Ai sẽ giám sát kế hoạch chống biến đổi khí hậu của các quốc gia?

16:20' - 12/12/2021
BNEWS Mặc dù nhiều nước đã cam kết cắt giảm sử dụng nhiên liệu hoá thạch song trên thực tế không có “cảnh sát” để kiểm tra và đây là một điểm yếu của quá trình này.

Mặc dù nhiều quốc gia đã nhất trí với các cam kết toàn cầu nhằm tránh những tác động thảm khốc nhất của biến đổi khí hậu, song trên thực tế việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch và lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính vẫn tiếp tục tăng.

Điều đáng chú ý hơn là các quốc gia có thời hạn cho đến cuối năm tới để đảm bảo các cam kết của họ đáp ứng giới hạn về mức tăng nhiệt độ toàn cầu theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, câu hỏi được đặt ra là ai sẽ là người kiểm tra việc thực hiện cam kết?

Trả lời hãng tin AFP, nhà khí hậu học Corinne Le Quere nhận định không có “cảnh sát” để kiểm tra và đây là một điểm yếu của quá trình này. Gần 200 quốc gia đã ký cam kết giới hạn mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu năm 2015.

Vào tháng 11/2021, tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26) diễn ra ở Glasgow (Vương quốc Anh), các quốc gia đã kêu gọi tất cả các chính phủ đảm bảo các kế hoạch giảm phát thải trong thập kỷ này phù hợp với các mục tiêu trong Hiệp định Paris vào cuối năm 2022.

Tuy nhiên, mỗi quốc gia sẽ tự đánh giá tính hiệu quả của kế hoạch. Chuyên gia Le Quere nhấn mạnh tiến trình này đồng nghĩa với các quốc gia có thể tiến lên với tốc độ phù hợp với hệ thống chính trị của họ. Trong khi đó, cho đến nay, tốc độ giảm lượng khí thải vẫn chưa đủ nhanh.

Ở cấp độ toàn cầu, một cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) ước tính rằng kế hoạch giảm phát thải vào năm 2030 của các quốc gia sẽ dẫn đến nhiệt độ Trái Đất tăng thêm 2,7 độ C. Theo một bản đánh giá hàng năm của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), một số thành viên Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) như Australia và Mexico đang không đi đúng hướng. Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng tỏ ý nghi ngờ về việc các quốc gia sẽ đồng ý với bất kỳ sự giám sát chính thức nào từ bên ngoài.

Anne Olhoff, một trong những tác giả xây dựng báo cáo của UNEP cho rằng các quốc gia giàu hơn có thể sẽ phải đối mặt với các câu hỏi về gánh nặng phát thải trong lịch sử và về sự công bằng. Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu nhấn mạnh nguyên tắc trách nhiệm chung, nhưng có sự phân biệt tùy theo tình hình quốc gia.

Do đó, một số người tin rằng các quốc gia giàu có, chịu trách nhiệm phần lớn cho tình trạng nóng ấm toàn cầu, cần có nghĩa vụ đối với những người nghèo nhất và hành động nhiều hơn để đạt được đóng góp "công bằng". Có nhiều cách để đo lường điều này: Lượng khí thải trong quá khứ, lượng khí thải bình quân đầu người, lượng khí thải do hàng hóa nhập khẩu tạo ra./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục