An Giang chuyển đổi số trên 3 trụ cột chính

16:27' - 14/01/2022
BNEWS Năm 2022, tỉnh An Giang tập trung thúc đẩy chuyển đổi số trên 3 trụ cột là chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Năm 2022, tỉnh An Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 5,2%. Đây là một trong những mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh An Giang được ông Phạm Minh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang đưa ra tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế-xã hội tỉnh An Giang năm 2022 do UBND tỉnh An Giang tổ chức ngày 14/1.

 

Theo ông Phạm Minh Tâm, mục tiêu phát triển kinh tế năm 2022, An Giang tập trung thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế, xã hội sau đại dịch COVID-19; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển nông nghiệp theo chiều sâu; tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng giao thông để tạo nền tảng phát triển du lịch, thương mại và dịch vụ.

Bên cạnh đó, An Giang tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; khai thác lợi thế so sánh của địa phương trong liên kết vùng và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đặc biệt, tỉnh tập trung thúc đẩy chuyển đổi số trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Thực hiện tốt các chính sách về giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm; giữ vững ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội, từng bước giảm thiểu tai nạn giao thông.

Ông Phạm Minh Tâm, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh An Giang cho biết: Năm 2022, tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) đạt 5,2%; GRDP bình quân đầu người là 52,660 triệu đồng/người/năm; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 30.127 tỷ đồng. Tỉnh cũng phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1,155 tỷ USD; tổng thu ngân sách nhà nước từ kinh tế trên địa bàn là 6.183 tỷ đồng.

Đáng lưu ý, tỉnh cũng đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt 41%; tỷ lệ lao động qua đào tạo trong tổng số lao động đang làm việc trong nền kinh tế quốc dân là 68%; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 1 - 1,2% năm; tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 92% và số bác sĩ trên 1 vạn dân đạt 9,5 bác sĩ/1 vạn dân.

Ngoài ra, An Giang phấn đấu có thêm 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; lũy kế dự kiến đến hết năm 2022 có 69 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh là 94%.

Để đạt được các mục tiêu trên, thời gian tới tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất hàng hóa lớn trên cơ sở tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tỉnh cũng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong và ngoài các cụm công nghiệp tổ chức lại sản xuất, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo các điều kiện và tiêu chí về an toàn phòng chống dịch COVID-19.

Song song đó, An Giang tập trung tái cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Đặc biệt, tỉnh cũng tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, thu hút FDI; mở rộng thị trường xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của tỉnh; củng cố và phát triển thị trường trong nước....

Dự báo năm 2022, tình hình dịch bệnh COVID-19 và biến đổi khí hậu sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang đề nghị, các sở, ngành và các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục thực hiện tốt chăm lo an sinh xã hội, đảm bảo đời sống, giải quyết việc làm cho người dân.

Mặt khác, tỉnh cũng giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh phối hợp các địa phương rà soát lại các điểm nghẽn về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022.

Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý, các sở, ngành, địa phương cần thực hiện tốt Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, phải chủ động dự báo tình hình, có kế hoạch ứng phó trước sự xuất hiện của các biến chủng mới của dịch COVID-19 để đảm bảo cuộc sống bình yên cho nhân dân và phục hồi các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đối với việc chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải thực hiện tiết kiệm, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch COVID-19, không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, tăng cường lực lượng giám sát địa bàn có nguy cơ cao về dịch COVID-19.

Tổ chức thăm hỏi các gia đình chính sách, gia đình có công cách mạng, hỗ trợ người dân nghèo, hoàn cảnh khó khăn, đảm bảo mọi người dân đều có Tết….

Năm 2021, trong điều kiện dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhưng dưới sự chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, sự quyết tâm lãnh đạo, điều hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, An Giang đạt mức tăng trưởng 2,15%, thấp hơn cùng kỳ 2020. Thế nhưng, mức tăng trưởng 2,15% được xem là dấu hiệu tích cực trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng.

Đáng lưu ý, An Giang đã thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 đề ra, đạt 86,67%; trong đó, tỉnh có 6 chỉ tiêu vượt và 7 chỉ tiêu đạt. Tổng thu ngân sách từ kinh tế địa bàn năm 2021 đạt 7.240 tỷ đồng, đạt 105,49% dự toán HĐND tỉnh giao.

Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa năm 2021 của tỉnh đạt trên 1,142 tỷ USD, tăng 18,34% so kế hoạch và tăng 22,8% so cùng kỳ; thu hút được 18 dự án đầu tư mới, với tổng vốn đăng ký 947 tỷ đồng…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục