Ai đứng sau vụ “cạo trọc” rừng đầu nguồn sông Trà Bương (Phú Yên)?

11:59' - 31/08/2021
BNEWS Tình trạng phá rừng đang diễn ra nghiêm trọng tại khu vực rừng giáp ranh hai xã Sơn Hội và Sơn Định (huyện Sơn Hòa, Phú Yên).

Diện tích rừng có chức năng phòng hộ bị chặt phá lên đến hàng chục ha, dọc các con suối Sổ, suối Dĩ và Cheo Reo, khu vực đầu nguồn sông Trà Bương.

Các vụ phá rừng được tổ chức tinh vi, bài bản trong một thời gian dài, rừng tự nhiên bị “cạo trọc” đến đâu thì cây keo được trồng vội đến đó.

Theo nguồn tin của người dân, sáng 30/8, nhóm phóng viên Thông tấn xã Việt Nam và một cơ quan báo chí đã tìm đến khu vực rừng phòng hộ đang bị tàn phá nặng tại thôn Tân Thành (xã Sơn Hội).

Những cơn mưa đầu mùa khiến các con đường dẫn vào rừng lầy lội, trơn trượt. Để tiếp cận được hiện trường, các phóng viên phải đi vòng qua Quốc lộ 19C, đánh vật trên con đường đất nhão nhoét.

Khu vực rừng bị chặt phá nằm ở sườn dốc ven suối Dĩ có diện tích hơn 2 hecta, nhiều loại cây rừng có đường kính từ 20cm đến 70cm thuộc nhóm III đến nhóm V như (lim, bìn lin, bằng lăng, bùi) vừa bị cưa ngang gốc, nằm la liệt, một số vạt rừng đã được đốt trụi và trồng cây keo non.

Tiếp tục băng rừng tiến sâu vào rừng khoảng 2km, các phóng viên tiếp cận khu vực mà người dân địa phương gọi là dốc Cốc (thôn Tân Thành), giáp ranh với thôn Suối Mây, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân).

Chỉ cách khu vực cắm cột mốc của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa (ký hiệu LR: Phòng hộ; SHM 716) khoảng 200m, có nhiều cây rừng như ké, băng lăng, cóc da đá (nhóm IV,V) vừa bị triệt hạ, lá cây vẫn xanh, nhựa cây vẫn còn ứa ra. Trớ trêu, trên nhiều thân cây rừng có dấu sơn đỏ X và dòng chữ "Cấm phá rừng".

Một nhóm phóng viên tiếp cận hiện trường ở nơi hai con suối Sổ và suối Cheo Reo hợp lại thành sông Trà Bương và chảy về hồ thủy lợi huyện Đồng Xuân. Cả cánh rừng già rộng chừng 2 ha bị chặt trắng.

Khu vực rừng này bị "lâm tặc" tàn phá để trồng keo, dấu vết để lại cho thấy rất nhiều cây gỗ lớn dài 15-20 mét bị đốt cháy sém trước đó, nằm ngổn ngang.

Những gốc cây, thân gỗ to có đường kính 0,5-1 mét thuộc các nhóm gỗ quý như bằng lăng, ké, lim, giẻ…được cưa xẻ lấy gỗ tại chỗ, vẫn còn nhiều tấm ván bìa để lại trên hiện trường.

Theo người dân địa phương, tình trạng phá rừng diễn ra từ các năm 2019-2020, ước tính diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn bị phá đã trồng keo lên đến 20-30 ha. Đặc biệt, tháng 3/2021 đến nay có trên 10 ha rừng phòng hộ đầu nguồn bị phát trắng, cây gỗ còn đổ ngổn ngang.

Không chỉ các cánh rừng phòng hộ tại khu vực các suối Dĩ, Sổ, Cheo Reo tại thôn Tân Thành bị "cạo trắng", các cánh rừng phòng hộ tại thôn Tân Thuận, khu vực giáp với rẫy keo của của một hộ dân cũng đang chịu chung số phận.

Một người dân địa phương cho biết, chủ mưu của những vụ phá rừng phòng hộ này là những người liên quan tới những người có trách nhiệm bảo vệ rừng.

Họ đã thuê người chặt phá rừng để lấy đất trồng keo. Thủ đoạn của những đối tượng phá rừng rất tinh vi, ban đầu họ vào rừng già, chặt dọn những thân cây nhỏ, trồng ít cây keo, sau một thời gian thì dùng cưa hạ đổ cây lớn.

Những cây gỗ có giá trị được xẻ tại chỗ, số còn lại họ đốt cháy, sau đó đến mùa mưa họ đưa cây keo vào trồng, cứ như thế hàng chục ha rừng phòng hộ bị “hô biến” thành rừng keo mỗi năm.

Điều hết sức lạ lùng là rừng bị tàn phá nghiêm trọng như vậy, nhưng chủ rừng là Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sơn Hoà (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên) không hề hay biết. 

Làm việc với Ban Quản lý rừng phòng hộ Sơn Hòa vào chiều 30/8, ông Đặng Việt Dũng, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý, khẳng định, khu vực rừng phòng hộ đầu nguồn những năm qua được bảo vệ rất nghiêm ngặt, 5 năm trở lại đây chưa phát hiện vụ phá rừng nào.

Lâm phần của Ban Quản lý có diện tích 14.372 ha trên địa bàn 5 xã Phước Tân, Sơn Long, Sơn Dịnh, Sơn Xuân, Sơn Hội; nhưng chủ yếu tập trung hai xã Phước Tân và Sơn Hội, trong đó có 9.860 ha rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương.  Một trạm quản lý bảo vệ rừng được đặt tại thôn Tân Thành.

Rừng phòng hộ đầu nguồn sông Trà Bương có chức năng quan trọng giữ nước, điều tiết lũ trong mùa mưa và được bảo vệ nghiêm ngặt. Để phá những cánh rừng phòng hộ này với diện tích lớn không phải là điều dễ dàng.

Dấu vết tại các khu vực rừng phòng hộ cho thấy, mục đích phá rừng không chỉ để lấy gỗ mà nhằm vào việc trồng keo thu lợi nhuận cao trong ngắn hạn. Những vụ phá rừng được tổ chức với quy mô lớn, theo hình thức cuốn chiếu, rừng ngã đến đâu keo sẽ được trồng vội vàng đến đó.

Dư luận tại Phú Yên rất bức xúc mong muốn làm sáng tỏ, ai là người đứng sau tình trạng "hoán đổi" những thửa rừng tự nhiên có chức năng phòng hộ để tạo ra vườn keo. Câu hỏi này cần được các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên khẩn trương tìm ra lời giải đáp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục