Ai Cập phá giá đồng nội tệ nhằm đối phó với khủng hoảng ngoại hối

09:27' - 15/03/2016
BNEWS Ngày 14/3, Ngân hàng trung ương Ai Cập (CBE) đã quyết định phá giá đồng nội tệ ở mức khoảng 14%, như một phần trong nỗ lực giải quyết tình trạng khan hiếm ngoại tệ hiện nay.
Ai Cập phá giá đồng nội tệ nhằm đối phó với khủng hoảng ngoại hối. Ảnh: Reuters

Sáng ngày 14/3, CBE đã bán đấu giá khoảng 200 triệu USD cho các ngân hàng địa phương theo tỷ giá 1 USD đổi 8,85 EGP, so với mức 1 USD đổi 7,73 EGP trong các phiên đấu giá trước đó.

Quyết định phá giá đồng nội tệ này được đưa ra chỉ 5 ngày sau khi CBE nâng mức trần giao dịch ngoại tệ đối với các tổ chức và cá nhân nhằm cải thiện lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng và hạn chế hoạt động mua bán ngoại tệ trên thị trường "chợ đen".

Theo chính sách tỷ giá mới nhất của CBE, kể từ ngày 14/3, các ngân hàng ở Ai Cập được phép bán USD ra thị trường ở mức tỷ giá 1 USD đổi 8,95 EGP để thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường "chợ đen" và giúp khôi phục khả năng lưu thông ngoại tệ trong hệ thống ngân hàng.

Thống đốc CBE Tarek Amer khẳng định quyết định mới nhất của CBE sẽ có tác động tích cực đối với nền kinh tế Ai Cập và giúp thu hút đầu tư nước ngoài, qua đó nâng dự trữ ngoại hối của “đất nước kim tự tháp” lên 25 tỷ USD vào cuối năm 2016, từ mức 16,53 tỷ USD tính đến cuối tháng 2/2016.

Các chuyên gia kinh tế khu vực Trung Đông- Bắc Phi cho rằng quyết định của CBE là "bước đi đúng hướng" nhằm cải thiện cán cân thanh toán, trong bối cảnh kim ngạch xuất khẩu, đầu tư nước ngoài, cũng như nguồn thu từ du lịch và hoạt động của kênh đào Suez ngày một sa sút. Ai Cập đang phải đối mặt với tình trạng thiếu ngoại tệ nghiêm trọng kể từ cuộc chính biến mùa Xuân năm 2011.

Bất ổn chính trị đã khiến khách du lịch và các nhà đầu tư nước ngoài - được coi là nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Ai Cập - rời bỏ quốc gia Bắc Phi này, giữa lúc suy giảm kinh tế toàn cầu cũng làm giảm nguồn thu từ kênh đào Suez và đầu tư nước ngoài.

Trong mấy tháng qua, CBE đã triển khai một số biện pháp nhằm hạn chế nhập khẩu những hàng hóa không cần thiết với mục tiêu giảm 20 tỷ USD giá trị nhập khẩu vào cuối năm nay. Theo các số liệu chính thức, Ai Cập đã nhập khẩu 61 tỷ USD hàng hóa trong tài khóa kết thúc vào cuối tháng 6/2015.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục