Agribank nỗ lực hiện thực hoá “mục tiêu kép”

16:57' - 13/05/2020
BNEWS Agribank đã quán triệt các đơn vị trong toàn hệ thống triển khai nghiêm túc các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 với phương châm “Khẩn trương - Chặt chẽ - Đúng đối tượng”.

Bằng các chính sách và giải pháp đồng bộ, Chính phủ đang huy động tổng lực các nguồn lực, quyết liệt thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa chiến thắng dịch COVID-19, vừa phát triển kinh tế- xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân. Với vai trò quan trọng của nguồn vốn trong việc “hà hơi tiếp sức” cho doanh nghiệp, ngành ngân hàng, trong đó có Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) đã và đang quyết liệt triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm hiện thực hóa “mục tiêu kép”, góp phần đưa sản xuất, kinh doanh hồi phục nhanh sau dịch bệnh.

Trước chủ trương tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch COVID- 19, quán triệt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Agribank đã sớm triển khai chương trình tín dụng dành 100.000 tỷ đồng cho vay ưu đãi hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để phục hồi, ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh.

Chương trình này được Agribank áp dụng cho các khoản vay giải ngân từ ngày 1/4/2020 đến thời điểm sau 3 tháng kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch COVID-19 hoặc đến khi giải ngân hết gói tín dụng này. Khách hàng là đối tượng của chương trình sẽ được áp dụng lãi suất thấp hơn 1% (đối với khoản vay bằng Đồng Việt Nam) và thấp hơn 0,5% (đối với khoản vay bằng ngoại tệ) so với lãi suất cho vay cùng loại.

Ông Nguyễn Trọng Chí, Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Bắc Ninh cho biết, thực hiện chủ trương hỗ trợ các doanh nghiệp của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và ngân hàng chủ quản, Agribank chi nhánh Bắc Ninh đã chủ động rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn; trong đó, lưu ý các khách hàng hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu… Đồng thời, áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng, thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay; miễn, giảm phí giao dịch ngân hàng điện tử...

Theo đó, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh có nhiều doanh nghiệp giảm hoặc không tiêu thụ được sản phẩm, hàng hóa, dẫn đến hàng hóa tồn kho tăng. Ngoài ra, các doanh nghiệp thiếu nguyên, vật liệu phục vụ sản xuất, phụ tùng, thiết bị doanh nghiệp phải sản xuất cầm chừng hoặc ngừng sản xuất. Một số doanh nghiệp ngừng hoặc giảm quy mô sản xuất do thiếu lao động.

Cụ thể, chi nhánh tỉnh Bắc Ninh rà soát có 96 doanh nghiệp đang vay vốn tại Agribank chi nhánh Bắc Ninh chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 với dư nợ ảnh hưởng gần 1.700 tỷ đồng. Bước đầu, chi nhánh đã thực hiện cơ cấu cho 10 khách hàng với dư nợ được giữ nguyên nhóm nợ sau cơ cấu 129 tỷ đồng; áp dụng cho vay lãi suất ưu đãi giảm 2% cho 34 khách hàng, dư nợ giải ngân mới đạt 98 tỷ đồng.

Cùng với Bắc Ninh, các chi nhánh Agribank trên cả nước đã và đang chủ động, tích cực làm việc với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, kịp thời áp dụng các biện pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ; xem xét miễn, giảm lãi tiền vay; linh hoạt đối tượng đầu tư thay thế phù hợp; cân đối, đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn, cho vay mới nhằm duy trì và ổn định sản xuất, kinh doanh.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2020, doanh số cho vay nền kinh tế của Agribank đạt 481.000 tỷ đồng, bình quân cho vay mới 120.000 tỷ đồng/tháng. Đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Agribank ưu tiên tập trung thực hiện miễn giảm lãi và hạ lãi suất cho 27.500 khách hàng, với dư nợ 45.165 tỷ đồng, trong đó: Đã thực hiện miễn giảm lãi cho 500 khách hàng, dư nợ 5.165 tỷ đồng; Hạ lãi suất 27.000 khách hàng, dư nợ 40.000 tỷ đồng.

Triển khai chương trình tín dụng 100.000 tỷ đồng hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, đến nay, Agribank đã giải ngân được trên 10.030 tỷ đồng cho 6.043 khách hàng.

Hiện nay, Agribank đang tiếp tục phối hợp cùng khách hàng rà soát đánh giá mức độ ảnh hưởng để có tư vấn, giải pháp hỗ trợ phù hợp nhằm sớm phục hồi sản xuất kinh doanh, cùng tái khởi động nền kinh tế.

Ông Phạm Hoàng Đức - Thành viên phụ trách Hội đồng Thành viên Agribank cho biết, Agribank đã quán triệt các đơn vị, chi nhánh trong toàn hệ thống tiếp tục triển khai nghiêm túc các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng dịch COVID-19 với phương châm “Khẩn trương - Chặt chẽ - Đúng đối tượng”.

Song song việc triển khai có hiệu quả các biện pháp mở rộng tín dụng nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế khôi phục sản xuất kinh doanh, đơn giản hóa quy trình thủ tục nội bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn, các chi  nhánh trong toàn hệ thống cần tăng cường công tác kiểm tra kiểm soát, kiên quyết không hạ chuẩn tín dụng dẫn đến phát sinh về nợ xấu, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng chính sách, gây khó khăn, phiền hà, thiếu trách nhiệm trong thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng.

Cùng với đó, Ban Điều hành Agribank đề nghị các chi nhánh trong toàn hệ thống thực hiện nghiêm túc việc cắt giảm chi phí hoạt động, tiếp tục vận động cán bộ, người lao động tiếp tục phát huy truyền thống “Ngân hàng vì cộng đồng”, thực hiện tốt các hoạt động an sinh xã hội để tập trung ưu tiên hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế; có các biện pháp xử lý nghiêm đối với các đơn vị, cá nhân cố tình gây chậm trễ, trục lợi. Bên cạnh đó, tăng cường công tác truyền thông, thông tin đầy đủ các chương trình, chính sách hỗ trợ; công bố rộng rãi đường dây nóng, kịp thời tiếp nhận, xử lý vướng mắc, trả lời thỏa đáng cho khách hàng./.

 

 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục