Alibaba “đánh thức” tiềm năng của giới tiêu dùng Trung Quốc (Phần 1)

05:30' - 24/11/2018
BNEWS Ngày hội mua sắm lớn nhất trong năm, Ngày Độc thân 11/11, bắt nguồn từ Trung Quốc và đến nay quy mô của sự kiện này đã lan tỏa sang nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhân viên của Alibaba đóng gói hàng hóa trong ngày mua sắm khuyến mại trực tuyến tại Thượng Hải. Ảnh: THX/TTXVN
Có thể nói, ngành bán lẻ phải cảm ơn hai nhà sáng lập “đế chế” thương mại điện tử Alibaba Group Holding Ltd., ông Jack Ma và Daniel Zhang. Với ý tưởng mở chương trình khuyến mãi quanh một ngày lễ, lấy cảm hứng từ ngày siêu giảm giá "Thứ Sáu Đen" (Black Friday) của Mỹ, hai ông đã chọn ngày 11/11 bắt đầu từ năm 2009.

Giới quan sát đánh giá sức ảnh hưởng vượt ngoài lãnh thổ Trung Quốc của sự kiện bùng nổ mua sắm trong Ngày Độc thân thể hiện sự chuyển dịch sức mạnh của các thị trường bán lẻ trên toàn cầu, từ Mỹ sang châu Á, trong đó nổi bật là Trung Quốc. 

Vì được tạo thành từ 4 chữ số 1, giống như những chiếc gậy lẻ loi xếp liền nhau, nên người Trung Quốc gọi ngày 11/11 là ngày “quang côn” hiểu nghĩa Hán Việt là Ngày lễ Độc thân.

Ngày Độc thân đầu tiên được cho là ra đời vào năm 1993, khi một số sinh viên tại đại học Nam Kinh (Trung Quốc) mua quà để ''ăn mừng'' sự độc thân và chọn ngày 11/11 làm ngày lễ kỷ niệm của họ. Sau đó, ngày lễ không chính thức này ngày càng được nhiều người hưởng ứng.

Khi bắt đầu khởi động ngày mua sắm 11/11, chiến lược marketing của Alibaba là khuyến khích khách hàng tự mua quà cho bản thân như một hình thức “tự thưởng” cho chính mình khi đang độc thân. Giờ đây, ngày 11/11 trở thành “ngày hội” của người tiêu dùng Trung Quốc vì vào ngày này các công ty lớn bán hàng trực tuyến đưa ra những mức giá vô cùng hấp dẫn để thu hút khách hàng. 

Trong Ngày Độc thân năm ngoái, doanh số của các nhà bán lẻ trên những nền tảng thương mại trực tuyến của Alibaba đã cán mốc 168,3 tỷ NDT (25,3 tỷ USD), tăng 39% so với mức kỷ lục 120,7 tỷ NDT hồi năm 2016. Dự kiến có khoảng 1,5 tỷ thùng hàng được vận chuyển đến tay người mua. Con số này vượt qua cả doanh thu trong hai ngày Black Friday và Cyber Monday của Mỹ cộng lại.

Trong vòng chưa đầy một thập kỷ, Alibaba đã biến lễ kỷ niệm dành cho những người trẻ chưa lập gia đình ở Trung Quốc thành một xu hướng toàn cầu đối với hàng nghìn nhà bán lẻ và người tiêu dùng ở mọi lứa tuổi. Quy mô sự kiện siêu giảm giá trong dịp Ngày Độc thân ngày càng lan rộng với việc tập đoàn này thúc đẩy chiến dịch mang tên “Lễ hội mua sắm toàn cầu 11/11”.

Các đối thủ bán lẻ trực tuyến của Alibaba như JD.com và Pinduoduo cũng không thể đứng ngoài sự kiện hấp dẫn này khi đồng loạt quảng bá các chương trình khuyến mãi rầm rộ. JD.com đã chứng kiến lượng khách hàng sử dụng ứng dụng trên điện thoại tăng 21,1% trong ngày 11/11 năm ngoái, theo số liệu của công ty nghiên cứu thị trường QuestMobile.

Trung Quốc hiện là thị trường thương mại điện tử lớn nhất thế giới, với mua sắm trực tuyến đang góp tỷ lệ ngày càng lớn vào tăng trưởng chi tiêu tiêu dùng của người dân nước này. Công ty tư vấn tài chính Boston Consulting Group của Mỹ dự báo rằng mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc sẽ tăng 20% mỗi năm và sẽ đạt 1.600 tỷ USD vào năm 2020.

Các nhà bán lẻ trên toàn thế giới cũng đang tìm cách tận dụng sức mạnh kinh tế đến từ giới tiêu dùng Trung Quốc. 

Nhiều thương hiệu lớn như Adidas, Mattel, Mondelez, Nike và Unilever đã tham gia vào sự kiện giảm giá năm 2017 với việc tung ra hàng loạt chương trình khuyến mãi. JD.com hợp tác cùng Tencent - một đại gia thương mại điện tử khác của Trung Quốc - và tập đoàn bán lẻ Mỹ Walmart để đem đến cho khách hàng những ưu đãi đặc biệt vào Ngày Độc thân năm ngoái. 

Trong năm nay, công ty con Lazada của Alibaba cũng đẩy mạnh quảng bá các chương trình siêu giảm giá trong ngày 11/11 tại sáu quốc gia Đông Nam Á là Singapore, Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Philippines và Việt Nam.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục