Ai Cập có số ca nhiễm mới COVID theo ngày cao nhất từ trước đến nay

10:52' - 29/05/2020
BNEWS Ngày 28/5, Ai Cập đã có 1.127 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca lên 20.793 ca. Đây là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Ai Cập.

Ngày 28/5, Ai Cập cho biết nước này đã ghi nhận thêm 1.127 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca lên 20.793 ca.

Đây là số ca nhiễm mới cao nhất theo ngày kể từ khi dịch bệnh bùng phát ở Ai Cập và cũng là lần đầu tiên số người mắc bệnh được ghi nhận trong 1 ngày vượt quá 1.000 ca.

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Bộ Y tế Ai Cập cũng cho biết đến nay tổng số ca tử vong đã tăng lên 845 người, sau khi có thêm 29 ca tử vong mới. Ngoài ra, có thêm 154 bệnh nhân đã bình phục hoàn toàn và được ra viện, đưa tổng số ca khỏi bệnh lên 5.395 người.

Cùng ngày, trên tài khoản cá nhân mạng xã hội Facebook và Twitter, Tổng thống Ai Cập Abdel-Fattah El-Sisi đã kêu gọi người dân đoàn kết và sát cánh cùng nhau ở “thời điểm quan trọng” này nhằm đối phó với đại dịch COVID-19.

Kể từ khi bắt đầu kỳ nghỉ lễ Eid al-Fitr đánh dấu kết thúc tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo hôm 24/5, Ai Cập đã kéo dài lệnh giới nghiêm ban đêm được áp đặt trước đó từ 9 giờ đồng hồ lên 13 giờ trong vòng 6 ngày nhằm duy trì giãn cách xã hội và tránh tập trung đông người.

Từ ngày 30/5, thời gian lệnh giới nghiêm sẽ được giảm xuống còn 10 giờ đồng hồ trong vòng 2 tuần và sau đó chính phủ sẽ cân nhắc nới lỏng các biện pháp hạn chế, dần dần nối lại một số hoạt động.

Hiện Chính phủ Ai Cập đã bắt đầu khôi phục một số dịch vụ vốn bị tạm ngừng kể từ giữa tháng 3 trong khi lên kế hoạch vừa duy trì các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh vừa nối lại các dịch vụ, hoạt động kinh doanh và kinh tế.

Ai Cập cũng đã cho phép 78 khách sạn tại 7 tỉnh thành mở cửa trở lại phục vụ du khách địa phương sau khi có giấy chứng nhận "an toàn vệ sinh" của một ủy ban đặc biệt thuộc chính phủ.

*Cũng trong ngày 28/5, Tổng thống Mozambique Filipe Nyusi thông báo gia hạn tình trạng khẩn cấp được ban hành từ ngày 1/4 thêm 30 ngày, từ ngày 1/6 tới.

Đây là lần thứ 2 Mozambique gia hạn các biện pháp hạn chế nhằm ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh sau khi số ca nhiễm ở nước này đã tăng gấp đôi trong vòng 2 tuần qua.

Theo Tổng thống Filipe Nyusi, các trạm xe buýt và phương tiện giao thông vẫn xảy ra tình trạng tập trung đông người, và một số cơ sở dịch vụ cũng không tuân thủ quy định về giãn cách xã hội.

Theo nhà lãnh đạo Mozambique, các biện pháp này không thể chấm dứt đại dịch nhưng có thể kiểm soát được sự lây lan và tránh phải áp đặt các biện pháp phong tỏa cấp độ 4.

Tổng thống Mozambique kêu gọi người dân thể hiện trách nhiệm và sự nghiêm túc cao nhất trong việc tuân thủ các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh vì lợi ích của chính họ và quyết định cho sự thành công trong cuộc chiến chống đại dịch này.

Mozambique sẽ tăng cường kiểm tra các khu chợ, đường phố, khu vực biên giới, và việc mở cửa trở lại biên giới hay nối lại các hoạt động thể thao, văn hóa sẽ được xem xét theo xu hướng của dịch bệnh.

* Tại Nam Phi, nước này sẽ cho phép hầu hết các lĩnh vực kinh tế từ sản xuất đến khai thác mỏ được nối lại hoạt động hoàn toàn từ tháng 6 sau khi tiếp tục nới lỏng các biện pháp phong tỏa nhằm kiềm chế dịch bệnh.

Tuy nhiên, một số lĩnh vực kinh doanh có nguy cơ cao như khách sạn, nhà nghỉ, tiệm làm tóc và nhà hàng vẫn phải đóng cửa.

Kinh tế Nam Phi đã bị tê liệt kể từ khi nước này áp đặt lệnh phong tỏa toàn quốc hồi cuối tháng 3. Hiện nước này ghi nhận 25.937 ca nhiễm, trong đó 552 người tử vong vì COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục