Agribank tiếp tục vươn lên vị trí ngân hàng được gửi tiền nhiều nhất Việt Nam

15:26' - 08/04/2025
BNEWS Huy động vốn từ dân cư và tổ chức (không bao gồm tổ chức tín dụng) của Agribank luôn đứng đầu thị trường.

Báo cáo của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) vừa được công bố cho thấy, tính đến hết quý I/2025, để đáp ứng cho vay nền kinh tế trong năm 2025, tiền gửi khách hàng tại Agribank đã đạt gần 2,1 triệu tỷ đồng, tiếp tục vươn lên vị trí ngân hàng được gửi tiền nhiều nhất Việt Nam.

Kết thúc năm 2024, tổng tài sản của Agribank đạt hơn 2,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,3% so với cuối năm 2023. Tiền gửi khách hàng đạt hơn 1,9 triệu tỷ đồng, tăng 5,3%. Cho vay khách hàng đạt 1,72 triệu tỷ đồng, tăng 11%. Đây cũng là năm kết quả hoạt động kinh doanh của Agribank đạt cao nhất sau 4 năm triển khai Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021-2025. 

Agribank hiện đứng thứ nhì hệ thống về thị phần huy động và cho vay. Việc Agribank giảm tiền gửi khách hàng cuối năm 2024 là nhằm kiểm soát tốc độ tăng trưởng nguồn vốn, cơ cấu lại nguồn vốn góp phần giảm chi phí đầu vào dành nguồn lực để giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng và kích thích tăng trưởng của nền kinh tế những tháng cuối năm 2024. Huy động vốn từ dân cư và tổ chức (không bao gồm tổ chức tín dụng) của Agribank luôn đứng đầu thị trường.

Tổng thu nhập hoạt động của Agribank năm 2024 đạt 86.496 tỷ đồng; tăng gần 14% so với năm trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần đạt 66.554 tỷ đồng, tăng 19,3% so với năm trước. Thu nhập lãi thuần tăng chủ yếu nhờ ngân hàng kiểm soát tốt vốn đầu vào, cả về tốc độ tăng trưởng và lãi suất (năm 2024 tín dụng của Agribank tăng 11% trong khi huy động vốn chỉ tăng 5,3%). 

Trong năm, dù thu nhập từ lãi và thu nhập tương tự của ngân hàng giảm 8,5% (năm 2024 Agribank có 4 lần giảm lãi vay để hỗ trợ khách hàng) trong khi chi phí lãi và chi phí tương tự của ngân hàng giảm tới gần 25%, giúp lãi thuần tăng trưởng tốt.   

Phát huy những kết quả đã đạt được, ngay từ những tháng đầu của năm 2025, Agribank tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng gắn với kiểm soát tốt chất lượng tín dụng, đảm bảo tăng trưởng thực chất, bền vững; đồng thời chú trọng, chủ động công tác nguồn vốn để tận dụng điều kiện huy động vốn thuận lợi, đảm bảo cân đối vốn ngay từ cơ sở, đáp ứng kịp thời nhu cầu tăng trưởng tín dụng. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục