An Giang có gần 7.300 ha rừng dễ xảy ra cháy

15:19' - 03/03/2021
BNEWS An Giang đang bước vào mùa khô hạn, tổng diện tích vùng trọng điểm rừng của tỉnh có nguy cơ dễ xảy ra cháy trong mùa khô hạn được xác định là 7.256,2 ha.
An Giang đang bước vào mùa khô hạn, tổng diện tích vùng trọng điểm rừng của tỉnh có nguy cơ dễ xảy ra cháy trong mùa khô hạn được xác định là 7.256,2 ha chiếm 43,02% tổng diện tích rừng của tỉnh; trong đó, huyện Tịnh Biên là địa phương với diện tích rừng có nguy cơ xảy ra cháy cao nhất với hơn 2.900 ha, tiếp đến là huyện Tri Tôn với hơn 1.800 ha.

Theo Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang), tổng diện tích rừng trên địa bàn tỉnh là gần 16.900 ha, gồm vùng đồi núi và đồng bằng phân bố ở các huyện, thành phố như: Châu Đốc, Tịnh Biên, Tri Tôn và Thoại Sơn. Cháy rừng thường xuất hiện từ tháng 1 đến tháng 5 đối với khu vực đồi núi. Riêng khu vực đồng bằng thời gian cháy sẽ kéo dài đến tháng 7 hoặc tháng 8. Các vụ cháy rừng thường xảy ra từ khoảng 11 giờ đến 17 giờ trong ngày.

Tại An Giang, khu vực đồi núi vào mùa khô thiếu nước nghiêm trọng, lớp thực bì dưới tán rừng khô kiệt, mọi hành vi sử dụng lửa bất cẩn đều có thể gây ra cháy rừng. An Giang cũng xác định các nguy cơ tìm ẩn gây ra cháy rừng khu vực đồi núi gồm phát dọn cỏ, cây bụi, đốt để làm nương rẫy gây cháy lan; khách hành hương vứt tàn thuốc, đốt nhang, giấy vàng mã…

Khu vực đồng bằng nguy cơ cháy rừng do diện tích ruộng tiếp giáp với rừng đốt xử lý rơm, rạ vào mùa khô gây cháy lan vào rừng hay các đối tượng vào rừng xiệt cá, bắt cò đốt lửa nướng hoặc ném tàn thuốc gây cháy hoặc sử dụng lửa để bắt ong lấy mật cũng gây cháy rừng...

Huyện biên giới Tịnh Biên là địa phương được xác định có khu vực trọng điểm cháy rừng đứng đầu tỉnh với diện tích 2.912 ha; trong đó có hơn 1.900 ha khu vực rừng đồi núi dễ cháy như: Núi Phú Cường (xã An Nông, xã An Cư, thị trấn Tịnh Biên); cụm Núi Đất, núi Nhọn, khu vực đồi Kakô Núi Cấm (thuộc xã Tân Lợi) và khu vực từ Latina đến Tà lọt của Núi Cấm (thuộc xã An Hảo) và hơn 1.000 ha rừng đồng bằng dễ xảy ra cháy trong mùa khô như rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo) và rừng tràm Nhơn Hưng (thuộc xã Nhơn Hưng).

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tịnh Biên cho biết, để phòng cháy rừng, huyện đã triển khai phát dọn cỏ chăm sóc như chặt dây leo, cây bụi, đôn đốc các hộ nhận giao khoán rừng thực hiện đường băng trắng chiều rộng 3,0m xung quanh lô rừng. Phát dọn đường băng cản lửa các vùng trọng điểm cháy đã được xác định như khu vực núi Phú Cường, đường công binh Núi Cấm …với chiều rộng từ 10-30 m, ngăn ngừa lửa cháy lan trên diện rộng.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, huyện Tịnh Biên cũng đốt chủ động diện tích đất cỏ ven chân núi, đất cỏ giáp ranh diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất cỏ ven chân núi nơi có nhiều người thường xuyên qua lại nhằm ngăn ngừa lửa cháy lan vào rừng trước khi vào cao điểm phòng cháy.

Ngoài ra, huyện cũng thường xuyên kiểm tra lượng nước ở các hồ, bồn nước hiện có, những bồn còn ít nước vận động hộ nhận giao khoán rừng đổ nước bổ sung cho đầy, những bồn không có người trực tiếp quản lý thì thuê mướn gánh nước đổ bồn, vùng không có bồn nước thì bố trí can nhựa 10 lít để kịp thời chữa cháy khi xảy ra cháy rừng.

Vùng đồi núi huyện Tri Tôn có 2.550 ha rừng, khu vực có nguy cơ cháy cao như: Đồi 81, đồi 400 (Núi Dài lớn), núi Tượng.... với diện tích 1.850 ha, chiếm 41,98% diện tích rừng của huyện.

Ông Đỗ Minh Trí, Phó Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn nhấn mạnh, để phòng cháy rừng, ở vùng đồi núi, huyện sẽ tập trung tuần tra, kiểm tra giám sát vệ sinh rừng sau khai thác tại các địa điểm khai thác tầm vông, tỉa thưa rừng Keo lá tràm…  Vùng đồng bằng huyện quản lý chặt nguồn nước dự trữ trong rừng và tình trạng đốt đồng nên thực hiện phương án đốt chủ động có kiểm soát thảm thực bì trong và ngoài lâm phần.

Theo ông Đỗ Minh Trí, thời gian tới huyện Tri Tôn quyết tâm phòng cháy tốt, chữa cháy kịp thời, hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy rừng gây ra theo phương châm 4 tại chỗ; trong đó chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, dụng cụ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Khi xảy ra cháy rừng, cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp chữa cháy rừng kịp thời để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy xảy ra.

Hơn nữa, ảnh hưởng của thời tiết diễn biến thất thường, địa hình đồi dốc, đi lại khó khăn, nguồn nước khan hiếm trong mùa khô khiến rừng An Giang đối mặt với nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào. Bên cạnh đó, các chùa chiền, các khu, điểm du lịch nằm xen lẩn trong các khu rừng, nếu bất cẩn sử dụng lửa, đốt nhang, đốt giấy vàng bạc … sẽ gây cháy rừng.

Ông Thái Văn Nhân, Giám đốc Ban quản lý rừng phòng hộ và đặc dụng tỉnh An Giang khẳng định, mùa khô hạn năm nay, An Giang kiên quyết không để xảy ra cháy rừng. Nếu có xảy ra cháy phải cố gắng tập trung mọi nguồn lực, phương tiện dập tắt kịp thời, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về rừng.

Để phòng chống cháy rừng, ông Thái Văn Nhân cho hay, từ cuối mùa mưa, Ban quản lý rừng đã tiến hành kiểm tra, sửa chữa, mua sắm bổ sung các phương tiện, dụng cụ và tiến hành bố trí xuống các chốt bảo vệ rừng; định vị, rà soát thống kê toàn bộ các hồ đập, bồn chứa nước phục vụ dân sinh và phòng cháy chữa cháy rừng trên khu vực đồi núi với 197 điểm chứa nước; tổ chức thuê mướn gánh nước đổ vào 150 bồn chứa ở các sườn núi....

Năm 2020, trên địa bàn tỉnh An Giang xảy ra 13 vụ cháy rừng với diện tích gần 11 ha, chủ yếu ở hai huyện biên giới là Tịnh Biên và Tri Tôn. Các vụ cháy xuất hiện trong khung giờ từ 10 giờ trưa đến 16 giờ chiều, các điểm cháy xuất hiện rãi rác trải đều trên địa bàn có địa hình đồi dốc rất phức tạp, thiếu nước nghiêm trọng. Diện tích cháy trên đa số có vật liệu cháy chủ yếu là cỏ, lá tầm vông... nên chỉ cháy lướt lớp thực bì dưới tán rừng, không gây ảnh hưởng đến rừng../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục