Ấm lòng những suất cơm “không đồng” giữa mùa dịch COVID-19

14:21' - 11/04/2020
BNEWS Gia đình chị Trần Ngọc Trân (thành phố Sóc Trăng) đang cung cấp những suất cơm “không đồng” cho lao động nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong mùa đại dịch COVID-19.
Trong ảnh: Người bán vé số ở Sóc Trăng nhận tiền hỗ trợ. Ảnh: Trung Hiếu - TTXVN
Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp khiến không ít ngành, nghề ở các tỉnh, thành nói chung và Sóc Trăng nói riêng tạm ngưng hoạt động, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhiều người.

Tại Sóc Trăng, cùng chung tay với các cấp chính quyền hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này, gia đình chị Trần Ngọc Trân (phường 7, thành phố Sóc Trăng) đã cung cấp những suất cơm “không đồng” cho lao động nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn.

Chị Trần Ngọc Trân chia sẻ, công việc buôn bán của gia đình chị tại căng-tin Trường Trung học Phổ thông chuyên Nguyễn Thị Minh Khai phải tạm dừng hoạt động từ Tết Nguyên đán đến nay do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Tuy nhiên, khi nắm được thông tin từ đầu tháng 4/2020, những người bán vé số bị mất thu nhập hàng ngày do các công ty xổ số kiến thiết tạm ngưng hoạt động vì dịch COVID-19, gia đình chị đã đồng lòng cùng thực hiện những bữa cơm “không đồng” nhằm chia sẻ, giảm bớt gánh nặng trong cuộc sống với người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố.

Để có được những suất cơm ngon gửi tặng người có hoàn cảnh khó khăn, mỗi ngày gia đình chị phải dậy từ 4 giờ chuẩn bị để kịp phát cơm trước 11 giờ.

Chị Trần Ngọc Trân chia sẻ, lúc đầu, gia đình thành tâm làm, sau đó, bạn bè biết tin nên đã chung tay ủng hộ. Người thì tặng gạo, người thì tặng rau củ, thậm chí có nhiều bạn đang là học sinh, sinh viên cũng đến phụ giúp gia đình chị vào mỗi buổi phát cơm.

Thấy việc làm của gia đình được mọi người ủng hộ nên cả nhà ai cũng rất vui và càng có thêm động lực để thực hiện mỗi ngày.

Cơm “không đồng” nhanh chóng được người nghèo biết đến nhiều hơn nên từ 350 suất cơm ban đầu, đến nay đã có hơn 550 suất cơm mỗi ngày.

Hiểu rõ vất vả trong quá trình di chuyển của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên ngay sau khi những suất cơm được chuẩn bị xong các thành viên trong gia đình cùng tình nguyện viên chia nhau đem phát tại một số điểm trên địa bàn thành phố Sóc Trăng, chủ yếu ở khu nhà trọ, khu dân cư nghèo…

Do đang là mùa dịch nên vào mỗi buổi phát cơm, để đảm bảo an toàn cho người đến nhận, gia đình chị Trần Ngọc Trân không quên dặn người dân đứng giữ khoảng cách nhất định, không tập trung đông người.

Càng ấm áp hơn khi đi kèm với những suất cơm “không đồng” còn là những chiếc khẩu trang được trao tận tay để người nghèo bảo vệ sức khỏe trong mùa dịch.

Anh Nguyễn Bảy - chồng chị Trần Ngọc Trân chia sẻ: “Khi vợ tôi đề xuất, tôi và các con hoàn toàn ủng hộ. Khi ấy, tôi nhanh chóng liên hệ với Ban nhân dân các khóm để nắm rõ hoàn cảnh những người cần giúp đỡ. Bản thân mình khi chở cơm đi phát tận nhà, tận tay từng người nhận mới thấy có nhiều hoàn cảnh rất khó khăn, cần lắm những tấm lòng sẻ chia trong xã hội”.

Theo anh Nguyễn Bảy, gia đình sẽ nấu những suất cơm “không đồng” đến khi hết thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Hiện nay, do số lượng gạo được các nhà hảo tâm đến quyên góp khá nhiều nên gia đình dự định sẽ tặng 1.000 suất/ngày vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật để nhiều người có được bữa cơm “không đồng”.

Ghi nhận tại buổi phát cơm của gia đình chị Trần Ngọc Trân tại khu vực chợ đêm Hồ Nước Ngọt (Phường 6, thành phố Sóc Trăng), chúng tôi không khỏi xúc động khi thấy không chỉ người bán vé số dạo mà cả các tài xế xe ôm, thợ hồ, người già neo đơn…cũng được trao tận tay suất cơm nghĩa tình.

Những hộp cơm không chỉ đơn giản là vật chất mà còn là tình cảm, sự sẻ chia với nhiều người lao động nghèo trong giai đoạn khó khăn này.

Ông Nguyễn Văn Thạch gần 60 tuổi (ở Phường 6, thành phố Sóc Trăng) trải lòng: “Vì hoàn cảnh gia đình nên tôi sống ở nhà trọ một mình, làm nghề chạy xe ôm thu nhập bấp bênh, từ khi dịch bệnh xảy ra thì càng ế khách. Bữa cơm hàng ngày vì thế cũng trở nên chật vật hơn.

Mấy ngày qua có được những suất cơm này đã giúp tôi vơi bớt phần nào khó khăn của cuộc sống”.

Thầy Huỳnh Vũ Lam, Phó hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông chuyên Nguyễn Thị Minh Khai cho biết, việc nấu cơm từ thiện trong căng-tin của trường trong thời điểm cả nước chung tay phòng, chống dịch mà gia đình chị Trần Ngọc Trân thực hiện chỉ sử dụng cơ sở vật chất trong sự cho phép của trường, không tác động đến mỹ quan trong trường.

Đây còn là việc làm có ý nghĩa không chỉ về mặt xã hội mà còn có ý nghĩa về mặt giáo dục và nâng cao nhận thức.

Thực tế đã cho thấy, khi những hình ảnh và thông tin về bữa cơm “không đồng” được đăng tải trên các trang mạng xã hội như facebook, zalo và trên trang fanpage của trường đã có nhiều học sinh ủng hộ cách làm này, có bình luận tích cực về cuộc sống…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục