Người tiêu dùng đã hình thành văn hóa mua sắm thông minh và tiết kiệm

20:13' - 01/11/2018
BNEWS Chiều 1/11, tại Tp. Hồ Chí Minh đã diễn ra hội thảo “Kỷ nguyên kinh tế mới: Thay đổi và tác động”, do Câu lạc bộ Giám đốc điều hành Việt Nam (CEO Club) tổ chức.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ đa dạng góc nhìn về các vấn đề nổi bật của kinh tế Việt Nam trước thềm hội nhập kinh tế mới. Đồng thời, họ cho rằng đây là kỷ nguyên đánh dấu sự chuyển mình của nền kinh tế khi công nghệ ngày càng phát triển và làm thay đổi mọi lĩnh vực.

Cách mạng công nghiệp 4.0 đã tạo ra những thay đổi tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo bà Đặng Thị Minh Phương, Chủ tịch CEO Club, từ khi Việt Nam thực hiện tự do hóa nền kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của mọi thành phần kinh tế và hội nhập sâu rộng, thì sự kết nối cộng đồng doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng.

Do đó, việc cập nhật cơ chế chính sách, cam kết của Hiệp định Thương mại tự do (FTA), thông tin thị trường, đầu tư, tài chính, sản xuất kinh doanh… là những vấn đề có ý nghĩa “sống còn” với cộng đồng doanh nghiệp trong bối cảnh hội nhập và tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, cũng như vươn ra thị trường quốc tế.

Điển hình, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu nói chung, tại Việt Nam nói riêng, đã tạo ra những thay đổi tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội. Đặc biệt, những thay đổi thuần về công nghệ như máy móc, kỹ thuật cho đến hành vi mua sắm của người tiêu dùng là không biên giới.

Thông qua đó, người tiêu dùng đã hình thành văn hóa mua sắm thông minh và tiết kiệm ở thị trường Việt Nam, đòi hỏi các đơn vị sản xuất kinh phải hoạch định chiến lược đầu tư phù hợp.

Mặt khác, nền kinh tế mới chi phối đến hành vi tiêu dùng đang diễn ra tại nhiều quốc gia và lan tỏa trên thị trường toàn cầu, cho thấy tâm lý mua hàng của người tiêu dùng là chuỗi phản ứng rất phức tạp.

Cụ thể, thời đại “internet of things (IOT)” (tạm dịch là thời đại internet hóa) tạo nên môi trường rộng mở về thông tin, ở đó người tiêu dùng có điều kiện tiếp cận những nguồn thông tin khác nhau về cùng một sản phẩm hay mua sắm những sản phẩm, dịch vụ tốt với mức giá ưu đãi nhất.

Ông Marek Forysiak, Phó Tổng Giám đốc và Thành viên Hội đồng Quản trị Công ty Tài chính TNHH Một thành viên Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng cho rằng, trong bất cứ nền kinh tế nào, người tiêu dùng luôn là đối tượng trung tâm mà mọi doanh nghiệp đều hướng đến; trong đó, kỷ nguyên kinh tế mới mở ra đã và đang mang đến nhiều phương tiện mới, tạo nền tảng thay đổi hành vi người tiêu dùng một cách nhanh chóng.

Chính vì vậy, doanh nghiệp đứng trước cơ hội và thách thức trong việc nắm bắt xu hướng để phát triển hay bị đào thải khỏi thị trường khi khách hàng ngày càng có nhiều sự lựa chọn hơn.

Kỷ nguyên kinh tế mới ảnh hưởng và tác động thay đổi cách thức kinh doanh truyền thống, đòi hỏi hoạt động sản xuất kinh doanh kết hợp và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt, kỷ nguyên công nghệ, thế giới số hay trí thông minh nhân tạo đang được nhắc đến ngày càng nhiều đối với nền kinh tế Việt Nam.

Bên cạnh đó, những ngành công nghiệp trẻ và mới đã có sự hòa nhập xu hướng mới của thị trường tiêu dùng để tồn tại, phát triển và nâng cao khả năng đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng./.

Xem thêm:

>>Đại biểu Quốc hội kiến nghị nhiều giải pháp tăng thu ngân sách

>>Kinh tế Việt Nam qua đánh giá của các chuyên gia quốc tế

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục