Ẩn họa tín dụng đen sau đại dịch COVID-19 - Bài 1: Cảnh giác với “bẫy” tín dụng đen

17:15' - 07/07/2020
BNEWS Hoạt động tín dụng "đen" đang lộng hành khi một số người dân rơi vào cảnh mất việc làm nên không còn đáp ứng được điều kiện vay ngân hàng, trong khi chưa tiếp cận được với dịch vụ tài chính hợp pháp.

Thấy không còn “ăn khách”, nhất là với công nhân, người lao động nghèo khi cung cấp số điện thoại cho vay nhanh qua các tờ rơi, danh thiếp, nhiều đối tượng cho vay nóng đã chuyển sang hình thức cho vay thông qua ứng dụng công nghệ thông tin.

Đặc biệt, lợi dụng tình hình khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều đối tượng đã trục lợi bằng hoạt động tín dụng đen núp bóng các hình thức cho vay nhanh, qua ứng dụng (app) vay tiền trực tuyến… khiến người lao động nghèo rơi vào cảnh lao đao khi lỡ rơi vào vòng xoáy trả nợ không hồi kết. 

Trong xu thế số hóa, việc ngăn chặn tín dụng đen đòi hỏi phải có giải pháp đồng bộ từ Trung ương đến địa phương và nhiều đơn vị.

Trong đó, việc phát triển thị trường tài chính lành mạnh được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm đáp ứng nhu cầu người dân cũng như ngăn chặn tín dụng đen “hoành hành”.

Bài 1: Cảnh giác với “bẫy” tín dụng đen

Cho vay tiêu dùng đang là một hình thức phổ biến, phát triển tương đối rộng rãi, đáp ứng được phần lớn nhu cầu của người dân.

Thế nhưng, một bộ phận người dân có hoàn cảnh khó khăn, nhất là sau đại dịch COVID-19 rơi vào cảnh mất việc làm nên không còn đáp ứng được điều kiện vay ngân hàng, trong khi lại chưa tiếp cận được với các dịch vụ tài chính hợp pháp… Điều này đã tạo “kẽ hở” cho hoạt động tín dụng đen “lộng hành” với lãi suất “cắt cổ”.

* Người lao động đối mặt với khó khăn tăng dần

Đại dịch COVID-19 bùng phát trên toàn cầu đã ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc phải thu hẹp quy mô sản xuất. Đến nay, tình trạng này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại khiến người lao động rơi vào cảnh thất nghiệp, gặp nhiều khó khăn.

Riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, thông tin từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội Tp. Hồ Chí Minh cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2020 có gần 328.000 người lao động nghỉ việc. Đến đầu tháng 7/2020 đã có trên 90.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Khảo sát nhanh của Cục Thống kê Tp. Hồ Chí Minh tại 16.300 doanh nghiệp cho thấy, có gần 14.000 doanh nghiệp bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19, chiếm 86%. Do thiếu nguyên liệu, đơn hàng, khoảng 8.400 doanh nghiệp có khả năng dừng hoạt động, phải cắt giảm lượng lớn lao động.

Theo ông Lê Minh Tấn - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Tp. Hồ Chí Minh, xét theo khu vực kinh tế thì lao động làm việc trong khu vực kinh tế tư nhân nhỏ lẻ, kinh tế hộ gia đình hoặc khu vực kinh tế phi chính thức chịu ảnh hưởng nặng nề, có tỷ lệ mất việc cao hơn.

Khu vực này đã cho người lao động nghỉ không lương rất nhiều chủ yếu trong số này không có hợp đồng lao động, không đóng bảo hiểm. Số lao động mất việc trong khu vực phi chính thức rất lớn.

Vì mất việc làm và hầu hết lại không có tài sản bảo đảm nên nhiều lao động khó tiếp cận với nguồn vốn vay từ ngân hàng cũng như các công ty tài chính uy tín. Đây được xem là “kẻ hở” để tín dụng đen “len lỏi” vào đời sống người lao động.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn - Giám đốc chi nhánh CEP (Tổ chức Tài chính vi mô) Quận 8, hiện chưa có thống kê hay một báo cáo chính thức về số người vướng vào "vòng vây" tín dụng đen hay vay với lãi suất cao.

Tuy nhiên, khảo sát từ nhiều người cho thấy, phần lớn vụ việc xảy ra (vay với lãi suất cao) ở các doanh nghiệp có thâm dụng lao động cao hay lao động ở các khu vực phi chính thức, nơi có đông dân cư lao động nghèo như Quận 7, Quận 8, Bình Tân, Quận 12...

Ở các địa bàn này, nhiều người đã rơi vào hoàn cảnh đời sống kinh tế khó khăn, nhất là qua thời gian dịch bệnh nên đã vay qua tín dụng đen hay qua app với lãi suất cao.

Ông Trương Hồng Sơn - Chủ nhiệm Ủy Ban kiểm tra Liên đoàn Lao động Tp. Hồ Chí Minh cho biết, dù người lao động đã dần ý thức việc vay tín dụng đen theo tiêu chí nhanh, gọn, thủ tục đơn giản được các đối tượng dán nhiều trên các bức tường gần khu vực công nhân lao động làm việc hoặc gắn lên cửa, nhét vào trong nhà, khu lưu trú của công nhân nhưng vẫn có trường hợp “vô tình” vướng vào những đường dây này.

Đó là do có sự tham gia của nhân vật thứ ba – “người giới thiệu” để vay nhanh. Tín dụng đen đang cố tìm mọi cách, bằng nhiều hình thức để len lỏi vào cuộc sống của người lao động.

* Tội phạm tín dụng đen vẫn diễn biến phức tạp

Theo Thượng tá Thái Thanh Xuân - Trưởng phòng Tham mưu, Công an Tp. Hồ Chí Minh, trong 6 tháng đầu năm 2020, Công an Thành phố đã triệt phá 362 băng, nhóm tội phạm hình sự; trong đó, có không ít các băng nhóm hoạt động “tín dụng đen” và biến tướng của “tín dụng đen”.

Vào tháng 5/2020, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Tp. Hồ Chí Minh đã triệt phá băng nhóm hoạt động cho vay nặng lãi tại tiệm cầm đồ 399 Trần Văn Giàu (phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân), do Nguyễn Bá Mẽ (sinh năm 1987, quê Thái Nguyên) cầm đầu.

Nhóm này đã lập một tài khoản “Tiêu dùng 4.0” trên Facebook và thường xuyên đăng thông tin cho vay kèm số điện thoại để ai có nhu cầu vay liên lạc.

Trong thời điểm vừa qua, lợi dụng tình hình dịch COVID-19 ảnh hưởng đến công việc, thu nhập của nhiều người, Mẽ cho đàn em đẩy mạnh hoạt động tín dụng đen.

Theo đó, đường dây này cho vay từ 5-300 triệu đồng với lãi suất từ 20 - 45%/tháng. Nếu người vay trả góp hàng ngày cả gốc và lãi trong vòng 30 ngày thì lãi suất 20%/tháng. Còn nếu "vay đứng", tức chỉ trả lãi hàng ngày thì lãi suất lên tới 45%/tháng.

Thủ tục cho vay của băng này cũng rất đơn giản để dễ lôi kéo khách hàng như: chỉ yêu cầu người vay thế chấp giấy tờ tùy thân (chứng minh nhân dân, thẻ căn cước, sổ hộ khẩu, đăng ký xe...) nhưng điều kiện bắt buộc là phải để người cho vay đến tận nơi ở của người vay xác minh, viết giấy biên nhận vay thì mới giao tiền.

Ước tính, chỉ trong thời gian ngắn hoạt động cho đến khi bị bắt, băng này đã cho vay khoảng 21 tỷ đồng.

Người vay chủ yếu là dân lao động nghèo, thuộc nhiều địa phương, nhưng số đông tập trung tại khu vực Tp. Hồ Chí Minh.

Đáng lưu ý, qua khám xét, nhóm này còn tàng trữ rất nhiều hung khí nguy hiểm như mã tấu, dao tự chế, ống tuýp sắt sắc nhọn..., thậm chí là cả áo chống đạn. Mục đích sử dụng của những hung khí này là để hù dọa người vay tiền nhằm đòi nợ.

Chỉ nhìn vào hoạt động của băng nhóm này cũng cho thấy hành vi phạm tội tín dụng đen ngày càng nguy hiểm và phức tạp.

Trên cả nước, thỉnh thoảng lại rộ lên những thông tin đau lòng về các vụ việc liên quan đến tín dụng đen và những hành vi truy đòi nợ mang tính “côn đồ”.

Mới đây, dư luận đặc biệt phẫn nộ trước thông tin ông L.T.T ở phường 14, quận Gò Vấp, Tp. Hồ Chí Minh phải tự tử, được cho là do áp lực trả nợ.

Trước đó ông T. có vay tiền của Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) và 3 công ty tài chính khác với tổng dư nợ là 134 triệu đồng.

Sự việc xảy ra khiến dư luận không khỏi băn khoăn và cho rằng có sự gây áp lực từ công ty này tới người vay, dù phía công ty lên tiếng phủ nhận.

Trước mức độ nghiêm trọng của vụ việc, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã yêu cầu UBND Tp. Hồ Chí Minh chỉ đạo lực lượng chức năng kiểm tra, xác minh làm rõ thông tin nêu trên.

Nếu đúng như nội dung báo chí phản ánh thì phải xử lý nghiêm minh các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định pháp luật; đồng thời báo cáo kết quả lên Thủ tướng Chính phủ trước ngày 10/7/2020.

Đáng báo động, hiện đang dấy lên các hoạt động cho vay qua app nhanh, gọn, không quan trọng về các thủ tục, bảo lãnh hoặc thế chấp.

Thực chất, đây cũng là một hình thức vay nặng lãi mà còn ít người để ý. Nhiều công nhân lao động có nguy cơ “mắc cạn” không có lối thoát khi chẳng may sa vào hình thức vay này./.

Bài 2: Nở rộ các app cho vay trực tuyến

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục