An Giang đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8,5%

16:25' - 26/12/2024
BNEWS Năm 2025 là năm tỉnh An Giang tăng tốc, bức phá, về đích và phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021-2025.

Năm 2025, An Giang đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt 8,5%. Đây là thông tin được Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước báo cáo tại kỳ họp thứ 26 HĐND tỉnh An Giang khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026 do Thường trực HĐND tỉnh An Giang tổ chức ngày 26/12.

 

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang: Năm 2025 là năm tỉnh tăng tốc, bức phá, về đích và phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm 2021-2025. Vì vậy, tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP cả năm 2025 đạt từ 8,5% trở lên; GRDP bình quân đầu người đạt 75 triệu đồng/người/năm. Tổng vốn đầu tư xã hội đạt 50.563 tỷ đồng; kim ngạch xuất khẩu đạt 1,23 tỷ USD; thu ngân sách đạt 8.471 tỷ đồng.

“An Giang cũng đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa đạt 43% trở lên; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân 0,5 - 1% năm; tỷ lệ cơ quan nhà nước các cấp hoàn thiện chính quyền điện tử đạt 90%. Toàn tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 2 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước sạch, hợp vệ sinh đạt 96,5%…”, ông Phước thông tin tại kỳ họp.

Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết: Tỉnh sẽ ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ sản xuất kinh doanh; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống như đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới như kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ và kinh tế ban đêm..

An Giang sẽ có các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, kịp thời hơn nữa, sớm khắc phục các điểm nghẽn, hạn chế để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025. Tỉnh cũng tập trung các nguồn lực để hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng động bộ, hiện đại; khẩn trương hoàn thành thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới trong năm 2025; tập trung tối đa nguồn lực cho Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua An Giang và các dự án trọng điểm của tỉnh. Tỉnh cũng kiên quyết xử lý nghiêm các chủ đầu tư, nhà thầu thi công chậm trễ, thiếu trách nhiệm.

Để thu hút nhà đầu tư, An Giang cũng tập trung cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); hỗ trợ doanh nghiệp và tập trung thu hút đầu tư tại chỗ. Tỉnh cũng triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án trọng điểm thuộc các lĩnh vực ưu tiên của tỉnh như các dự án khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các khu chức năng của khu kinh tế cửa khẩu, hạ tầng thương mại - dịch vụ - du lịch; tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư...

Theo UBND tỉnh An Giang, năm 2024, GRDP An Giang đạt 7,16%; trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,67%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 12,73%; khu vực dịch vụ tăng 8,34%; thuế trừ trợ cấp tăng 2,51%. Bên cạnh đó, GRDP bình quân đầu người An Giang đạt 66,24 triệu đồng/năm; tổng thu ngân sách đạt gần 7.920 tỷ đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,22 tỷ USD…

An Giang thực hiện đạt và vượt 13/15 chỉ tiêu mà Nghị quyết HĐND tỉnh đã đề ra; trong đó có 5 chỉ tiêu vượt, 8 chỉ tiêu đạt và 2 chỉ tiêu chưa đạt là tốc độ tăng trưởng GRDP và GRDP bình quân đầu người.

Năm 2024, giải ngân vốn đầu tư công của An Giang chưa đạt yêu cầu; thu tiền sử dụng đất chưa đạt kế hoạch năm 2024. Trong năm tuy số doanh nghiệp đăng ký mới trên địa bàn tỉnh An Giang tăng, nhưng số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, rời khỏi thị trường lại cao hơn so với năm 2023. Đặc biệt, thu hút đầu tư các dự án mới trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn, cả năm 2024 tỉnh ghi nhận chưa có dự án mới đăng ký đầu tư….

Phát biểu tại kỳ họp, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang Lê Văn Nưng đánh giá trong năm 2024, các khu vực kinh tế của tỉnh đều có sự phát triển tích cực; văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe nhân dân và an sinh xã hội được quan tâm, cải thiện đáng kể về chất lượng. Đặc biệt, Lễ hội vía bà Chúa xứ Núi Sam được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, là niềm vinh dự, tự hào lớn của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân An Giang.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông Lê Văn Nưng cho rằng kinh tế, xã hội năm 2024 của tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Có 2 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu của nghị quyết; giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 85% chưa đạt theo yêu cầu của Chính phủ là trên 95%; các Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hài lòng (Sipas)… chậm được cải thiện, gây ảnh hưởng nhiêu đến hoạt động thu hút đầu tư của tỉnh. Đặc biệt tình hình tai nạn giao thông, người nghiện ma túy có chiều hướng gia tăng.

Tại kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh An Giang đề nghị các đại biểu HĐND nghiên cứu, đánh giá sát thực, khách quan, toàn diện mặt được, chưa được, phân tích nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan, đề xuất các giải pháp cụ thể để có những quyết sách kịp thời, đúng đắn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục