Ai Cập đối phó với hiện tượng “mây đen"

08:09' - 26/08/2020
BNEWS Bộ Môi trường Ai Cập đang chuẩn bị triển khai hàng loạt biện pháp mạnh tay để đối phó hiện tượng “mây đen”, vốn thường xuyên xảy ra hàng năm chủ yếu do tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp trái phép.

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Bộ Môi trường Ai Cập đang chuẩn bị triển khai hàng loạt biện pháp mạnh tay để đối phó với hiện tượng “mây đen”, vốn thường xuyên xảy ra hàng năm chủ yếu do tình trạng đốt phụ phẩm nông nghiệp trái phép, đặc biệt là rơm rạ.

Hiện tượng “mây đen” xuất hiện khi bầu trời Ai Cập bị những làn khói dày che phủ, thường xảy ra từ tháng 9 và kéo dài tới giữa tháng 11 hàng năm, thời điểm khi người nông dân thu hoạch mùa màng và đốt phụ phẩm nông nghiệp.

Bên cạnh đó, một số yếu tố khác như phản xạ nhiệt hay khí thải từ các nhà máy và phương tiện giao thông càng khiến hiện tượng “mây đen” trở nên dày đặc hơn.

Trong bối cảnh đó, Bộ Môi trường Ai Cập có kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí thông qua các giải pháp chính, trong đó có phối hợp với Bộ Nông nghiệp thu gom và tái chế rơm rạ.

Người đứng đầu Cục Quản lý thảm họa và khủng hoảng thuộc Bộ Môi trường Ai Cập Abdel Wahid cho biết, cơ quan này đặt mục tiêu thu gom từ 500-1.000 tấn rơm rạ trong mùa thu hoạch này.

Bên cạnh đó, sẽ có nhiều địa điểm thu gom rơm rạ được thiết lập và cho đến nay, Bộ Môi trường Ai Cập đã nhận được hơn 500 yêu cầu thu gom rơm rạ từ các địa phương.

Để quản lý quá trình thu gom, Bộ Môi trường Ai Cập sẽ đặt ra các quy tắc và hướng dẫn nhằm đảm bảo không phát sinh các vấn đề môi trường.

Ví dụ, địa điểm thu gom sẽ được đặt xa khu dân cư và các nhà máy truyền tải điện, bên cạnh việc triển khai hàng loạt chiến dịch nâng cao nhận thức của người nông dân về tầm quan trọng của quy trình thu gom và tái chế rơm rạ.

Bộ Môi trường Ai Cập cũng sẽ tiếp tục thanh tra các cơ sở công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nhằm nỗ lực giảm lượng khí phát thải.

Theo Bộ Môi trường Ai Cập, tình trạng ô nhiễm không khí tại Ai Cập đã được giảm bớt trong vòng 2 năm qua nhờ xác định rõ nguyên nhân gây ô nhiễm để tìm ra các giải pháp phù hợp.

Ước tính, hoạt động đốt chất thải nông nghiệp chiếm tới 42% nguyên nhân gây ô nhiễm; khí thải nhà máy chiếm 23%; khí thải ô tô chiếm 23% và đốt rác thải đô thị chiếm 12%.

Hiện tượng “mây đen” được coi là một trong những tác nhân chính gây ra tình trạng biến đổi khí hậu và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của người dân./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục