Ấn Độ siết quản lý, giới siêu giàu vẫn đẩy mạnh đầu tư toàn cầu qua kênh mới

07:39' - 25/04/2025
BNEWS Theo số liệu chính thức, các khoản đầu tư được chuyển ra nước ngoài thông qua những quỹ tại trung tâm tài chính Gujarat International Finance Tec-City (GIFT City) đã tăng hơn gấp ba lần.

Các gia đình giàu có nhất Ấn Độ đang tìm ra một cách thức mới để đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu toàn cầu thông qua một trung tâm tài chính có mức thuế thấp của Ấn Độ. Điều này giúp mở ra một con đường hiếm hoi cho giới siêu giàu đầu tư ra nước ngoài.

Theo số liệu chính thức, các khoản đầu tư được chuyển ra nước ngoài thông qua những quỹ tại trung tâm tài chính Gujarat International Finance Tec-City (GIFT City) đã tăng hơn gấp ba lần lên 778 triệu USD trong sáu tháng tính đến tháng 12/2024. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ - (RBI, ngân hàng trung ương của quốc gia Nam Á này), đã mở đường cho các văn phòng gia đình đầu tư thông qua kênh Đầu tư Danh mục Nước ngoài (OPI) vào tháng Sáu.

 

Kênh OPI giúp các nhà đầu tư siêu giàu vượt qua hạn mức chuyển tiền ra nước ngoài tối đa 250.000 USD/năm, theo quy định từ năm 2015. Những văn phòng gia đình có thể đầu tư số tiền lớn hơn nhiều con số trên nếu họ đầu tư vào một quỹ ở GIFT thông qua công ty riêng của họ.

Cơ quan Dịch vụ Tài chính Quốc tế Ấn Độ (IFSCA) cho biết dòng vốn đầu tư ra nước ngoài qua GIFT City có sự đóng góp của cả nhà đầu tư trong nước (các văn phòng gia đình, cá nhân) và quốc tế. Tuy nhiên, phần lớn vốn huy động được tại GIFT City vẫn được dùng cho đầu tư trong nước. Tính đến tháng 12/2024, đầu tư ra nước ngoài vẫn chỉ chiếm 11% tổng số vốn huy động được trị giá khoảng 7 tỷ USD tại GIFT City). IFSCA chưa công bố số liệu chi tiết về tỷ lệ đóng góp của đầu tư danh mục nước ngoài trong tổng số vốn.

Bà Gautami Gavankar, Chủ tịch Ngân hàng Kotak Mahindra, cho rằng giới siêu giàu Ấn Độ muốn đa dạng hóa đầu tư toàn cầu. Kênh OPI tại GIFT City giúp họ thực hiện điều đó hiệu quả hơn so với hạn mức 250.000 USD hiện hành.

Tình hình trên phản ánh nhu cầu đầu tư ra nước ngoài ngày càng tăng của các gia đình giàu có và tỷ phú Ấn Độ sau một thời kỳ tăng trưởng mạnh mẽ về tài sản, nhất là khi thị trường chứng khoán Ấn Độ đang giảm khoảng 7% so với mức đỉnh hồi tháng 9/2024.

Tuy nhiên, xu hướng này cũng đặt ra thách thức cho Chính phủ Ấn Độ. Theo quy định cũ, các quỹ đã nhanh chóng bị vượt qua giới hạn về đầu tư nước ngoài vào năm 2022 do nhu cầu quá lớn. Điều này cho thấy sự cần thiết phải điều chỉnh chính sách.

Để ngăn chặn trốn thuế và né tránh kiểm soát vốn, Chính phủ Ấn Độ đã ngừng cấp phép cho các văn phòng gia đình thành lập quỹ đầu tư tại GIFT City từ năm ngoái.

Giới hạn đầu tư ra nước ngoài đối với cá nhân tại Ấn Độ là 250.000 USD/năm bao gồm mua bất động sản, đầu tư chứng khoán và thành lập liên doanh hay công ty con. Từ cuối tháng 6-12/2024, người Ấn Độ đã chuyển 795 triệu USD ra nước ngoài để đầu tư vào chứng khoán, tăng 36% so với cùng kỳ năm trước đó.

Các cổ phiếu của các "ông lớn" công nghệ Mỹ như Apple, Amazon và Tesla rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, các nhà đầu tư cũng đang quan tâm đến những quỹ tín dụng tư nhân tại GIFT City.

Sau khi tạm dừng cấp phép cho những văn phòng gia đình, các nhà quản lý quỹ đang tích cực thúc đẩy việc sử dụng kênh OPI.

Ông Dev Sampat, đồng sáng lập công ty quản lý quỹ Dovetail Group, cho biết mỗi tháng có khoảng 10 quỹ đầu tư thay thế được cấp phép hoạt động tại GIFT City. Ông dự đoán dòng vốn chảy ra nước ngoài của Ấn Độ sẽ tiếp tục tăng mạnh.

Công ty quản lý tài sản Aditya Birla Sun Life Asset Management Co. đã huy động được 70 triệu USD cho một quỹ đầu tư vào thị trường mới nổi châu Á, trong đó có tiền từ các văn phòng gia đình sử dụng kênh OPI.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục