An toàn hồ đập, trồng bù rừng đều cần giám sát kỹ

13:21' - 02/11/2020
BNEWS An toàn hồ đập thuỷ điện, trồng bù rừng cũng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm trong phiên thảo luận tổ sáng 2/11 tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá XIV.

Sáng 2/11, sau khi nghe Tờ trình về chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hỗ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và dự án hồ chức nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An, các Đoàn đại biểu đã thảo luận tổ về một số nội dung; trong đó, an toàn hồ đập thuỷ điện, trồng bù rừng cũng là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm.

Đại biểu Trần Tuấn Anh (Đoàn Quảng Ngãi): An toàn hồ đập thủy điện là vấn đề lớn

Thời gian qua, chúng ta chứng kiến nhiều cơn bão đổ bộ vào miền Trung với tần suất cao, mức độ mưa và thời gian lưu bão rất lớn tại các địa phương.

Câu chuyện ứng phó với biến đổi thiên tai khí hậu trên cơ sở bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện, hồ chức nước, hồ thuỷ lợi… rất quan trọng, nhận được sự quan tâm của Chính phủ và các Bộ, ngành bởi đây vấn đề lớn.  

Cụ thể, theo số liệu thống kê, cả nước có 429 công trình thuỷ điện đưa vào vận hành khai thác, với dung tích khoảng 56 tỷ m3, chiếm 86% tổng dung tích hồ chứa nước trên địa bàn cả nước. Trong số này, chúng ta đã có đầy đủ quy định trong việc quản lý nhà nước bảo đảm an toàn hồ đập thuỷ điện cũng như vận hành của công trình hồ thuỷ điện cũng như quy trình vận hành liên hồ.

Để cụ thể hoá luật phòng chống thiên tai đã có Nghị định số 114/2018/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước; trong đó quy định rõ trách nhiệm của các Bộ, ngành trong đó có Bộ Công Thương, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường... liên quan đến nọi dung vận hành của công trình hồ thuỷ điện cũng như quy trình vận hành liên hồ, vận hành thương mại hồ thuỷ điện. Trên thực tế, các Bộ, ngành đã có hướng dẫn các địa phương trong quản lý trong lĩnh vực này.

Hiện có 401/401 - đạt tỷ lệ 100% được chủ đập thực hiện đúng quy định báo cáo hiện trạng an toàn hồ đập, cũng như bảo trì, kiểm tra, sửa chữa. Hồ đập do các Bộ, ngành quản lý cũng đã có kiểm tra thường xuyên.

Đợt bão lũ vừa qua, ngành chức năng cũng đã có đoàn kiểm tra tại các địa phương như Quảng Trị, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế. Kết quả kiểm tra tất cả hồ đập thuỷ điện cho thấy đều bảo đảm an toàn hồ đập; vận hành hồ, thực hiện quy trình xả lũ đơn hồ, liên hồ theo đúng quy định pháp luật...

Trước một số thông tin nêu hồ đập miền Trung xả lũ gây ngập hạ lưu là không chính xác. Qua số liệu quan trắc và khí tượng thuỷ văn, tại Quảng Nam, hồ thuỷ điện Đắk Mi 4 có lưu lượng lớn với những thời điểm đỉnh lũ 28/10, nước về hồ lên đến 17.000 m3/s. Nhưng nhờ dung tích hồ có khả năng điều tiết cắt lũ và trữ nước cắt lũ nên đã giúp cắt lũ hơn 55%. Nếu không, đỉnh lũ về sẽ ngập trắng hạ lưu.

Việc xả lũ tiếp tục kéo dài trong các ngày 29 và 30/10. Lượng xả nước mức độ thấp nên chống lũ hiệu quả cho hạ lưu, mặc dù vẫn có một số điểm ngập lụt.

Cùng đó, thời tiết cũng bộc lộ tính dị thường cực đoan với mức độ mưa và lượng mưa quá lớn. Có khu vực miền trung đạt đỉnh 2000-3.000 mm với lượng lưu bão lâu và mưa lớn liên tục tại khắp khu vực miền Trung. Do đó, những khu vực điạ chất yếu xảy ra hiện tượng đất lở gây hậu quả thương tâm như Rào Trăng 3, Trà Leng… làm thiệt hại lớn cả về người và tài sản.

Còn nếu nói nguyên nhân ảnh hưởng đến môi trường từ hoạt động kinh tế xã hội thì vẫn cần phải đánh giá kỹ hơn về các công trình giao thông, thủy điện, công cộng, dân sinh... Cần khẳng định, tính dị thường cực đoan của thời tiết  cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng đến môi trường đến địa phương và thiên tại, lũ lụt.

Bộ Công Thương cũng đã có báo cáo trước mắt về an toàn hồ thuỷ điện và các vấn đề thuỷ điện; phối hợp với các cơ quan để kiểm tra công trình lớn theo đoàn kiểm tra liên ngành.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Đoàn Ninh Thuận): Tính toán kỹ việc trồng bù rừng khi thực hiện dự án hồ chứa

Nói một cách tổng thể, việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án các hồ chứa nước liên quan đến rất nhiều vấn đề như: hệ thống truyền tải điện, hồ thủy lợi… Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là các yêu cầu liên quan đến đất rừng.

Tại tỉnh Ninh Thuận, dự án hồ chứa nước sông Than liên quan đến xã Hoả Sơn, Ma Nới… Dự án này có ý nghĩa rất quan trọng bởi sẽ cấp nước tưới cho 4.500 ha đất canh tác; cấp nước sinh hoạt cho khoảng 20.000 hộ dân vùng hạ lưu, cấp 24 triệu m3/năm cho các ngành kinh tế khác; cấp nước bổ sung cho các hồ chứa nước Lanh Ra, Tà Ranh và Bầu Zôn, cắt giảm lũ cho khu vực hạ du và tình trạng ngập úng.

 

Năm 2016, do tình hình hạn hán xảy ra nghiêm trọng, nhu cầu cấp bách của việc chống hạn, Dự án hồ chứa nước sông Than được đưa vào bố trí kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017-2020. Năm 2017, tỉnh Ninh Thuận phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư  với tổng mức đầu tư 855 tỷ đồng.

Tại khu vực này, nước sinh hoạt thậm chí còn không đủ chất lượng, cuộc sống của người dân rất khổ, chưa nói đến việc lao động sản xuất. Nếu không có hồ thì khu vực này dễ trở thành một “vùng đất chết”.

Trên thực tế, chủ trương liên quan đến việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện dự án các hồ chứa nước có nội dung quan trọng là trồng bù rừng. Yêu cầu này rất rõ ràng và các địa phương cũng sẵn sàng thực hiện. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương lúng túng trước yêu cầu về kinh phí, khoản phải nộp vào ngân sách để bảo đảm cho việc trồng bù. Trong khi đó, việc trồng bù không phải là đơn giản bởi còn hàng loạt câu chuyện liên quan như: trồng ở đâu, trồng cây gì và bao giờ trồng...

Trước đó, việc xây hồ chứa nước Ka Pét (tỉnh Ninh Thuận) đã được Quốc hội thông qua, nhưng việc trồng bù rừng đến bây giờ vẫn chưa xác định được địa điểm trồng. Tình huống này được ví như câu chuyện tiền bỏ trong két nhưng không sử dụng thì rất lãng phí hoặc nếu trồng không đúng cũng không đáp ứng được yêu cầu.

Ngay từ khâu triển khai đã khó khăn. Vậy nên, đối với các dự án hiện nay cần phải đi vào cốt lõi liên quan đến việc trồng bù rừng. Vấn đề đặt ra là kế hoạch và thời gian thực hiện phải cụ thể, rõ ràng.

Khi đã có chủ trương cho làm hồ chứa nước, cần chú trọng tiến độ trồng rừng và thời hạn thực hiện xong để bảo đảm không lãng phí nguồn vốn, phát huy hiệu quả đầu tư công. Nếu để chậm trễ sẽ lại thành vấn đề bức xúc.

Đặc biệt, diện tích rừng liên quan đến biến đổi khí hậu và hiện người dân phải gánh chịu lũ lụt khắp nơi như hiện nay là do thay đổi thời tiết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục