An Giang phân bổ gần 17.700 tỷ đồng cho 69 dự án giao thông

18:13' - 29/11/2023
BNEWS UBND tỉnh An Giang cho biết: Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã phân bổ nguồn vốn đầu tư công cho 69 dự án hạ tầng giao thông với số tiền gần 17.700 tỷ đồng.

Báo cáo tại Hội nghị Tỉnh ủy An Giang lần thứ XIV để kiểm điểm giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020 - 2025), do Ban Thường vụ Tỉnh ủy An Giang tổ chức ngày 29/11, UBND tỉnh An Giang cho biết: Giai đoạn 2021-2023, tỉnh đã phân bổ nguồn vốn đầu tư công cho 69 dự án hạ tầng giao thông với số tiền gần 17.700 tỷ đồng.

 

Theo UBND tỉnh An Giang, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 được triển khai trong bối cảnh chịu tác động nặng nề bởi COVID-19. Tuy nhiên với nhiều nỗ lực, cố gắng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh cũng các cấp, ngành, địa phương, qua nửa nhiệm kỳ An Giang có 15/16 chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội thực hiện vượt và đạt tiến độ ít nhất trên 50% so với kế hoạch. Riêng chỉ tiêu GRDP giai đoạn 2020 - 2023 đạt mức tăng bình quân 5,08%, tuy còn thấp nhưng đây là mức tăng khá trong điều kiện chịu ảnh hưởng của COVID-19.

Thực hiện 3 khâu đột phá của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, đến nay An Giang đã phân bổ nguồn vốn đầu tư công cho 69 dự án hạ tầng giao thông với số tiền gần 17.700 tỷ đồng, chiếm 49,97% so với tổng nguồn vốn đầu tư công toàn tỉnh. Tỉnh cũng đưa vào vận hành Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh bước đầu tích hợp 10 lĩnh vực về kinh tế - xã hội - an ninh, góp phần nâng cao hiệu quả chỉ đạo, điều hành của địa phương…

Lĩnh vực kinh tế, An Giang đã tập trung đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh hàng hóa nông sản An Giang. Tỉnh tập trung đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng phát huy lợi thế của từng vùng, từng địa phương, gắn với nhu cầu thị trường; phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn có liên kết với doanh nghiệp gắn với truy xuất nguồn gốc, ứng dụng khoa học công nghệ ngày càng được chú trọng.

An Giang cũng đã tập trung phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác gắn với tổ chức sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng chủ lực; triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển thương hiệu gạo tỉnh An Giang đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”; Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được tập trung thực hiện. Đến nay, toàn tỉnh có 88 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP từ 3 sao trở lên.

Giai đoạn 2021-2023, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tại An Giang được triển khai thực chất và mang lại hiệu quả tích cực. Dự kiến đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 76/110 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. An Giang cũng tập trung, ưu tiên phân bổ vốn đầu tư công cho các dự án lớn có tính chất liên kết vùng, dự án trọng điểm của tỉnh, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và cải thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Trong đó, nhiều dự án sử dụng vốn đầu tư công hoàn thành đã giải quyết những yêu cầu bức thiết trong đời sống kinh tế - xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế, cải thiện đời sống nhân dân, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh.

Trong 2 năm 2022 và 2023, An Giang đã ký kết bản thỏa thuận hợp tác toàn diện kinh tế - xã hội với tỉnh Đồng Tháp, Tuyên Quang và Thành phố Hồ Chí Minh, thúc đẩy hợp tác với Cần Thơ, Kiên Giang, nhằm phát huy các thế mạnh của tỉnh; kết nối cơ hội đầu tư, kinh doanh; thúc đẩy thương mại, dịch vụ; phát triển cơ sở hạ tầng… Tỉnh cũng tập trung nâng cao năng lực doanh nghiệp, phát huy vai trò kinh tế tư nhân trở thành động lực cho phát triển...

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu phát triển kinh tế trong nửa nhiệm kỳ, nhưng theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tiến độ thực hiện một số công trình trọng điểm còn chậm, giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh còn gặp khó khăn; đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu kinh tế cửa khẩu còn chậm, chưa đồng bộ. Tỷ lệ lấp đầy các cụm công nghiệp chưa cao, chưa hình thành các cụm công nghiệp chuyên ngành. Đặc biệt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 99% nên khả năng cạnh tranh, trình độ tiếp cận thông tin, nền tảng số còn hạn chế…

Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế cuối nhiệm kỳ theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết: An Giang sẽ tập trung triển khai nhanh Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân cho các ngành hàng chủ lực, tiềm năng, gắn với đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Thời gian tới, An Giang chú trọng hỗ trợ tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong tỉnh tiếp cận, kết nối giao thương với các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn, hiện đại trong nước và quốc tế nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ, phát triển thương mại, xuất khẩu hàng hóa. Song song đó, tỉnh tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm của Trung ương, tỉnh và giải ngân vốn đầu tư công. Tỉnh ưu tiên đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án tuyến đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đoạn qua địa bàn, Dự án đầu tư xây dựng tuyến nối Quốc lộ 91 và tuyến tránh thành phố Long Xuyên, các tuyến giao thông liên vùng…

Bên cạnh đó, tỉnh tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tập trung đầu tư, nâng cấp mở rộng cơ sở hạ tầng khu vực biên giới đồng bộ, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu giao thương qua biên giới; nghiên cứu xây dựng Đề án đầu tư Khu kinh tế cửa khẩu An Giang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tỉnh đẩy mạnh, hợp tác, liên kết với các tỉnh trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh vùng Đông Nam Bộ để khai thác tối đa các thế mạnh của địa phương; mời gọi các nhà đầu tư uy tín, có năng lực; đầu tư các dự án phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh...

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục