Agribank Vĩnh Phúc: Đồng hành cùng các chương trình nông nghiệp trọng điểm

12:03' - 24/01/2022
BNEWS Tính chung trong năm 2021, Agribank Vĩnh Phúc đã miễn giảm thực cho khách hàng 56,5 tỷ đồng. Đây là số tiền khá lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong bối cảnh khó khăn của kinh tế năm qua.

Trong bối cảnh khó khăn do những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, nhờ chủ động các giải pháp và kịch bản điều hành, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc vẫn đạt kết quả kinh doanh toàn diện và là chi nhánh đứng thứ ba toàn hệ thống chi nhánh loại I của Agribank Việt Nam.

Ông Trần Đức Long - Phó Giám đốc Agribank Chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc đã chia sẻ với phóng viên.

PV: Năm 2021 Agribank Chi nhánh Vĩnh Phúc đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành tất cả các chỉ tiêu kế hoạch được giao trong một năm đầy khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh. Ông có thể cho biết những kết quả cụ thể của Chi nhánh trong năm qua?

Ông Trần Đức Long: Năm 2021 là một năm đặc biệt khó khăn đối với kinh tế Việt Nam trước những ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19. Sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp đều bị gián đoạn. Trong bối cảnh đó, tình hình kinh doanh và thực hiện nhiệm vụ của Agribank Chi nhánh Vĩnh Phúc cũng chịu ảnh hưởng. 

Tuy nhiên, với sự nỗ lực và quyết tâm, chúng tôi cũng xây dựng nhiều giải pháp và kịch bản điều hành quyết liệt. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chủ động, tích cực đồng hành với doanh nghiệp và khách hàng nên hoạt động kinh doanh năm 2021 đạt kết quả khá toàn diện. 

Trên lĩnh vực huy động vốn, tính đến ngày 31/12/2021, toàn Chi nhánh huy động đạt 10.600 tỷ đồng. Nguồn vốn huy động này chủ yếu nằm trong dân cư trên địa bàn nên khá ổn định. Đây cũng là điều kiện để chúng tôi đầu tư phát triển các dự án kinh tế trên địa bàn tỉnh. 

Về đầu tư tín dụng cho phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, trong năm qua, chúng tôi đã đầu tư 12.053 tỷ đồng, tăng trưởng so với đầu năm là 2.400 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng là 24,8%. Mặc dù dịch COVID-19 ảnh khá nghiêm trọng, tuy nhiên chúng tôi đã sớm có những giải pháp kinh doanh phù hợp, thích ứng với điều kiện dịch bệnh. 

Cụ thể, ngay từ đầu năm, chúng tôi đã tranh thủ tối đa cơ hôi, tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm những dự án kinh doanh tốt để đầu tư nên Chi nhánh vẫn đạt tăng trưởng tín dụng tốt.

Bên cạnh tăng trưởng tín dụng, nợ xấu được kiểm soát tốt với tỷ lệ nợ xấu là 0,85%. Đây cũng là tỷ lệ nợ xấu trong mức cho phép và chúng tôi cũng rất tin tưởng quản trị nợ xấu một cách an toàn. Ngoài ra các chỉ tiêu kinh doanh khác Agribank Vĩnh Phúc cũng hoàn thành vượt mức Agribank giao. 

 

PV: Thưa ông, đóng chân trên địa bàn công nghiệp khá phát triển, nhưng tỷ lệ dư nợ tín dụng của Agribank Vĩnh Phúc vẫn thể hiện sự gắn bó chặt chẽ với nông nghiệp - nông thôn và nông dân. Ông có thể cho biết những kết quả cụ thể của chính sách tín dụng nông nghiệp, đặc biệt là đối với các chương trình trọng tâm của tỉnh Vĩnh Phúc hiện nay như chương trình nông nghiệp công nghệ cao, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)?

Ông Trần Đức Long: Trong hoạt động tín dụng, Agribank Vĩnh Phúc luôn chú trọng tập trung đầu tư cho vay nông nghiệp nông thôn với tỷ lệ dự nợ trong lĩnh vực này lên tới 74% tổng dư nợ toàn Chi nhánh. Đây vừa là định hướng kinh doanh, đồng thời cũng là nhiệm vụ chính trị gắn với sứ mệnh Tam nông của Agribank.

Đối với cho vay nông nghiệp nông thôn, chúng tôi cũng chủ động trong tìm kiếm khách hàng, tìm kiếm những phương án hiệu quả để đầu tư vốn, đặc biệt những phương án, dự án sản xuất, kinh doanh liên quan đến Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn.

Mới đây, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai đề án phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Chúng tôi coi đây là cơ hội, đồng thời cũng là trách nhiệm của Agribank trong đầu tư tín dụng. Hiện nay, riêng cho vay theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, chúng tôi đầu tư 5.600 tỷ đồng. Chương trình OCOP chúng tôi đầu tư cho vay phát triển 15 sản phẩm với hạn mức đầu tư năm 2021 là 18 tỷ đồng, đến cuối năm 2021 dự nợ còn 12 tỷ đồng. 

Theo chúng tôi, đây là chương trình rất có ý nghĩa đối với việc phát triển các sản phẩm có thế mạnh của địa phương và Agribank Vĩnh Phúc cam kết sẽ tiếp tục đồng hành với ngành nông nghiệp nói chung và bà con nông dân nói riêng trong các chương trình phát triển nông nghiệp nông thôn trọng điểm của địa phương… 

PV: Những năm qua, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng rất lớn tới phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn. Agribank Vĩnh Phúc đã thực hiện chủ trương hỗ trợ như thế nào đối với doanh nghiệp và nông dân?

Ông Trần Đức Long: Đồng hành với khách hàng, chúng tôi thực sự thấu hiểu những khó khăn do tác động của dịch COVID-19 trong năm qua. Dưới sự chỉ đạo của các cấp, các ngành và đặc biệt dưới sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước và Agribank Việt Nam, chúng tôi đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn. 

Với khách hàng, chúng tôi đã rà soát cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ. Đây là một trong những giải pháp rất hiệu quả giúp khách hàng giảm được sức ép trả nợ, đồng thời vẫn duy trì được sản xuất. Chúng tôi đã cơ cấu nợ cho khoảng gần 200 khách hàng với dư nợ 200 tỷ đồng.

Thứ hai, chúng tôi đã giảm lãi suất đồng loạt cho khách hàng theo chủ trương của Agribank Việt Nam. Tính cả năm 2021 chúng tôi giảm lãi cho khoảng 21.000 khách hàng đang vay vốn tại Agribank Chi nhánh Vĩnh Phúc với số tiền lãi suất thực giảm là trên 41,2 tỷ đồng.

Theo chúng tôi đánh giá, đây là một trong những chủ trương, biện pháp rất chủ động, kịp thời của Agribank trong việc hỗ trợ khách hàng, đồng thời cũng thể hiện trách nhiệm của Agribank trong khôi phục phát triển kinh tế sau đại dịch.

Giải pháp thứ ba là chúng tôi cũng rà soát, thực hiện xét miễn giảm lãi cho những khách hàng rơi vào hoàn cảnh khó khăn với những lý do khác theo cơ chế, chính sách chung của Agribank với số tiền miễn giảm cho đối tượng này trong năm 2021 là 15,3 tỷ đồng. 

Tính chung năm 2021, Agribank Vĩnh Phúc đã miễn giảm thực cho khách hàng 56,5 tỷ đồng. Đây là số tiền khá lớn và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng hỗ trợ được khách hàng trên diện rộng trong bối cảnh vô cùng khó khăn của kinh tế năm qua.

Bên cạnh đó, đối với khách hàng vay mới, chúng tôi cũng áp dụng hạ lãi suất so với thông thường từ 2,5%, tức là lãi suất hạ xuống còn khoảng 4,5% trong ngắn hạn và 6% đối với khoản vay trung dài hạn. Đây cũng là cơ hội để khách hàng, đặc biệt là khách hàng trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn có điều kiện tiếp cận nguồn vốn của Agribank Vĩnh Phúc trong giai đoạn các chuỗi cung ứng đứt gãy do những điều kiện sản xuất kinh doanh khó khăn. 

PV: Trong bối cảnh hiện nay, dự báo năm 2022 kinh tế sẽ còn nhiều khó khăn do những ảnh hưởng của dịch bệnh. Agribank Vĩnh Phúc có kế hoạch và định hướng như thế nào để tiếp tục thực hiện mục tiêu đồng hành cùng Tam nông?

Ông Trần Đức Long: Năm 2022 chúng tôi cũng đã xây dựng kế hoạch kinh doanh và trình trụ sở chính phê duyệt. Chúng tôi dự kiến kế hoạch huy động nguồn vốn tại địa phương sẽ tăng trưởng khoảng 9-10%. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trong tâm để tiếp tục mở rộng nguồn vốn phát triển kinh tế; dư nợ dự kiến tăng trưởng 10-12%. Agribank Vĩnh Phúc sẽ tiếp tục đồng hành cùng khách hàng và tạo mọi điều kiện cho khách hàng tiếp cận vốn để phát triển sản xuất kinh doanh.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đẩy mạnh triển khai các dịch vụ ngân hàng hiện đại đến với đông đảo khách hàng, đặc biệt là khách hàng trên địa bàn nông nghiệp, nông thôn. Cụ thể như các dịch vụ gửi tiền tiết kiệm thông qua hệ thống máy ATM. Hiện chúng tôi cũng đã trang bị máy AMT có chức năng gửi tiền tiết kiệm đến các chi nhánh trên phạm vi toàn tỉnh; triển khai các dịch vụ mở tài khoản trực tuyến thông qua ứng dụng Agribank E-mobile banking; phát triển dịch vụ thẻ, thẻ thấu chi và rất nhiều dịch vụ ngân hàng hiện đại khác. 

Chúng tôi tin tưởng rằng, với truyền thống và quyết tâm của Agribank, cộng với sự tin tưởng, đồng hành của đông đảo khách hàng, chúng tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ.

PV: Xin cảm ơn ông! 

>>>Giảm lãi nhiều nhất cho khách hàng, Agribank vẫn đạt lợi nhuận hơn 14.000 tỷ đồng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục