Agribank hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia bằng những hành động cụ thể

16:58' - 24/09/2020
BNEWS Với thế mạnh cung ứng dịch vụ tài chính vi mô tốt nhất Việt Nam, dư nợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm 70% dư nợ nền kinh tế của Agribank

Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định 149/QĐ-TTg ngày 22/1/2020.

Mục tiêu của Chiến lược đó là mọi người dân và doanh nghiệp được tiếp cận, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ tài chính một cách thuận tiện, phù hợp nhu cầu, với chi phí hợp lý, được cung cấp một cách có trách nhiệm và bền vững; trong đó chú trọng đến nhóm người nghèo, người thu nhập thấp, người yếu thế, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ. 

Ở tầm nhìn chính sách, Ngân hàng Nhà nước đã xác định tài chính vi mô là một mũi nhọn trong mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Một khía cạnh trong đó được đẩy mạnh những năm gần đây là tín dụng cho nông nghiệp và nông thôn, lĩnh vực gắn với sứ mệnh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank). 

Agribank đang nỗ lực cùng ngành Ngân hàng hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia với mục tiêu góp phần nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính ngân hàng cho người dân và doanh nghiệp.

Từ đó tiếp tục đóng góp tích cực, hiệu quả hơn nữa vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng sinh kế cho người dân và phát triển doanh nghiệp; hỗ trợ ổn định tài chính và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Với thế mạnh cung ứng dịch vụ tài chính vi mô tốt nhất Việt Nam, dư nợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn luôn chiếm 70% dư nợ nền kinh tế của Agribank; chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ gần 2 triệu tỷ đồng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Việt Nam (tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn chiếm tỷ trọng khoảng 25% dư nợ tín dụng nền kinh tế). 

Kiên định đồng hành cùng nông nghiệp, nông thôn và nông dân và chủ lực đầu tư nguồn vốn trên lĩnh vực này, Agribank luôn khẳng định được vai trò chủ lực của Tổ chức tín dụng trong việc hỗ trợ mọi người dân và doanh nghiệp, nhất là người nghèo, người có thu nhập thấp, người dân khu vực nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận các dịch vụ tài chính, ngân hàng một cách thuận tiện và phù hợp. 

Là ngân hàng thương mại do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, Agribank luôn khẳng định vị trí dẫn đầu trong thực hiện các chủ trương, chính sách, chương trình của Đảng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước không chỉ có ý nghĩa về mặt kinh tế, mà còn có ý nghĩa quan trọng về mặt chính trị, khi là “cầu nối” đưa chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với nhiều hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác trên cả nước, để họ có cơ hội được tiếp cận và hưởng lợi từ nguồn vốn ưu đãi chính thức của Nhà nước. 

Trong hệ thống tổ chức tín dụng, Agribank vượt lên dẫn đầu về cho vay hộ sản xuất và cá nhân với tốc độ tăng trưởng lĩnh vực này đạt trung bình 12-13%/năm, đồng thời tăng dần tỷ trọng cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa với mục đích hỗ trợ các loại hình kinh tế này phát huy vai trò chính trong việc tạo ra lượng hàng hóa lớn để phục vụ xuất khẩu trong lĩnh vực nông nghiệp. 

Thực tế cho thấy, hàng triệu người dân trên cả nước được thụ hưởng chính sách ưu đãi của Đảng, Chính phủ từ việc Agribank triển khai hiệu quả 7 chương trình tín dụng chính sách và 2 Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo bền vững.

Riêng cho vay xây dựng nông thôn mới, Agribank đã triển khai đến 100% số xã trên toàn quốc (gần 9.000 xã).

Cùng với thực hiện cho vay theo chủ trương của Chính phủ, để tạo thuận lợi, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiếp cận vốn vay và sử dụng dịch vụ ngân hàng, Agribank còn chủ động giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng, xây dựng và ban hành nhiều gói tín dụng ưu đãi đối với các lĩnh vực ưu tiên, các chương trình tín dụng chính sách với lãi suất cho vay ngắn hạn thấp hơn trần quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cùng với đó, ngân hàng tìm mọi cách đơn giản hóa thủ tục cho vay, cải tiến mô hình, phương thức cho vay, kết hợp với chính quyền địa phương, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các tổ chức chính trị - xã hội triển khai trên 68.000 tổ vay vốn với gần 1,5 triệu thành viên; triển khai an toàn các điểm giao dịch lưu động bằng ô tô chuyên dùng với gần 8.200 phiên giao dịch, phục vụ hơn 800 nghìn khách hàng tại trên 400 xã trên toàn quốc; Cho vay chương trình tín dụng tiêu dùng góp phần hạn chế tín dụng đen.

Bên cạnh cung ứng vốn, Agribank bền bỉ nỗ lực “phủ sóng” sản phẩm dịch vụ ngân hàng đến mọi địa bàn, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.

Trên 200 sản phẩm dịch ngân hàng tiện ích đáp ứng nhu cầu đa dạng của mọi người dân được Agribank cung ứng thông qua các kênh phân phối truyền thống (gần 2.300 chi nhánh, phòng giao dịch) và các kênh phân phối hiện đại.

Với mục đích gia tăng sự tiếp cận nguồn vốn, dịch vụ ngân hàng của các cá nhân, gia đình trên địa bàn nông thôn, đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, năm 2019 Agribank chính thức triển khai Đề án đẩy mạnh phát triển dịch vụ thẻ tại thị trường nông nghiệp, nông thôn.

Sau một thời gian triển khai đến khách hàng cá nhân, hộ sản xuất kinh doanh tại địa bàn nông nghiệp, nông thôn, Agribank đã phát hành 75.500 thẻ ATM, lắp đặt mới 1.732 POS.

Theo lãnh đạo Agribank, trong Chiến lược phát triển gắn với quá trình cổ phần hóa, Agribank kiên định mục tiêu  lấy nông nghiệp, nông dân, nông thôn là địa bàn chiến lược, khách hàng cá nhân, doanh nghiệp vừa và nhỏ là phân khúc chính.

Đây là cơ sở vững chắc để Agribank quyết tâm cùng Chính phủ, các ngành, các cấp, người dân và doanh nghiệp hiện thực hóa, triển khai hiệu quả Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

Điều này rất có ý nghĩa khi ở Việt Nam còn một tỷ lệ đáng kể người dân chưa có tài khoản tại ngân hàng, đặc biệt ở vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa và khá nhiều người trong số đó chưa tiếp cận các dịch vụ tài chính.

Lãnh đạo Agribank cũng cho biết, hiện thực hóa Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia bằng những hành động cụ thể, thời gian tới, Agribank tiếp tục nỗ lực cùng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện việc phổ cập, giáo dục kiến thức tài chính cộng đồng, nhất là đối tượng học sinh phổ thông; phát triển các dịch vụ ngân hàng điện tử, ngân hàng kỹ thuật số; đơn giản hóa thủ tục hành chính; nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngân hàng lưu động./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục