An Giang đầu tư cảng, bến tại Phú Quốc

10:38' - 23/07/2025
BNEWS Đảo Phú Quốc, tỉnh An Giang đang trên đà phát triển mạnh mẽ, định hướng trở thành một đặc khu kinh tế năng động, đẳng cấp quốc tế.

Trong đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại, Phú Quốc chú trọng phát triển hệ thống cảng, bến trên đảo với nhiều mục tiêu chiến lược, góp phần tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương, bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Hiện trạng hệ thống cảng, bến

Theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 và Quyết định số 442/QĐ-TTg ngày 22/5/2024 của Thủ tướng Chính phủ về quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cảng biển Kiên Giang (cũ) nay là tỉnh An Giang thuộc nhóm cảng biển số 5; trong đó, quy hoạch vùng đất và vùng nước khu vực đảo Phú Quốc phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đặc khu Phú Quốc, có bến hành khách quốc tế kết hợp làm hàng tổng hợp, cỡ tàu khách quốc tế đến 225.000 GT, tàu tổng hợp đến 30.000 tấn. Các bến cảng An Thới, Vịnh Đầm, Bãi Vòng, Mũi Đất Đỏ có bến tổng hợp, hàng lỏng/khí, bến khách, phà biển, bến du thuyền và cỡ tàu trọng tải đến 3.000 tấn. Việc phát triển hệ thống cảng và bến tại Phú Quốc không chỉ đơn thuần là mở rộng hạ tầng giao thông mà còn mang nhiều mục tiêu chiến lược và kinh tế quan trọng.

Theo Sở Xây dựng tỉnh An Giang, Phú Quốc hiện có hệ thống cảng, bến quan trọng, gồm: Cảng Hành khách quốc tế có tổng mức đầu tư hơn 1.644 tỷ đồng đã được phê duyệt từ năm 2015. Cục Quản lý đầu tư xây dựng - Bộ Giao thông vận tải (nay là Bộ Xây dựng) kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình theo quy định và chấp thuận vào tháng 3/2024. Cảng đã được Cục Hàng hải Việt Nam công bố mở bến và gia hạn thời gian khai thác đến 30/6/2025. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là hải đồ điện tử của cảng phải được cập nhật bởi Văn phòng thủy văn Vương Quốc Anh (UKHO) để đáp ứng yêu cầu của các hãng tàu quốc tế.

Tiếp đến, Cảng biển An Thới, tháng 1/2025, Cục Hàng hải Việt Nam đã bàn giao tài sản kết cấu hạ tầng hàng hải cảng này cho tỉnh An Giang quản lý, khai thác. Hiện tại, Cảng biển An Thới đã xuống cấp do nhiều năm không sử dụng và phao luồng không còn. Sở Xây dựng An Giang đang nghiên cứu đề án quản lý khai thác cảng trình UBND tỉnh phê duyệt.

Đối với bến cảng Bãi Vòng, tháng 9/2024, Công ty cổ phần Hòa Bình Hàm Ninh đã nộp đủ tiền bồi thường và đang thực hiện các hoạt động quản lý khai thác, chuẩn bị đầu tư các hạng mục theo quy hoạch.

Cùng đó, Cảng Vịnh Đầm là cảng tổng hợp hành khách và hàng hóa, vật liệu xây dựng do Công ty cổ phần Toàn Hải Vân quản lý và khai thác. Cảng đã hoàn thành các hạng mục giai đoạn 1, nhưng còn nhiều hạng mục chưa hoàn thành như: Nạo vét luồng (đá ngầm), xây dựng bờ kè chưa được phê duyệt, công tác giải phóng mặt bằng và bàn giao đất.

Cảng có chiều dài 500 m, với 5 cầu bến có khả năng tiếp nhận tàu 1.500 DWT; 2 bến hành khách cho tàu cao tốc 300 khách và 1 bến phà tiếp nhận tàu 300 khách; năng lực bốc dỡ hàng hóa từ 1 - 1,5 triệu tấn/năm; kho diện tích 10.000 m² và bãi tập kết hàng hóa 250.000 m².

Bến Mũi Đất Đỏ được quy hoạch với chức năng như: Bến tổng hợp, hàng lỏng/khí, bến khách, phà biển, bến du thuyền; cỡ tàu trọng tải đến 3.000 tấn. Tuy nhiên, khu vực này đã được quy hoạch xây dựng các công trình phục vụ Hội nghị APEC 2027 nên không thể thực hiện đầu tư cảng theo quy định.

Ngoài ra, khu vực ấp Bãi Vòng có 5 bến tạm chủ yếu phục vụ nhu cầu cung ứng vật liệu xây dựng và UBND tỉnh thống nhất gia hạn hoạt động đến ngày 31/12/2025. Cụ thể như bến tạm thủy nội địa Hồng Ngọc, khả năng tiếp nhận phương tiện 3.500 DWT, 2 triệu tấn hàng hóa/năm; bến tạm thủy nội địa Phú Thành, khả năng tiếp nhận phương tiện 1.800 DWT, 720.000 tấn hàng hóa/năm; bến tạm thủy nội địa Vo Va, khả năng tiếp nhận phương tiện 1.800 DWT, 219.000 tấn hàng hóa/năm; hai bến tạm thủy nội địa Hòa Bình và bến tạm thủy nội địa Quốc Chánh, với tàu phà phục vụ hành khách và vận chuyển hàng hóa, ô tô tuyến Hà Tiên - Phú Quốc, Rạch Giá - Phú Quốc.

Phú Quốc đầu tư phát triển hệ thống cảng trên đảo, nhằm mở rộng khả năng kết nối, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và khẳng định vị thế quốc tế. Hệ thống cảng không chỉ giúp đảo Ngọc lưu thông hàng hóa mà còn tạo điểm nhấn đô thị, thúc đẩy dịch vụ du lịch biển, kết hợp phát triển kinh tế với đảm bảo quốc phòng - an ninh, hướng đến một đô thị biển hiện đại, năng động và hội nhập.

Mục tiêu chiến lược kinh tế quan trọng

Lãnh đạo tỉnh An Giang nhấn mạnh, phát triển hệ thống cảng trên đảo Phú Quốc thực hiện mục tiêu chiến lược và kinh tế quan trọng của đặc khu, thúc đẩy giao thương và du lịch, đặc biệt là năng lực đón tàu du lịch quốc tế cỡ lớn, mở ra cơ hội phát triển du lịch biển cao cấp và kết nối toàn cầu; kết nối đảo với đất liền, tăng năng lực vận tải biển, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng An Giang Đào Huy Hiệp cho biết, đặc khu Phú Quốc có khoảng 321 dự án đầu tư còn hiệu lực trong các khu quy hoạch; trong đó, có 268 dự án đang và sẽ triển khai xây dựng, nhu cầu vật liệu xây dựng khoảng 7,5 triệu tấn/năm; trong đó, nhu cầu vật liệu xây dựng phục vụ các công trình APEC 2027 khoảng 5 triệu tấn/năm, vật liệu đá khoảng 4,8 triệu m³. Cạnh đó, lượng khách đi và đến Phú Quốc đường biển trung bình 6.000 lượt/ngày, ngoài ra, còn có số lượng lớn ô tô được vận chuyển qua lại tại các bến tạm.

Như vậy, nhu cầu vận chuyển vật liệu xây dựng, hàng hóa và hành khách trên địa bàn đặc khu Phú Quốc là rất lớn. Điều kiện tự nhiên khu vực biển Phú Quốc rất thuận lợi cho việc tiếp nhận các tàu trọng tải lớn và việc vận chuyển hàng hóa bằng phương tiện thủy càng lớn thì giá thành sản phẩm càng thấp, góp phần kéo giá thành vật liệu xây dựng giữa đất liền và đảo Phú Quốc gần nhau hơn, nhằm giảm chi phí cho nhà đầu tư, thu hút đầu tư, xúc tiến nhanh quá trình phát triển đặc khu Phú Quốc.

Tuy nhiên, hiện trạng hạ tầng cảng, bến trên địa bàn đặc khu này còn nhiều bất cập, đòi hỏi những giải pháp quyết liệt, đồng bộ và kịp thời để khai thác, sử dụng hiệu quả hơn.

Điển hình như cảng Vịnh Đầm, đến nay vẫn chưa hoàn thành, cần tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư sớm hoàn thành, góp phần đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển của đặc khu Phú Quốc.

Tiếp đến, tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, các bến cảng tạm khu vực Bãi Vòng theo hướng mở rộng, nâng công suất, có bến cảng tổng hợp, bến khách, hàng rời, hàng lỏng/khí, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang, đặc khu Phú Quốc và góp phần phát triển kinh tế biển vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Mới đây, trong chuyến khảo sát hệ thống cảng, bến trên đảo Phú Quốc, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Xuân Sang đề nghị tỉnh An Giang và đặc khu Phú Quốc khẩn trương xây dựng phương án khai thác hiệu quả cảng hành khách quốc tế An Thới - công trình hạ tầng giao thông trọng điểm đã được Bộ bàn giao. Đồng thời, đề nghị các ngành chức năng tỉnh rà soát, chấn chỉnh hoạt động khai thác cảng, đảm bảo an toàn, an ninh cho phương tiện và hành khách, phục vụ du lịch, vận chuyển hành khách và hàng hóa, vật liệu xây dựng, nhất là phục vụ APEC 2027.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục