An ninh năng lượng trong kỷ nguyên AI và biến động địa chính trị
Theo Tạp chí The Interpreter của Viện Lowy (Australia), trong bối cảnh địa chính trị và công nghệ năng lượng toàn cầu đang thay đổi nhanh chóng, Mỹ cần chuyển đổi cách tiếp cận từ “nhận diện rủi ro” sang “hành động quyết đoán”, tăng cường sản xuất năng lượng trong nước và bảo vệ cơ sở hạ tầng để duy trì vị thế dẫn đầu.
Hai thập kỷ trước, Mỹ phải nhập khẩu phần lớn dầu mỏ từ các quốc gia khác để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước. Bất kỳ sự gián đoạn nào về nguồn cung dầu mỏ đều gây ra những vấn đề nghiêm trọng cho Mỹ. Nỗi lo sợ khan hiếm nguồn cung năng lượng đã chi phối chính sách đối ngoại của Mỹ giai đoạn này khi giá dầu đột ngột tăng vọt và tình trạng bất ổn địa chính trị đã gây ra bất ổn trên thị trường năng lượng toàn cầu. Kể từ những năm 1970, các Tổng thống Mỹ đã nhận ra tầm quan trọng của việc giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ nước ngoài, nhấn mạnh tính cần thiết của tình trạng "độc lập về năng lượng".Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ khai thác dầu và khí đốt từ đá phiến sét ở Mỹ vào những năm 2010 đã thực sự thay đổi cuộc chơi. Tận dụng công nghệ tiên tiến và tinh thần đổi mới của khu vực tư nhân, các nhà sản xuất Mỹ đã đưa quốc gia này từ vị thế nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới trở thành nhà sản xuất dầu lớn nhất. Cán cân quyền lực đã thay đổi. Khi tên lửa nước ngoài nhắm vào cơ sở chế biến dầu Abqaiq của Saudi Arabia vào năm 2019, giá dầu vẫn ổn định một cách đáng kinh ngạc, cho thấy sự tương phản rõ rệt so với những gì đã xảy ra trong các năm trước đó.Mặc dù những quốc gia thành viên của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ và những đối tác (OPEC+) vẫn có vai trò ảnh hưởng, nhưng quyền lực của nhóm này trong việc ra quyết định đã suy yếu. Bức tranh năng lượng toàn cầu đã được “vẽ lại”.
Tuy nhiên, an ninh năng lượng không phải là thứ đạt được một lần rồi bị lãng quên. Đó là một cuộc đấu tranh liên tục, luôn thay đổi bởi bối cảnh chính trị không ngừng biến động, sự xuất hiện của những tiến bộ công nghệ mới và những biến động trên thị trường. Hãy nghĩ đến việc Nga sử dụng khí đốt tự nhiên làm "lá bài" trong cuộc xung đột với Ukraine, căng thẳng leo thang ở Trung Đông hoặc sự kiểm soát ngày càng tăng của những cường quốc đối với các khoáng sản quan trọng.Ngày nay, vấn đề an ninh năng lượng không chỉ giới hạn ở các yếu tố truyền thống như đảm bảo chuỗi cung ứng và năng lực lọc dầu, mà còn bao gồm cả việc xem xét những mối quan hệ đang phát triển nhanh chóng giữa năng lượng, trí tuệ nhân tạo và an ninh mạng.Cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo (AI) đang khiến nhu cầu điện tăng vọt chưa từng thấy. Các trung tâm dữ liệu được ước tính hiện đang sử dụng khoảng 4% tổng lượng điện của Mỹ, có thể chiếm tới 12% chỉ trong vài năm tới, gây thêm áp lực lên lưới điện vốn đã suy yếu. Đồng thời, cơ sở hạ tầng năng lượng ngày càng phụ thuộc vào công nghệ kỹ thuật số, nghĩa là sử dụng các hệ thống kỹ thuật số để vận hành và quản lý.Điều này tạo ra điểm yếu khiến các cơ sở năng lượng quan trọng dễ bị tấn công mạng – hoặc bị phá hoại vật lý ở những kết nối quan trọng. Các cuộc tấn công vào đường ống dẫn dầu và nhà máy điện đã cho thấy những điểm yếu trong hệ thống kỹ thuật số có thể gây ra hậu quả thực tế, làm gián đoạn nguồn cung năng lượng, đẩy giá lên cao và làm suy yếu sự ổn định kinh tế.
Điều này chỉ ra rằng cần có một sự thay đổi trong cách tiếp cận từ việc chỉ đơn thuần nhận thức về các nguy cơ đến việc thực sự hành động để giải quyết chúng bằng cách thích ứng và thực hiện những giải pháp cụ thể. Câu chuyện của châu Âu là một lời cảnh tỉnh.Quyết định của Đức trong việc thúc đẩy loại bỏ năng lượng hạt nhân sau thảm họa Fukushima năm 2011 đã cho thấy kết quả của chính sách này không như mong đợi. Thay vì chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo hoàn toàn, một nền kinh tế hiện đại như Đức hiện giờ đã phải tăng cường sử dụng than đá để bù đắp sự thiếu hụt năng lượng do việc đóng cửa các nhà máy điện hạt nhân. Sự thay đổi này đã dẫn đến chi phí cao hơn, an ninh năng lượng thấp hơn và một cơ sở công nghiệp mong manh hơn. Mặc dù vậy, vấn đề cốt lõi là sự thiếu hụt sản xuất năng lượng trong nước vẫn chưa được giải quyết.
Đây là bài học mà Mỹ không thể bỏ qua. An ninh năng lượng được xây dựng trên sức mạnh, không phải sự khan hiếm. Việc tin rằng năng lượng tái tạo có thể dễ dàng thay thế dầu mỏ là một ảo tưởng rủi ro. Mặc dù sự tăng trưởng của năng lượng gió và Mặt Trời sẽ nổi bật hơn, nhưng nhu cầu về dầu, khí đốt và năng lượng hạt nhân vẫn tiếp tục tăng.Trong khi đó, Trung Quốc đang không chần chừ. Bắc Kinh không chỉ chủ động tập trung vào việc đảm bảo nguồn cung tài nguyên, mà còn đang nỗ lực kiểm soát toàn bộ chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu theo các điều kiện do họ đặt ra. Họ đang khóa chặt quyền kiểm soát các khoáng sản quan trọng, xây dựng năng lực lọc dầu và tăng cường nguồn cung năng lượng hạt nhân của mình. Trong khi “Washington đang tranh luận” thì “Trung Quốc đang xây dựng”. Nếu Mỹ muốn dẫn đầu, họ phải khẩn trương hành động.
Lộ trình hành động rõ ràng đối với Mỹ để đảm bảo an ninh năng lượng và duy trì vị thế dẫn đầu là: Đơn giản hóa và đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng; Tăng cường sản xuất năng lượng trong nước; Bảo vệ cơ sở hạ tầng năng lượng khỏi các mối nguy.Những biện pháp cụ thể để thực hiện ba hành động trên là tăng cường khả năng phục hồi của lưới điện, khôi phục năng lượng hạt nhân thế hệ tiếp theo như một nguồn điện ổn định, đảm bảo chuỗi cung ứng khoáng sản quan trọng để giảm sự phụ thuộc vào các đối thủ địa chính trị và khai thác AI để tối ưu hóa hệ thống năng lượng mà không ảnh hưởng đến an ninh.
Sự thống trị năng lượng không chỉ là khoan dầu – mà còn là cắt giảm các thủ tục hành chính quan liêu đã cản trở khả năng xây dựng của Mỹ. Nếu không cải cách cấp phép, an ninh năng lượng vẫn chỉ là một khẩu hiệu chứ không phải là một chiến lược. Tương lai thuộc về những người sản xuất năng lượng, không phải những người kiểm soát năng lượng.Điều này không chỉ là vấn đề của Mỹ mà còn là vấn đề toàn cầu. Cần có một sự thay đổi từ việc chỉ nói về các mục tiêu và cam kết sang việc thực hiện những hành động cụ thể. An ninh năng lượng không chỉ là chuẩn bị cho các kịch bản "Nếu như" – mà là đặt câu hỏi "Tại sao không?".Tại sao không đẩy nhanh sản xuất năng lượng trong nước để củng cố khả năng phục hồi kinh tế? Tại sao không loại bỏ các rào cản hành chính trong việc cấp phép để mở khóa tiềm năng tài nguyên đầy đủ của một quốc gia? Tại sao không mở rộng xuất khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) để củng cố liên minh và ứng phó với các đối thủ sử dụng năng lượng làm "quân bài"?
An ninh năng lượng không chỉ là một biện pháp đối phó với những tình huống không lường trước, mà là một yếu tố then chốt để đảm bảo sức mạnh và ảnh hưởng của một quốc gia. Lịch sử đã chứng minh rằng các quốc gia có chính sách năng lượng mạnh mẽ sẽ có lợi thế cạnh tranh trên trường quốc tế. Trong một kỷ nguyên của nhu cầu năng lượng do AI thúc đẩy, các mối đe dọa mạng và những liên minh địa chính trị thay đổi, câu hỏi đối với các quốc gia, đặc biệt là Mỹ, không còn là "Nếu như?" mà là "Tại sao không dẫn đầu?".Tin cùng chuyên mục
-
Phân tích - Dự báo
Tuần lễ đỏ lửa của thuế quan: Chính sách thương mại Mỹ bước vào giai đoạn quyết liệt
16:10'
Tuần này, Tổng thống Mỹ đã đẩy mạnh các phát ngôn về thương mại, gửi đi hơn 20 lá thư tới chính phủ các nước, trong đó đề xuất các mức thuế quan mới nếu các thỏa thuận không được đạt trước ngày 1/8.
-
Phân tích - Dự báo
Thời điểm bản lề đối với nền kinh tế Indonesia
06:30'
Indonesia bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các động lực bên ngoài, bao gồm cuộc chiến thuế quan đang diễn ra, đặc biệt là giữa các cường quốc, tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu.
-
Phân tích - Dự báo
Hàn Quốc đã sẵn sàng cho cuộc chơi công nghệ lớn?
05:30'
Vài tuần sau khi chính phủ mới của Hàn Quốc nhậm chức, thị trường đã định giá sẵn những kỳ vọng lạc quan nhất dành cho ngành công nghệ Hàn Quốc thông qua việc chỉ số KOSPI liên tục tăng nóng.
-
Phân tích - Dự báo
Nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự báo tiếp tục tăng mạnh
16:07' - 11/07/2025
Theo báo cáo Triển vọng Dầu mỏ Thế giới năm 2025 do OPEC công bố ngày 11/7, nhu cầu dầu mỏ toàn cầu dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, đạt mức gần 123 triệu thùng/ngày vào năm 2050.
-
Phân tích - Dự báo
Bài học từ "thập kỷ mất mát": Trung Quốc có đi vào vết xe đổ của Nhật Bản?
06:30' - 11/07/2025
Trong bối cảnh Trung Quốc đang đứng trước những thách thức mang tính cấu trúc, bài học từ Nhật Bản về các điểm bất hợp lý trong chính sách cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc.
-
Phân tích - Dự báo
Xu hướng chuyển đổi tất yếu của ngành vận tải biển
05:30' - 11/07/2025
Vận tải biển, chiếm hơn 80% giá trị thương mại toàn cầu và đóng góp hơn 900 tỷ USD/năm vào nền kinh tế đại dương, sắp bước vào giai đoạn chuyển đổi toàn diện, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0.
-
Phân tích - Dự báo
Châu Á - lời giải cho bài toán khí đốt của Canada
06:30' - 10/07/2025
Canada mới đây đã xuất khẩu một lô hàng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) sang châu Á, báo hiệu sự khởi đầu tươi sáng trên bước đường vươn xa ra thị trường LNG toàn cầu của cường quốc Bắc Mỹ này.
-
Phân tích - Dự báo
Chương trình "Mua trước, Trả sau": Cạm bẫy nợ nần tại Malaysia?
05:30' - 10/07/2025
Các chương trình "Mua trước, Trả sau" đang phát triển nhanh chóng tại Malaysia đã làm dấy lên mối lo ngại về khả năng bảo vệ người tiêu dùng và tình trạng vay mượn quá mức.
-
Phân tích - Dự báo
Khi dầu mỏ trở thành rủi ro chiến lược
06:30' - 09/07/2025
Nếu cuộc khủng hoảng tại Trung Đông kéo dài hoặc một cuộc khủng hoảng khác bùng lên, đây có thể là một bước ngoặt mới định hình thị trường dầu mỏ toàn cầu.