi mới với mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và an sinh xã hội

15:33' - 13/08/2020
BNEWS Trong tiến trình 30 năm đổi mới của Việt Nam với nhiều dấu ấn quan trọng về phát triển kinh tế-xã hội và xóa đói giảm nghèo, hoạt động của Agribank đã có nhiều đóng góp tích cực.

Là Ngân hàng Thương mại Nhà nước, trải qua hơn 32 năm xây dựng và phát triển, nhất là giai đoạn 2020- 2025, Đảng bộ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) bám sát và thực thi nghiêm túc chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, lãnh đạo, chỉ đạo Agribank hoàn thành các mục tiêu quan trọng của hai giai đoạn.

Đó là tái cơ cấu, phát huy vai trò tiên phong, chủ lực trong cung ứng tín dụng, sản phẩm dịch vụ ngân hàng tiện ích cho nền kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực “Tam nông”. Điều này, góp phần quan trọng ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội.

*Gắn bó với sứ mệnh “Tam nông”

Gắn với “Tam nông” ngay từ những ngày đầu thành lập, nhận thức Nghị quyết 26-NQ/TW mang tính toàn diện và đầy đủ nhất để giải quyết vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta từ trước đến nay, Đảng ủy Agribank đã chỉ đạo Agribank tiên phong, chủ lực triển khai Chính sách tín dụng về phát triển nông nghiệp, nông thôn (Nghị định 41/2010/NĐ-CP, Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 55) và các chương trình tín dụng chính sách khác. 

Dư nợ đầu tư phát triển “Tam nông” luôn chiếm 70%/tổng dư nợ nền kinh tế của Agribank. Vốn tín dụng Agribank chiếm gần 50% thị phần tín dụng nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam (tín dụng Tam nông hiện chiếm khoảng 25% dư nợ nền kinh tế). Agribank tiên phong, chủ lực triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách, 2 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. 

Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, tín dụng Agribank “phủ kín” đến 100% số xã trên cả nước. Agribank còn được biết đến là Tổ chức tín dụng luôn phát huy vai trò tích cực trong phát triển kinh tế biển. Đây cũng là ngân hàng duy nhất có phòng giao dịch tại 9/13 huyện đảo, hỗ trợ cho 24.000 tàu cá ở 28 địa phương ven biển, phát triển đội tàu công suất lớn hiện đại đánh bắt xa bờ… với quyết tâm cùng hệ thống chính trị triển khai thành công Nghị quyết Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, để đạt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển.

Bên cạnh cung ứng tín dụng, Agribank phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ và kênh phân phối, trong đó với việc phát triển 68.000 tổ vay vốn và các Điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng, triển khai Đề án Thẻ nông nghiệp, nông thôn… Qua đó, góp phần tích cực tạo điều kiện cho người dân khu vực nông thôn, nhất là vùng sâu, vùng xa có cơ hội tiếp cận với nguồn vốn và các dịch vụ tài chính ngân hàng, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. 

Từ nhận thức đến hành động cụ thể, Agribank cam kết tiếp tục chủ động chuẩn bị đầy đủ nguồn vốn để đáp ứng nhu cầu cho vay nông nghiệp, nông thôn, quan tâm đến việc đổi mới phương thức cho vay, cải tiến quy trình, đơn giản thủ tục cho vay. Cùng đó, tiết kiệm chi phí cho vay để hạ lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội để đóng góp nhiều hơn nữa đối với sự nghiệp phát triển “Tam nông”.

* Nỗ lực mục tiêu giảm nghèo bền vững

Trong tiến trình 30 năm đổi mới của Việt Nam với nhiều dấu ấn quan trọng về phát triển kinh tế xã hội và xóa đói giảm nghèo, hoạt động của Agribank đã có nhiều đóng góp tích cực. Hưởng ứng chủ trương giảm nghèo bền vững, thông qua nhiều chương trình, hành động thiết thực, Agribank đang tích cực chung tay cùng ngành ngân hàng đưa mục tiêu giảm nghèo bền vững trở thành hiện thực tại Việt Nam.

Trên khắp 63 tỉnh, thành cả nước, thông qua nguồn vốn tín dụng, Agribank đã và đang tích cực đồng hành cùng các địa phương có những chuyển biến tích cực về phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự dịch chuyển về cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đem đến nhiều cơ hội phát triển sản xuất, kinh doanh cho người nông dân.

Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2018 của Chính phủ về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo, từ năm 2015 đến nay Agribank đã cho vay gần 220 nghìn lượt khách hàng; doanh số cho vay đạt trên 6.000 tỷ đồng, dư nợ cho vay tại thời điểm 30/6/2020 là 690 tỷ đồng/trên 10 nghìn khách hàng, đã hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay vốn trên 530 tỷ đồng.

Đặc biệt, Agribank đã triển khai hỗ trợ 160 tỷ đồng cho hai huyện nghèo Mường Ảng và Tủa Chùa thuộc tỉnh Điện Biên. Từ đó, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn và đem đến cuộc sống mới khởi sắc cho người dân nơi đây.

Với mong muốn cùng các địa phương phát triển bền vững, tiếp tục làm tròn sứ mệnh “Tam nông”, trên cơ sở bám sát kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, trong giai đoạn 2015 - 2020, Agribank xác định tiếp tục chú trọng nâng cao chất lượng tín dụng, kiên định mục tiêu phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững. 

Agribank không ngừng nỗ lực cải tiến quy trình, phương pháp cho vay, tiết giảm chi phí để có lãi suất thấp hỗ trợ và mở rộng đầu tư tín dụng cho “Tam nông” thông qua đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc cùng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc như về hạn mức vay vốn, kỳ hạn trả nợ, tài sản thế chấp…

Đồng thời, cung ứng nhiều sản phẩm dịch vụ tiện ích đối với khách hàng, nhất là khách hàng khu vực nông thôn, triển khai mở rộng cung ứng các sản phẩm dịch vụ ngân hàng gắn với nông nghiệp, nông thôn. Ngoài ra, khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất quy mô lớn, nông nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao… 

Bên cạnh việc chủ động triển khai thực hiện các hoạt động tín dụng chính sách, Agribank cũng tích cực tham gia nhiều dự án nước ngoài đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được triển khai ở Việt Nam. Agribank đã  triển khai thực hiện hàng chục dự án tín dụng quốc tế từ các nhà tài trợ WB, ADB, AFD, KFW...

Cùng đó, tham gia Dự án xóa đói giảm nghèo KFW pha I, II, III từ năm 1995 và là ngân hàng thương mại duy nhất tại Việt Nam giải ngân nguồn vốn dự án, Agribank đã góp phần tạo thêm trên 120 nghìn việc làm cho người lao động; đưa nguồn vốn tới tận tay các hộ nông dân nghèo, giúp xóa đói giảm nghèo cho gần 316 nghìn lượt hộ trên cả nước. 

Mỗi năm bằng tài chính của Ngân hàng, Agribank dành hàng ngàn tỷ đồng để hỗ trợ cho vay lãi suất thấp đối với các đối tượng ưu tiên trong sản xuất nông nghiệp; tài trợ xây dựng hàng trăm trường học, trạm y tế, hàng nghìn nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo từ quỹ phúc lợi và đóng góp của cán bộ, nhân viên trong toàn hệ thống.  

*Tái cơ cấu thành công

Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của Đảng ủy Agribank, nhất là đối với quá trình triển khai tái cơ cấu, Agribank từ một ngân hàng truyền thống đang dần thay đổi tích cực với hình ảnh ngân hàng thương mại hiện đại, liên tục tăng trưởng, luôn khẳng định vai trò chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”, có nhiều đóng góp tích cực đối với công cuộc phát triển kinh tế- xã hội đất nước.

Thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 53/QĐ-NHNN ngày15/11/2013 của Thống đốc NHNN, Đảng ủy Agribank đã lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng và thực hiện thành công tái cơ cấu giai đoạn 1 (2013- 2015) và tái cơ cấu giai đoạn 2 cũng là thực hiện Chiến lược kinh doanh giai đoạn 2016- 2020 gắn với xử lý nợ xấu và quá trình cổ phần hóa. Đến nay, Agribank đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng của hai giai đoạn tái cơ cấu.

Hoạt động kinh doanh chuyển biến tích cực, quy mô kinh doanh được mở rộng, chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao. Các chỉ tiêu kinh doanh cơ bản như tổng tài sản, dư nợ tín dụng, tổng nguồn vốn, lợi nhuận, kinh doanh dịch vụ đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Các tỷ lệ an toàn hoạt động đảm bảo theo quy định của NHNN, xử lý nợ xấu đạt nhiều hiệu quả tích cực…. 

Triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, cuối năm 2019, Agribank đã hoàn thành việc mua lại trước hạn toàn bộ các khoản nợ đã bán cho VAMC, được đánh giá là một trong số các ngân hàng có kết quả xử lý nợ xấu tốt nhất hệ thống tổ chức tín dụng. 

Bước sang giai đoạn 2020- 2025, trong bối cảnh thuận lợi, thách thức đan xen, tình hình thế giới và khu vực dự báo tiếp tục có sự thay đổi nhanh chóng, khó lường; cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số ngày càng phát triển đặt ra những thách thức đối với ngành ngân hàng nói chung và Agribank nói riêng, nhiệm vụ đặt ra rất lớn đối với Đảng bộ Agribank.

Đó là không ngừng nâng cao vai trò, năng lực lãnh đạo; đẩy mạnh đổi mới, sáng tạo; lấy khoa học công nghệ là khâu đột phá, đổi mới mô hình quản trị, nâng cao hiệu quả hoạt động, giữ vững vị trí chủ lực trong đầu tư phát triển “Tam nông”. Từ đó, góp phần quan trọng thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô và phát triển kinh tế- xã hội đất nước.

Tiếp nối những thành quả đạt được trong giai đoạn 2015-2020 và hơn 32 năm xây dựng và phát triển, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, không ngừng nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thách thức với tinh thần trách nhiệm cao, Đảng bộ Agribank, các cấp uỷ, tổ chức đảng và mỗi cán bộ đảng viên, người lao động Agribank vững niềm tin. 

Từ đó, chung sức đồng lòng, hăng hái thi đua, lao động sáng tạo, ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi, toàn diện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Agribank lần thứ X, cùng dựng xây Agribank phát triển bền vững và hội nhập. Đồng thời, tiếp tục hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vì “Tam nông”. Điều này, góp phần tích cực đưa nền kinh tế nước ta tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, chủ động hội nhập sâu rộng hơn nền kinh tế thế giới./.

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục